Một vụ tự tử vì cà phê

Thứ bảy ngày 4/9/1880, O.G Kimball chết ở Boston. Chỉ mới 42 tuổi, như người ta biết, ông ta không có vấn đề bệnh tật gì.

Khi ngành cà phê nở rộ trong suốt thập niên 1870, những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều cà phê đã thu được nguồn lợi khổng lồ, nhưng là với nguy cơ rủi ro cao.

Có một nghiệp đoàn của Mỹ, những nhà nhập khẩu nổi bật trên bức tranh cà phê, bao gồm ba công ty nổi tiếng được gọi là Bộ ba Tam hùng: B.G Arnold cùng Bowie Dash & Co tại New York, và O.G Kimball & Co tại Boston.

Đứng đầu là B.G Arnold, được xưng tụng là "Napoleon trong ngành cà phê" và là một gương mặt điển hình đại diện cho một trường phái mới của giới cà phê nhân, mà một người trong giới đã miêu tả ông ta là "sinh ra để buôn bán, sinh ra đã là một chiến binh và là một phù thủy kinh doanh, một nhà buôn giàu kinh nghiệm về chính trị, thời tiết và địa lý".

Theo một người sống cùng thời, trong 10 năm, Arnold "đã cai trị thị trường cà phê nước này, chuyên quyền tuyệt đối như bất cứ một vị vương tôn kế vị ngôi vua nào cai trị vương quốc của ông ta".

Hãng R.G Dun đã đánh giá rủi ro tín dụng trong kinh doanh trong suốt thời đại hoàng kim của B.G Arnold, và những báo cáo của đại diện hãng này về công ty của Arnold, đang tiến dẫn đến kết thúc thảm bại vào năm 1880, đã kể một câu chuyện của riêng họ:

Ngày 6/1/1872: Người ta nói rằng doanh nghiệp này đã kiếm được một triệu trong năm qua, đã độc quyền buôn bán cà phê... Việc kinh doanh của họ chủ yếu là đầu cơ.

Ngày 5/6/1875: Giá trị công ty ước tính ít nhất là 1,5 triệu đôla. Rốt cuộc, họ kiếm được một số tiền lớn nhờ những phi vụ cà phê. Đôi khi thị trường bất lợi với họ nhưng sau đó nó vực dậy được và lấy lại còn nhiều hơn mất đi.

Thế rồi, vào năm 1878, mọi người thấy đã rõ ràng rằng São Paulo, Brazil, sẽ làm cả thị trường cà phê ngập lụt. Bộ ba Tam hùng vật vã duy trì quyền kiểm soát trên thị trường, nhưng thủy triều đã rút. Hai năm sau đại diện bên Dun viết:

Ngày 20/10/1880: Cho đến lúc này, người ta đã biết công ty này thua lỗ nặng nề, nhưng họ không bị chao đảo nhiều lắm.

Trong nhiều năm, nghiệp đoàn của B.G Arnold, Bowie Dash và O.G Kimball đã tự ra giá cà phê Java. Khi cà phê nhân Brazil lại bắt đầu ồ ạt quét qua thị trường, Bộ ba Tam hùng ngày càng khó có thể nắm giữ quá nhiều lượng hàng trữ sẵn để đưa ra giá hời. Trong khi tính đến thời điểm ấy, họ đã chuyên môn hóa vào chất lượng cà phê Java, thì bây giờ họ bắt đầu mua nhân cà phê Brazil với nỗ lực tuyệt vọng đẩy giá lên cao.

Vào tháng 10, một công ty nhập khẩu đã thất bại nhưng người ta cho là do nó đã mở rộng quá đà. Vào ngày 25/10, một công ty nhập khẩu trà đã bị phá sản. Front Street (tên tắt cho địa hạt cà phê này) lo lắng thấp thỏm trước một cơn cuồng phong tiếp theo.

 Tranh: Getty Images.

Tranh: Getty Images.

Thứ bảy ngày 4/9/1880, O.G Kimball chết ở Boston. Chỉ mới 42 tuổi, như người ta biết, ông ta không có vấn đề bệnh tật gì.

Vào tối thứ bảy định mệnh ấy, ông ta đi đánh bài, theo như một người bạn, ông ta đã “cực kỳ cố gắng để trông có vẻ như hoan hỉ một cách bất thường”. Ông ta thôi chơi trước cả bà vợ vào lúc 10 giờ. Một tiếng sau, bà ta phát hiện ra chồng đã chết trên giường ngủ.

Tin này đã đánh một cú nặng nề vào thị trường cà phê New York vào sáng thứ hai. Một phóng viên New York Times đã viết vào ngày 8/12:

"Việc cái chết ấy trên thực tế làm công ty của ông ta tan rã đã khiến cho những chủ nợ phải nuốt nghẹn một cách khá tức tưởi khi biết chính xác tình trạng những sự vụ kinh doanh của ông ta. Nó cũng khiến cho uy tín của B.G Arnold & Co mai một". Báo chí ngày hôm đó đưa tin ông ta chết vì "sung huyết phổi", nhưng lại còn thêm rằng "cái chết này đến nhanh chóng bởi ông ta đã quá lo lắng vì chuyện làm ăn thua lỗ trong mấy tháng gần đây".

Tin đồn cho rằng đây là một vụ tự tử đã bay khắp các ngõ ngách - mặc dù bạn bè Kimball đã phủ nhận việc này. Dù thế nào thì cái chết của ông ta cũng đặt dấu chấm hết cho hai ông bạn cùng cánh trong nhóm Tam hùng.

Vào ngày 8/2, tờ Journal of Commerce ở New York đã phủ nhận nghi vấn B.G Arnold & Co đóng cửa. Tác giả bài báo đó viết:

"Ban đầu chẳng ai đoái hoài gì đến thông tin này, vì hãng ấy đã luôn có tiếng nhất về tình trạng tài chính ổn định, và họ kinh doanh trên quy mô lớn. Nhưng đến giữa ngày, thì tuyên bố chính thức được đưa ra".

Về sau, người ta mới phát hiện ra rằng công ty này đã bỏ lại khoản nợ trên hai triệu đôla. Tương tự, tờ New York Times đã viết: "Hôm qua, những người trong giới kinh doanh đủ các thành phần đều bất ngờ và sốc với tuyên bố B.G Arnold & Co, hãng buôn cà phê lớn nhất nước Mỹ... đã sụp đổ".

Ngày tiếp theo, ngày 9/12, không ai có thể bán được một nhân cà phê nào. "Chẳng ai hứng thú làm ăn, ai ai cũng xét nét người hàng xóm của mình", Abram Wakeman, người buôn bán cà phê kỳ cựu ôn lại.

Hai ngày sau, Bowie Dash & Co đình chỉ các giao dịch, với những khoản nợ 1,4 triệu đôla. Thất thoát vì cà phê có thể tính đến gần 7 tỷ đôla vào năm 1880, thêm 3 tỷ nữa bốc hơi vào năm sau.

"Lịch sử của ngành kinh doanh cà phê ở Mỹ trong 12 tháng năm 1880 ghi một kỷ lục thua lỗ và thảm họa như chưa từng có", Francis Thurber nhận xét.

Mark Pendergrast / NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-vu-tu-tu-vi-ca-phe-post1346516.html