Một xu hướng vững chắc

Trước thực trạng 'được mùa mất giá', kèm đó là hiện tượng kêu gọi 'giải cứu' nông sản, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (hay còn gọi là liên kết chuỗi giá trị nông sản) mà chúng tôi khảo sát tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã cho thấy, đây là xu hướng vững chắc, tương lai của sản xuất, tiêu thụ trong nông nghiệp. Các mô hình này sẽ dần thay thế kiểu sản xuất manh mún, tự phát của nông dân.

“Giờ mới thấm giá trị của liên kết”

Nghệ An, Hà Tĩnh có diện tích nông nghiệp lớn, có nhiều nông sản, đặc sản địa phương nổi tiếng, tuy nhiên việc liên kết với doanh nghiệp, cơ sở chế biến tạo đầu ra ổn định vẫn còn ít, bởi vậy, các sản phẩm nông sản Nghệ An và Hà Tĩnh khó có mặt ở hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm... xuất khẩu nông sản vì thế cũng chiếm tỷ trọng nhỏ.

Chúng tôi đến cánh đồng lớn sản xuất rau, củ, quả quy mô gần 100ha tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, rau bắp cải ế ẩm, dù treo với giá 1.000 đồng/kg nhưng cũng không bán được, thậm chí cho... không ai lấy. Chính quyền địa phương và các cấp ban, ngành, đoàn thể đang kêu gọi "giải cứu" rau ở địa phương này.

Cũng trên một cánh đồng lớn rau, củ, quả Diễn Phong, nhưng các hộ dân liên kết trồng khoai tây với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina khá phấn khởi, chẳng cần đau đầu nghĩ cách tiêu thụ bởi vì đã được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Anh Quế Văn Thiện, nông dân xã Diễn Phong cam kết sản xuất khoai tây nguyên liệu, được công ty hỗ trợ giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật nên vừa thu hoạch xong thì công ty đã đến thu mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Với diện tích 5ha gia đình anh được hơn 5 tấn khoai thu về 35 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng khoai tây nguyên liệu có giá trị cao hơn gấp 4-5 lần.

Ông Quế Văn Duyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Diễn Phong cho biết: “Năm nay, “được mùa mất giá” nên bà con đã thấy được vai trò, giá trị trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đang triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến các loại nông sản như: Ớt cay, dưa lê, cà chua...”.

Thực tế cho thấy, tại Nghệ An, nguyên nhân nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ là do sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, không có sự liên kết rộng rãi đầu ra. Lượng nông sản sản xuất theo loại hình này chiếm tỷ trọng lớn về số lượng cơ sở sản xuất cũng như sản lượng một số nông sản tiêu dùng hằng ngày. Thông thường những sản phẩm này có chất lượng không đồng đều, chưa được quản lý về an toàn thực phẩm, không đầu tư về quảng bá sản phẩm nên không nhận được quan tâm của người tiêu dùng...

 Sản xuất, chế biến gạo tại Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh.

Sản xuất, chế biến gạo tại Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An lý giải: “Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; việc tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung chuyên canh gặp nhiều khó khăn, không tạo ra được khối lượng nông sản đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn như việc đưa sản phẩm nông sản Nghệ An vào hệ thống siêu thị: Siêu thị đã đồng ý nhập nông sản Nghệ An, mọi thủ tục, hồ sơ các cơ quan nhà nước đều hỗ trợ nhưng nông sản Nghệ An không đáp ứng được với số lượng mặt hàng, đa dạng về chủng loại và điều quan trọng là nguồn cung không ổn định. Nông sản Nghệ An đang phụ thuộc vào thời tiết và khả năng cạnh tranh còn thấp”.

Liên kết chặt chẽ giữa “ba nhà”

Một trong những khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh khi liên kết chuỗi giá trị nông sản đó là quy hoạch vùng nguyên liệu lớn, đủ sức cung cấp cho kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu. Với đặc thù là một địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mưa lũ, hạn hán... không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn có những sản phẩm đặc thù, chủ lực như: Gạo, chè, sắn, cam, bưởi... Nông dân Hà Tĩnh bao đời có tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” nên gây khó khăn cho việc liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gạo, xuất khẩu gạo của Hà Tĩnh. Mặc dù là địa bàn không có lợi thế về sản xuất nông nghiệp nhưng với tư duy hướng đến sản xuất chế biến sâu và nông nghiệp hữu cơ nên hiện nay, công ty đang liên kết với nông dân sản xuất lúa gạo tiêu chuẩn để xuất khẩu với quy mô gần 2.000ha.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh chia sẻ: “Để nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhất thiết phải phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Muốn vậy, phải có một nguồn nguyên liệu ổn định và tại chỗ. Khó khăn nhất hiện nay trong việc liên kết với bà con nông dân là việc giữ đúng cam kết. Bà con dù đã cam kết sản xuất nhưng khi thấy các thương lái mua với giá cao hơn lại đổ xô bán cho thương lái mà không giữ cam kết ban đầu khiến doanh nghiệp lao đao vì bị phá vỡ kế hoạch kinh doanh... Nên chăng, Nhà nước phải có chế tài xử phạt khi xã viên hoặc người dân phá vỡ hợp đồng... bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ theo hướng chuỗi giá trị”.

Về thực tế trên, ông Phan Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh cho rằng: “Muốn đưa nông sản Hà Tĩnh theo mô hình liên kết chuỗi giá trị thì trước hết phải thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần vận động nông dân tham gia các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tuân thủ các định hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; canh tác, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi giá trị”.

Có thể thấy rằng, mô hình chuỗi giá trị nông sản Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay còn ít và chủ yếu là những chuỗi giá trị ngắn, liên quan đến 3 nhà: “Nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp”, bởi vậy, muốn gia tăng giá trị cho nông sản thì nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất; Nhà nước tăng cường chức năng quản lý, đẩy mạnh việc kết nối, quy hoạch đất đai, phân tích, dự báo thị trường và doanh nghiệp tạo điều kiện gia tăng lợi ích cho nông dân, người sản xuất nông sản.

Nếu các bên cùng thay đổi để cùng có lợi sẽ giải quyết được bài toán sản xuất-tiêu thụ mà cao hơn cùng nâng cao giá trị nông sản, hướng đến chế biến sâu và xuất khẩu.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mot-xu-huong-vung-chac-654038