Một xã, có tới sáu người tự tử bằng lá ngón trong bảy tháng
7 tháng đầu năm 2019, xã Keo Lôm,huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, ghi nhận 6 ca tự tử bằng lá ngón, trong đó 1 ca tử vong do không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.
Điện Biên Đông là một trong những huyện nghèo vùng cao của tỉnh Điện Biên. Mỗi năm, địa phương này có hàng chục người tự tử bằng cách ăn lá ngón. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng số người tự tử bằng lá ngón hằng năm vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Chỉ vì bị mẹ la mắng do hay đi chơi về muộn, con gái anh Ly A Mua (ở bản Keo Lôm 2, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông) là Ly Thị Phương (12 tuổi) đã tìm đến lá ngón để tự tử. Rất may do là cán bộ y tế bản, anh Mua đã kịp thời phát hiện và đưa con đến cơ sở y tế cứu chữa giúp con gái qua cơn nguy kịch.
Anh Mua kể lại: Ngày hôm ấy, cháu cứ nằm lì trên giường, bố mẹ gọi dậy ăn cơm cháu bảo con không ăn. Anh đi làm đến trưa về nhà ăn cơm xong, thấy cháu dậy đi được một đoạn thì ngã gục xuống. Anh hỏi cháu không trả lời, nhưng xem mắt anh biết là con gái đã ăn lá ngón, gia đình ngay lập tức đưa đến Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông để cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Doòng, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Suối Lư, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Năm 2017, toàn xã Keo Lôm có 25 ca tự tử bằng lá ngón; năm 2018 là 18 ca; 7 tháng đầu năm 2019, toàn xã ghi nhận 6 ca tự tử bằng lá ngón, trong đó 1 ca tử vong do không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.
Trong công tác tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón, Trạm Y tế xã Keo Lôm đã hướng dẫn người dân cách xử lý ban đầu đối với bệnh nhân ăn lá ngón, đó là bước rất quan trọng để có thể cứu sống bệnh nhân.
Theo Chủ tịch UBND xã Keo Lôm Vàng Quốc Minh, trước đây nạn tự tử bằng lá ngón chỉ có ở người Mông, nhưng nay xảy ra ở một số đồng bào dân tộc khác. Nguyên nhân có thể do mâu thuẫn gia đình, những xích mích trong cuộc sống…
Thậm chí có trường hợp do không hiểu hết tác hại của cây lá ngón nên ăn thử, từ đó dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Chính quyền xã Keo Lôm đã tích cực tuyên truyền đến các thôn, bản về tác hại của cây lá ngón và người dân không coi thường mạng sống của bản thân.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn huyện ghi nhận 89 ca tự tử bằng cách ăn lá ngón (tăng 41 ca so với cùng kỳ 2018), trong đó 16 trường hợp tử vong (giảm 3 trường hợp so với cùng kỳ 2018).
Số ca tự tử bằng lá ngón 7 tháng đầu năm 2019 thậm chí còn cao hơn cả năm 2017 với 82 ca, năm 2018 là 78 ca. Trong nhiều năm qua, những xã có nhiều ca tự tử bằng lá ngón như: Pú Hồng, Phì Nhừ, Xa Dung, Háng Lìa, Keo Lôm…
Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, tự tử bằng lá ngón là một vấn nạn rất nan giải của huyện Điện Biên Đông những năm qua. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cuộc sống khó khăn, nhận thức của người dân, chủ yếu là đồng bào Mông còn hạn chế, khi gặp trắc trở trong cuộc sống, họ lại tìm đến lá ngón để giải quyết.
Những năm qua, chính quyền huyện Điện Biên Đông cùng cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ việc phòng và chống tình trạng tự tử bằng lá ngón. Cụ thể, địa phương đã đưa việc giảm tỉ lệ tử tự bằng lá ngón vào trong việc thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính quyền địa phương cùng cơ quan, đơn vị đã lồng ghép việc tuyên truyền về tác hại lá ngón trong các hội nghị, hội thảo, diễn đàn và các cuộc họp dân.
Huyện đã đầu tư các trang thiết bị tại cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện. Khi phát hiện trường hợp tự tử bằng lá ngón, nếu đến được cơ sở y tế mà vẫn còn thở đều thì có thể cứu được. Do vậy, dù số ca tự tử bằng lá ngón năm 2019 đang có dấu hiệu gia tăng, nhưng trường hợp tử vong đã được hạn chế. Đa số các trường hợp tử vong do chưa đến các cơ sở y tế kịp thời.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, ngoài các giải pháp trên, địa phương đã phát động phong trào chặt bỏ cây lá ngón. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Trên hết vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân biết trân trọng mạng sống của chính mình.