Một xã sắp có 3 công trình thủy điện, người dân nơm nớp lo âu

Vùng hạ lưu sông Ba qua địa phận tỉnh Phú Yên (ở 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa) hiện có 5 nhà máy thủy điện, gồm Nhà máy Sông Ba Hạ (công suất 220 MW), Krông Hnăng (64 MW), Sông Hinh (70 MW), Sơn Giang (10 MW), Đá Đen (9MW). Ngoài ra, Phú Yên còn có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 (18MW) ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Và mới đây, tỉnh dự kiến triển khai thêm 3 công trình thủy điện ở xã Phú Mỡ.

Với diện tích tự nhiên 45.600ha, Phú Mỡ là địa phương cấp xã rộng lớn nhất ở Phú Yên. Nơi đây có con sông Kỳ Lộ dài 120km, phát nguyên từ núi La Hiên ở độ cao hơn 1.000m, chảy từ địa phận giáp ranh hai tỉnh Bình Định – Gia Lai và đổ ra cửa biển Tiên Châu, huyện Tuy An (Phú Yên). Địa bàn Phú Mỡ không chỉ có những cánh rừng tự nhiên cùng các loài động, thực vật quý hiếm, mà còn có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đã vận hành khai thác từ tháng 3/2015.

Sông Kỳ Lộ chảy qua địa phận xã Phú Mỡ - nơi một xã sắp có thêm 3 dự án thủy điện.

Sông Kỳ Lộ chảy qua địa phận xã Phú Mỡ - nơi một xã sắp có thêm 3 dự án thủy điện.

Gần đây, các nhà đầu tư đề xuất thêm 3 dự án thủy điện ở xã Phú Mỡ. Đó là Nhà máy thủy điện Khe Cách của Công ty CP thủy điện Khe Cách, có công suất 12KW, tổng nguồn vốn đầu tư 426 tỷ đồng, sản lượng điện mỗi năm 38,6 triệu kWh; Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 của Công ty CP Đầu tư xây dựng Sơn Hòa, có công suất 10MW, tổng nguồn vốn đầu tư 340 tỷ đồng, sản lượng điện mỗi năm 29,05 triệu kWh; Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 2 của Công ty CP thủy điện Sơn Hòa, có công suất 14MW, tổng nguồn vốn đầu tư 476 tỷ đồng, sản lượng điện mỗi năm 44,95 triệu kWh

Trong báo cáo ngày 12/7/2024, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết, 3 dự án thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1, Sơn Hòa 2 đều phù hợp Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cơ quan này thống nhất chủ trương đầu tư, nhưng do 3 dự án không nằm trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện, nên cần xin ý kiến của Bộ Công Thương trước khi tham mưu UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.

Tại Văn bản số 6856/BCT-ĐL ngày 9/9 của Bộ Công Thương cho rằng, UBND tỉnh Phú Yên phải chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá sự phù với quy hoạch tỉnh Phú Yên. Các dự án phải đúng quy mô, tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo không ảnh hưởng, chồng lấn quy hoạch các dự án thủy điện liền kề ở phía thượng lưu, hạ lưu và các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi trong khu vực; hướng dẫn nhà đầu tư các dự án thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, lâm nghiệp, môi trường, tài nguyên nước…

Theo tìm hiểu của PV, trong số 154,8ha đất sẽ thu hồi để thực hiện 3 dự án thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1, Sơn Hòa 2, có hơn 35ha rừng trồng và 119,8 ha đất rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã đề nghị nhà đầu tư phải bổ sung diện tích, vị trí, tọa độ từng khu vực lòng hồ, đập chính, khu phụ trợ, mô tả chi tiết xây dựng đường ống dẫn nước… mới có căn cứ xác định sự ảnh hưởng của dự án đến diện tích rừng và quy hoạch rừng. Trước khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Phú Yên và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho rằng, nhà đầu tư cần phải phân tích, so sánh các phương án, lựa chọn tuyến công trình, mực nước dâng bình thường, mực nước chết, công suất lắp máy, số tổ máy, kết cấu đập dâng, quy mô và kết cấu đập tràn, giải pháp tiêu năng, phương án đấu nối nhà máy thủy điện với hệ thống điện, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội.

Bên cạnh đó, cần phải tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế, tính an toàn ổn định, độ bền, chống thấm, chế độ thủy lực... tại các hạng mục đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, kênh dẫn nước, đường ống áp lực, kênh xả... Ngoài ra, các hạng mục đường ống dẫn nước, đường thi công có thể tác động đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và đất trồng lúa của người dân.

Theo ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, việc đầu tư 3 dự án thủy điện nêu trên có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, dòng chảy, nguồn nước và đời sống của người dân mà cụ thể là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông - lâm - thủy sản và những tác động của lũ lụt, sạt lở, xói mòn… nên cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng để xem xét, đảm bảo hiệu quả, khả thi và hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng về môi trường tự nhiên và đời sống của người dân.

Không ít người dân bày tỏ lo ngại khi trên địa bàn huyện Đồng Xuân hiện có hồ chứa thủy điện La Hiêng 2 có dung tích hơn 3 triệu m3 nước và hồ thủy lợi Phú Xuân 11,2 triệu m3. Mùa khô, hai hồ này tích nước, đến mùa mưa xả lũ về hạ du khiến cho nhiều vùng ở xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, thị trấn La Hai – huyện Đồng Xuân và xã An Nghiệp, An Định – huyện Tuy An bị ngập lụt nặng.

Mặt khác, hầu hết diện tích đất nông nghiệp các địa phương nêu trên đều bơm nước tưới từ hạ lưu sông Kỳ Lộ, khi có thêm dự án 3 thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1, Sơn Hòa 2 cùng tích nước trong mùa khô thì nguy cơ cạn kiệt nguồn nước hạ lưu sông Kỳ Lộ sẽ xảy ra, sản xuất nông nghiệp sẽ vấp phải khó khăn khi thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng.

Mừng hay lo khi 3 dự án thủy điện nêu trên triển khai đầu tư thì xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân sẽ có 4 nhà máy thủy điện? Câu hỏi đó cùng với những vấn đề mà Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên và người dân đặt ra cần phải được xem xét thận trọng sẽ là chuyện không thừa trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Việt Tường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/mot-xa-sap-co-3-cong-trinh-thuy-dien-nguoi-dan-nom-nop-lo-au-i745709/