Một ý tưởng sáng tạo sinh động và thiết thực
Bắt nguồn từ mong muốn được góp phần truyền cảm hứng cho tình yêu quê hương đất nước, để kiến thức Lịch sử - Địa lý nói riêng và tri thức dân tộc nói chung được sinh động hóa, một nhóm các em học sinh phổ thông ở Hà Nội đã thiết kế mô hình 'Về với cội nguồn'. Sáng kiến hữu ích này cho thấy khả năng sáng tạo không ngừng của thanh thiếu nhi Thủ đô trên hành trình trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
“Về với cội nguồn”
Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, vội vã, khi các nền văn hóa nước ngoài đang từng bước tìm chỗ đứng trong đời sống của thanh thiếu niên nói riêng và giới trẻ nói chung, nhóm 5 học sinh gồm Lưu Diệu Anh (Lớp 6N, trường THCS Huy Văn, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Anh Trang (Lớp 3A1, Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội), Phạm Thùy Dương (Lớp 8A4, Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), Đoàn Ngọc Quang (Lớp 3P, Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) và Đỗ Quang Nam Khánh (Lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) cùng nhận thức được rằng, hơn bao giờ hết, việc trau dồi kiến thức về Lịch sử - Địa lý Việt Nam ngày càng quan trọng. Các em đã bàn bạc cùng nhau thiết kế mô hình “Về với cội nguồn”.
Nói về tác phẩm, trưởng nhóm Đỗ Quang Nam Khánh,cho biết: “Mô hình của chúng em mô phỏng Bản đồ Việt Nam với hình ảnh đất nước ta cong cong chữ S, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ở khu vực biển Đông, 63 tỉnh, thành được làm từ bìa và vải vụn gắn nam châm, một vài đường bay mô phỏng".
Mô hình được đặt trên một chiếc bàn chắc chắn, có bánh xe để thuận tiện di chuyển. Trên mặt bàn có 3 khu vực chính: Ngoài khu vực đặt phần mô hình đất nước là khu vực gắn 8 tranh di tích lịch sử được trang trí bằng vải vụn và khu vực bảng điều khiển vận hành cùng màn hình Led.
“Trên mô hình này, ngoài các trang thiết bị công nghệ phù hợp với học tập kỷ nguyên 4.0, chúng em mong muốn để lại “dấu ấn học sinh” qua những chi tiết bọc vải tái chế cho các mảnh ghép mô hình và tô vẽ trang trí bằng sơn, cọ cho mô hình thêm sinh động. Các video giới thiệu về các di tích lịch sử được tìm kiếm trên các trang điện tử tin cậy với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình ảnh sinh động phù hợp với lứa tuổi học sinh. Việc tìm kiếm thông tin rất nhanh gọn với mã QR được gắn trên mô hình. Và một hình ảnh nữa chúng em trang trọng đặt lên trên mô hình, đó là hình ảnh Chim hạc thể hiện khát vọng mạnh mẽ vươn lên của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay cũng như một lần nữa nhấn mạnh tình yêu thiên nhiên của con người Việt Nam ta” - Nam Khánh bày tỏ.
Với lứa tuổi học trò, việc lồng ghép hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” sẽ giúp những thông tin, kiến thức cần truyền tải hấp dẫn, thú vị, hiệu quả hơn nên nhóm đã lồng ghép 3 trò chơi lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian như xúc xắc, cá ngựa... là: “Nhanh mắt đoán miền”, “Xúc xắc về nguồn” và “Bốc thăm may mắn”.
Trò chơi “Nhanh mắt đoán miền” gợi nhớ các thông tin địa lý liên quan đến các tỉnh, thành. Người chơi bốc thăm, lật được thăm vùng nào sẽ trả lời có bao nhiêu tỉnh, thành ở vùng đó. Sau đó, người chơi sẽ tìm và lắp ráp các mảnh nam châm thể hiện các tỉnh, thành vào mô hình.
Với trò chơi “Xúc xắc về nguồn”, trọng tài bật cần gạt số nào, người chơi thuyết minh, trình bày kiến thức về di tích lịch sử đó. Sau đó, trọng tài sẽ quét mã QR để hiển thị thông tin chi tiết về di tích để kiểm tra tính chính xác...
Các trò chơi này có thể chơi theo đội, nhóm, có thể đưa vào các tiết học chính khóa, các giờ sinh hoạt ngoại khóa hay đơn giản hơn là các thành viên trong cùng gia đình, các bạn nhỏ cùng khu dân cư quây quần chơi với nhau.
Ứng dụng vào đời sống, phục vụ học tập
Với sức nhỏ của mình, mô hình mới chỉ mang đến hình ảnh và thông tin của 8 di tích nhưng đã phần nào truyền cảm hứng và đem lại một cách thức truyền tải tri thức sinh động cho các em học sinh, thanh thiếu niên trên chặng đường tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý của Tổ quốc.
Theo trưởng nhóm Đỗ Quang Nam Khánh, hy vọng trong trong thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp phát triển thêm các trò chơi gắn liền với đời sống văn hóa, ẩm thực các dân tộc, các vùng miền; thêm các nội dung về các di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, các trận chiến anh hùng của dân tộc... Các bản thuyết minh sẽ sử dụng thêm tiếng Anh, tiếng Pháp...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, sản phẩm “Về với cội nguồn” đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao nhất trong “Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, Nhi đồng Thủ đô năm 2023”.
“Có thể nói mô hình này đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và Ban tổ chức, thể hiện được ý tưởng sáng tạo, trình độ kỹ thuật tốt và sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phục vụ học tập, sinh hoạt. Đây là một trong những sản phẩm được ban tổ chức chọn gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc”, ông Tuấn cho biết thêm.
Qua 19 lần tổ chức, cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, Nhi đồng Thủ đô đã cất cánh cho niềm đam mê khoa học của các thế hệ học sinh Hà Nội, góp phần phát hiện, trau dồi và rèn luyện cho nhiều nhà sáng chế tương lai.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-y-tuong-sang-tao-sinh-dong-va-thiet-thuc-639209.html