Một vùng biên kiểu mẫu

Là vùng biên địa linh nhân kiệt, có những người con lớn lên từ khốn khó thầm lặng mà kiên cường, xã Phú Gia của Hương Khê, Hà Tĩnh sau khi về đích nông thôn mới năm 2018, đang nỗ lực hướng tới danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Đồng thời, sẽ là điểm du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh tại miền Trung như ý nguyện của cán bộ, nhân dân nơi đây.

Vườn “nông thôn mới kiểu mẫu” đạt giải Nhì tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Kim Anh

Vườn “nông thôn mới kiểu mẫu” đạt giải Nhì tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Kim Anh

Lối về đất xưa

Tàu dừng ở ga Hương Phố, người đàn ông tầm thước trong bộ đồ sơ vin màu trắng, vẫn còn dấu ấn thư sinh, đợi sẵn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia Phan Đình Trọng mời chúng tôi lên ô tô rồi quay cửa kính xuống để nắng gió biên cương nồng nàn hương rừng, hương núi tươi lành tràn ngập. Con đường bê tông cho hai làn xe êm ả, xen giữa trạm điện màu trắng, chợ khoe các mặt hàng gia dụng, thực phẩm thơm lừng vị trái cây đặc sản nổi tiếng cả nước: Cam, bưởi, chuối... quanh khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa. Cảm giác vùng quê như đóa hoa ngũ sắc.

Bất giác, màu xanh lam sương khói của sông Tiêm giàu tiềm năng thủy điện hút tầm mắt tôi ngược nguồn lên khối núi Trại Trù như vòng tay mẹ Trường Sơn tưới tắm cho Phú Gia thanh sạch, rồi hòa vào Ngàn Sâu, Ngàn Phố tại Tam Soa để ngọt hến sông La, hòa vào sông Cả, sông Lam đổ ra biển Đông. Có thể du thuyền, hoặc tàu xe, mời khách về chiêm bái quần thể di tích cấp quốc gia “Trầm Lâm”, “Sơn Phòng”, “Công Đồng” rồi nghỉ dưỡng tại thác Vũ Môn với độ cao 1.700m so với mực nước biển.

Đường bê tông, có mương nước trong rượi ôm quanh đưa chúng tôi đi thăm 13 khu vườn mẫu. Các cụ đánh bóng chuyền trên sân Nhà văn hóa thôn Phú Thành vọng ra: “Lại tìm nhà Lê Khắc Trường đẹp trai, anh bệnh binh giải ngũ vừa được giải nhì của tỉnh về vườn mẫu phải không? Đếm ba nhà nữa, nhà vườn đẹp nhất” - “Vâng, cảm ơn các bác ạ”. “Mà chị này!” - Một phụ nữ lớn tuổi, hơi lùn, bỏ rơi pha bóng: “Chị coi mụ tra như tui tóc bạc trơn, vừa mần cỏ xong đã chạy ra thể thao. Cha cha, ngày trước tui khổ lắm, đất thì nhiều mà trơ tróc, nhà cọ vách săng, trâu, bò, gà, lợn, ruồi, muỗi ở chung với người. Sắn mốc không có cho con ăn, nói chi cá thịt. Đói trật lè ra. Dừ có của ăn của để, đi đánh bóng cho khỏe. Mai rày cùng nhau mần ăn thành nông thôn mới kiểu mẫu thì sướng lắm”. Nụ cười hồn hậu như nắng chiều thả xuống khu vườn đầy sức sống.

Chúng tôi nhắm vườn đẹp nhất mà vào. Người phụ nữ dong dỏng có phần rắn rỏi ra đón là chị Lê Thị Tuệ, vợ Bí thư Chi bộ Lê Khắc Trường. Vừa rót chén trà xanh, chị vừa thủ thỉ: “Trước đây, nhà tôi luôn thiếu thốn, phải đi vay tiền nuôi 5 con ăn học. Từ Chỉ thị của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, xã này thuộc khu vực 2. Được Nhà nước hỗ trợ mọi mặt nên 6.919m2 vườn nhà tôi được quy hoạch đúng tiêu chuẩn vườn mẫu. Với hơn 100 gốc bưởi và cam, hai hồ cá trắm, cá rô và đàn trâu bò, hươu, lợn... mỗi năm cho thu nhập ngót 200 triệu đồng. Chao ôi! Phú Gia nghèo nhất Hà Tĩnh, Hà Tĩnh nghèo nhất nước, mà được như hôm nay, đã như mơ rồi chị ơi!”.

Câu chuyện đang hồ hởi thì anh Trường đi họp chi bộ về. Anh tâm huyết: “Có được như hôm nay, nhờ sự cố gắng của mỗi nhà, chung sức ủng hộ. Ngoài nông nghiệp, nhà nào cũng làm nghề phụ như đan lát, mộc, xây, hàn, dịch vụ buôn bán. Hiện nay, thôn chúng tôi đứng đầu xã. Bình quân thu nhập 34 triệu đồng/người/năm. Năm 2021 sẽ phấn đấu thu nhập 50 triệu đồng/người/năm và 300kg lương thực/người/năm... Tôi vui lắm”.

Toàn dân nỗ lực cán đích

Quay về trụ sở UBND xã, ba dãy nhà cao tầng khang trang sạch đẹp tọa lạc ở thôn Phú Vinh. Bí thư Đảng ủy xã Lê Công Anh có 12 năm là bí thư đoàn, 12 năm chủ tịch xã tặng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Phú Gia và nhanh nhẹn khái quát qua: “Phú Gia có diện tích đất 14.134,59ha. Trong đó, chỉ một phần ba là đất nông nghiệp và canh tác. Dân số 4.776 người, ở rải rác. Đặc biệt, dưới chân thác Vũ Môn là thôn Phú Lâm, Đồn Biên phòng Phú Gia cách trung tâm xã gần 30km đường rừng, cách nước Lào 1km, với 107 hộ, trong đó, 50% người Lào láng giềng sang định cư. Nhưng dân quê tôi tự tin với bề dày lịch sử, với lòng yêu quê hương đất nước, ý thức được mình phải làm gì để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.

Bề dày lịch sử mà vị Bí thư trẻ nhắc đến chính là sau khi tuyên hịch Cần Vương ở Tân Sở (Quảng Trị) năm 1885, vua Hàm Nghi phát động chống giặc Pháp. Tại thành Sơn Phòng, Phú Gia, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương lần thứ hai, được đông đảo dân chúng và sĩ phu ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh ủng hộ. Ba năm sau, vua bị giặc Pháp bắt, đày sang Algeria. Phan Đình Phùng tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân Hương Khê kháng Pháp và mở rộng quy mô ra Thanh Hóa, Nghệ An.

Năm 1893, ông cho Lãnh Thạc đánh đồn Thanh Lang, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt Trương Quang Ngọc - kẻ bán đứng vua Hàm Nghi cho giặc Pháp. Trương Quang Ngọc bị chặt đầu treo ở túp lều trong khe Tá Bào, nơi vua Hàm Nghi từng ở. Ngoài ra, trong quần thể di tích quốc gia của xã là nơi thành lập chi bộ, họp bàn lãnh đạo dân, xây dựng lực lượng giành chính quyền từ tay Pháp - Nhật, là kho cất giấu vũ khí đánh Mỹ. Vùng đất biên cương này cũng là nơi nổi dậy cuộc khởi nghĩa Rôộc Cồn đến những người con của quê hương ngã xuống vì độc lập, tự do.

Bí thư Lê Công Anh chia sẻ, chủ trương của trên, nỗ lực của hệ thống chính trị, ý chí của người dân cùng ơn nghĩa tiền nhân, chúng tôi hoàn thành 20 tiêu chí, nhận bằng “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” vào năm 2018. Hiện, xã đang phát động phong trào, tiến tới “Xã nông thôn mới nâng cao” vào năm 2020, đến năm 2021 đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Được biết, năm 2019, Phú Gia phấn đấu tăng giá trị sản xuất lên 12%, thu nhập bình quân 36 triệu đồng/người/ năm. Ngoài Phú Thành, sẽ có 4 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, duy trì tốt 4 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 6 doanh nghiệp, 5 mô hình chăn nuôi tập trung. Ngoài 15km đường đã có với một kênh mương bê tông, sẽ làm tiếp 3,5km đường và kênh bê tông nữa. Đầu tư tuyến đường trục xã 4,5km thành tuyến đường đẹp. Về xã hội, một trong hai trường học đạt chuẩn quốc gia, 96% dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, 98% hộ dân dùng nước sạch...

Để hoàn thành mục tiêu, xã đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm bổ sung bộ giống phù hợp với địa phương. Liên doanh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch một cách chủ động để nâng cao thu nhập cho xã và dân. Đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất cùng mạng lưới công nghệ thông tin đến tận thôn, xóm để người dân nắm thông tin, ứng dụng vào kinh tế, khoa học kỹ thuật và thị trường...

Với thế mạnh của địa phương, xã Phú Gia cũng khởi động dự án và đưa vào hoạt động du lịch nghỉ dưỡng tâm linh trong chuỗi quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia: Miếu Trầm Lâm, đền Sơn Phòng, đền Công Đồng. Thác Vũ Môn với độ cao 1.700m so với mực nước biển, trên đỉnh Giăng Màn có 50ha đất bằng phẳng lại có 450ha đất bên kia chân núi, để xây dựng khu nghỉ dưỡng tâm linh.

“Nay đường đi lối lại dễ dàng, diện mạo quê hương khang trang, sinh khí tươi vui và bề dày lịch sử cùng với hào khí của vùng đất thiêng và nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi tin sẽ thu hút được nhiều du khách về đây tham quan, tĩnh dưỡng”, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhân nói đầy hy vọng.

Trần Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-vung-bien-kieu-mau/