Một vụ xét xử phân chia tài sản ''kỳ lạ''
Miếng đất và tài sản gắn liền với đất rộng 493 m2 được Tòa án Nhân dân hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ ly hôn chia đôi nhưng trớ trêu thay, phần đất được chia cho người vợ không hề có lối ra vào.
Vụ xét xử phân chia tài sản có phần “kỳ lạ” một cặp vợ chồng tại xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông) đã và đang gây nhiều bức xúc từ người dân tại địa phương. Bằng chứng của việc xét xử đang gây tranh cãi nêu trên của tòa án khiến các đơn vị thực thi không thể thi hành án, còn quyền lợi của người được phân chia tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do kéo dài nhiều năm qua.
Có đất, có nhà nhưng phải ra ngoài ở trọ
Theo hồ sơ vụ xét xử “không công nhận vợ chồng” của Tòa án Nhân dân huyện Đam Rông ngày 22/9/2016: bà Lê Thị Thủy (51 tuổi) và ông Nguyễn Đức Hợp (52 tuổi) cùng ngụ tại thôn Phi Có, xã Đạ Rsal chung sống như vợ chồng từ năm 1989 và đã có 5 người con chung (người con lớn nhất sinh năm 1990, nhỏ nhất sinh năm 1999) nhưng cả hai chưa đăng ký kết hôn. Tới năm 2016, do hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, tình cảm rạn nứt, không thể cứu vãn nên cả hai đồng ý ra tòa và phân chia tài sản đã tạo lập chung tại thôn Phi Có.
Thế nhưng, bản án sơ thẩm không phức tạp về chuyện ai nuôi con, nợ chung hay nợ riêng giữa hai vợ chồng mà lại oái oăm ở phần phân chia diện tích đất và tài sản gắn liền với đất. Tại thôn Phi Có, cả hai vợ chồng bà Thủy, ông Hợp có 493 m2 đất. Trong đó có 200 m2 đất ở đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên đất có 1 căn nhà cấp 4 mái tôn, 2 dãy nhà trọ, 1 nhà bếp, 1 nhà vệ sinh và dãy gara để xe. Tài sản ước tính trị giá khoảng gần 3,4 tỷ đồng.
Căn cứ vào kết quả xác minh, thẩm định giá và họa đồ trích đo cập nhật địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Đam Rông cung cấp cho tòa án thì miếng đất thuộc tờ bản đồ số 11, thửa đất số 936 (đo ngày 4/5/2016) có hướng Đông giáp con đường bê tông thôn Phi Có. Hướng Tây căn nhà giáp mặt tiền Quốc lộ 27. Hai hướng còn lại giáp Bưu điện xã Đạ Rsal và nhà một hộ dân.
Trên cơ sở đó, Tòa án Nhân dân huyện Đam Rông phân chia thửa đất cắt ngang, cụ thể: giao cho bà Thủy được quyền sử dụng 198 m2 đất và 93 m2 đất trồng cây hằng năm thuộc Thửa đất số 936. Trên đất có 2 dãy nhà trọ, nhà bếp, nhà vệ sinh với tổng trị giá tài sản được chia gần 1,9 tỷ đồng. Tòa giao cho ông Hợp quản lý 202 m2 đất ở và một căn nhà chính xây cấp 4 có diện tích 120,6 m2, 1 mái che phía trước với tổng tài sản được chia gần 1,5 tỷ đồng. Bà Thủy còn buộc phải trả lại tiền chênh lệch giá trị tài sản cho ông Hợp.
Vấn đề ở đây là trong khi phần đất của ông Hợp được chia giáp mặt tiền Quốc lộ 20 thì phần đất và tài sản trên đất tòa chia cho bà Thủy phía sau là miếng đất của bà Đinh Thị Kỳ, kế tiếp mới tới con đường bê tông của xóm. Ngay sau khi Tòa án Nhân dân huyện Đam Rông tuyên án, bà Thủy đã tìm mọi cách phản ánh lên cán bộ tòa án huyện nhưng không được giải quyết.
“Tôi ít chữ, không hiểu nhiều về pháp luật nên cứ nghĩ ban đầu phía đuôi mảnh đất không có lối đi thì tòa án sẽ chia dọc hoặc cho tôi bán đất chia đôi tài sản với ông Hợp. Khi cầm bản án đã tuyên tôi mới biết họ chia ngang. Từ ngày tòa chia xong, lấy cớ tòa án đã phân chia, ông Hợp không cho tôi đi vào dãy nhà trọ phía sau. Về phần đất của mình do có tường cao bít kín lại tiếp giáp bức tường là đất và căn nhà tôn của bà Đinh Thị Kỳ nên không thể trèo vào. Đường cùng tôi buộc phải dọn ra ở trọ mấy năm nay, tủi nhục đủ đường” - bà Thủy xúc động chia sẻ.
Tòa cấp sơ thẩm thừa nhận có sai sót
Việc miếng đất ở hướng Đông không có lối ra, ông Hợp và bà Thủy, kể cả người dân xung quanh đều rõ nhưng tại sao quá trình đo đạc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đam Rông lại không xác minh ra, thể hiện trên họa đồ cung cấp cho tòa án? Trong khi đó, tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử (ngày 14/3/2017) bà Thủy đã nhiều lần trình bày việc này nhưng chủ tọa phiên tòa đều bác bỏ.
Tại bản án phúc thẩm, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa bà Vũ Thị Nguyệt giải thích trong phần nhận định của tòa án: Việc bà Thủy cho rằng phần diện tích nhà đất chia cho bà không có lối đi là không có căn cứ. Bởi lẽ, theo họa đồ đo vẽ ngày 4/5/2016 của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ của huyện Đam Rông thì phần nhà đất giao cho bà Thủy có con đường bê tông. Bà Thủy cho rằng sát bức tường nhà trọ (giáp đường bê tông) là đất của bà Kỳ là không có cơ sở vì trong họa đồ không thể hiện có thửa đất nào nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Thủy. Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng thay vì hoãn phiên xử, cho kiểm tra lại việc đo đạc họa đồ có thể sai sót thì tòa cấp phúc thẩm lại căn cứ vào các tài liệu cũ của cấp sơ thẩm để ra phán quyết là điều rất khó hiểu!?
Theo tài liệu chúng tôi có được, biên bản xác minh điều kiện thi hành án ngày 14/3/2018 (gồm có ông Trần Ba, Phó Chi cục trưởng - Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đam Rông; đại diện Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đam Rông; ông Đỗ Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal, cán bộ địa chính xã) thì họa đồ do Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đam Rông đo đạc dùng cho 2 phiên tòa xét xử có sai sót nghiêm trọng. Theo xác minh điều kiện thi hành án các đơn vị xác nhận, thì: Hướng Đông lô đất được giao cho bà Thủy là bức tường xây kiên cố dài 16 m tiếp giáp ranh giới với lô đất của bà Đinh Thị Kỳ, không có lối ra. Xung quanh 3 phía còn lại của bà Thủy cũng là tường xây kiên cố (trong đó có bức tường ông Hợp xây kín), không có lối ra vào.
Khi về vị trí lô đất trên quan sát, bà Đinh Thị Kỳ khẳng định với chúng tôi, lô đất của bà thuộc thửa đất số 170, tờ bản đồ số 11 rộng 85 m2, có vị trí đất tiếp giáp bức tường xây hướng Đông của bà Thủy được chia. Đây là thửa đất bà Kỳ mua lại, sang nhượng bằng giấy tay của ông Nguyễn Văn Năm (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng trên đất đã có một căn nhà mái tôn, cột sắt, lợp tôn dài 16 m. “Ngay bản thân tôi cũng rất bức xúc vì mọi người đều biết sau nhà bà Thủy là đất và nhà của gia đình tôi mới tới con đường bê tông. Tại thời điểm năm 2016, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đam Rông xuống đo đạc tôi không hề được mời tới. Tới năm 2018, khi thi hành bản án, các đơn vị có giấy mời và tôi đã trình bày rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao họ vẫn không cho sửa bản án cho bà Thủy” - bà Kỳ cho biết.
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Hoàng Rung K’Nhơn, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc xác nhận quá trình xét xử vụ án trên đã có sai sót. “Sau khi tuyên án thì tôi mới biết việc phần đất nhà bà Thủy được chia có sai sót. Nguyên nhân là do căn cứ vào họa đồ đo cập nhật địa chính do Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đam Rông cung cấp cho tòa án không chính xác. Trên họa đồ không thể hiện là ngoài con đường bê tông còn có một thửa đất của bà Đinh Thị Kỳ tiếp giáp với bà Lê Thị Thủy” - ông K’Nhơn nói và cho biết thêm, khi phát hiện ra việc này ông đã hướng dẫn bà Thủy làm đơn kháng cáo và yêu cầu tòa án tỉnh xác minh, thẩm định lại họa đồ.
Liên quan tới bản án nêu trên, mới đây, trong lần tiếp công dân định kỳ tại xã Đạ Rsal, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã nắm bắt vụ việc và chuyển đơn bà Thủy cùng việc đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xác minh bản án phúc thẩm đơn vị xét xử ngày 14/3/2017. Tới ngày 12/9 vừa qua, Đoàn thanh tra Tòa án Nhân dân tỉnh đã về thôn Phi Có kiểm tra vụ việc nhưng tới thời điểm này, phía bà Thủy cho chúng tôi hay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của từ Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201910/mot-vu-xet-xu-phan-chia-tai-san-ky-la-2967309/