'Mother' (2020) - mẫu tử lầm lỡ
Bộ phim của đạo diễn Tatsushi Omori là cách tiếp cận gai góc và có phần kỳ lạ về mối quan hệ giữa mẹ với con trai, cũng như giá trị của tình mẫu tử trong xã hội Nhật Bản hiện đại.
Bộ phim Mother (2020) của đạo diễn Tatsushi Omori xoay quanh cuộc đời lang bạt của bà mẹ Akiko Misumi (Masami Nagasawa) và cậu con trai Shuhei (Sho Gunji, Daiken Okudaira).
Akiko là người phụ nữ không công ăn việc làm, chuyên sống bám vào lòng thương và tiền bạc của cha mẹ già, cô em gái chăm chỉ và những gã đàn ông nhẹ dạ. Sống cùng người mẹ vô trách nhiệm như vậy, Shuhei từ nhỏ đã phải học cách vòi tiền từ những người xung quanh, thậm chí trở thành nguồn chu cấp tài chính cho mẹ.
Thế rồi Akiko tìm được tình mới - một gã đàn ông làm việc tại nhà thổ. Nồi nào úp vung nấy, sự xuất hiện của người cha dượng không khiến cuộc đời Shuhei tươi sáng hơn, mà ngược lại, đẩy em vào chuỗi ngày tội lỗi.
Một người mẹ lệch lạc
Trong Mother (2009) của điện ảnh Hàn Quốc, vì niềm tin dành cho đứa con tật nguyền, một người mẹ đã quyết tâm chống lại cả thế giới. Cũng có một người mẹ khác trong Pietà (2012), bởi tình mẫu tử mà quyết tâm hủy diệt một cuộc đời. Những người phụ nữ ấy coi đứa con là lẽ sống duy nhất. Tách khỏi đứa con, cuộc đời họ dường như không còn ý nghĩa.
Còn Akiko, bà mẹ trong Mother (2020), là một kẻ ăn bám xã hội, một đứa con làm khổ cha mẹ, một kẻ lừa đảo. Nhân vật được xây dựng đối ngược với mẫu hình ảnh người mẹ thường thấy có đức hy sinh và lòng vị tha cao cả.
Trong cảnh đầu phim, khi Shuhei trở về nhà với một bên chân bị thương, Akiko đã liếm vết thương của con trai với một nụ cười. Tiếp đó, cả hai tới bể bơi. Tại đây, bất chấp quy định, Akiko nhảy xuống nước và khuyến khích con trai làm giống mình.
Akiko không chỉ là một kẻ tự tách mình khỏi các thiết chế xã hội, cô còn là một bà mẹ tồi. Cách người phụ nữ ấy chăm sóc và nuôi dạy Shuhei vừa giống, lại vừa không giống bản năng của một con thú mẹ chăm sóc đàn con.
Xúi con trai vi phạm các quy tắc chung, dạy con cách vòi tiền hay cảm thấy hài lòng khi con không đến trường, tất cả đều không phải cách mà một người mẹ, hay một kẻ giàu kinh nghiệm đi trước, dạy dỗ hay truyền thụ kiến thức cho con cái.
Với Akiko, con cái là sở hữu. Khi được các nhân viên xã hội tiếp cận và đề nghị giúp đỡ, cô đã có những giây phút điên cuồng giận dữ khi các con có thể bị tách ra khỏi mình. Tuy nhiên, đó không phải là cơn xù lông kiểu gà mái che chở đàn con. Nó là phản ứng tự vệ của một người trước nỗi sợ hãi sắp bị tước mất quyền lợi gắn liền với một thứ hiển nhiên thuộc về mình.
Với lý lẽ vì mình là người đã sinh ra Shuhei và em gái cậu, Akiko tự cho mình quyền được làm bất cứ điều gì với chúng, ngay cả khi đó là những việc trái với luân thường đạo lý. Có lẽ Akiko xứng đáng được kết nạp vào hội “mẹ xấu” mà Joan Crawford (Faye Dunaway) của Mommie Dearest là thành viên ưu tú từ năm 1981.
Trong Mommie Dearest, Joan Crawford - nhân vật được xây dựng dựa trên cuộc đời một nữ diễn viên có thật tại Hollywood - không ngừng lạm dụng, bôi nhọ và làm tổn thương đàn con nuôi khi chúng hành xử không theo ý mình.
Akiko đã trải qua nhiều cuộc mây mưa với những gã đàn ông qua đường, mà không ít trong số này diễn ra ngay trước sự chứng kiến của con trai. Người mẹ đã vấp ngã và trượt dài trong thất bại, nhưng không thể rút ra bài học.
Nhân vật là một kẻ ái kỷ, lười lao động, không ngần ngại lợi dụng những người xung quanh để đạt được lợi ích của bản thân. Cậu bé Shuhei cũng vô tình bị cuốn vào vòng xoáy thao túng ấy và trở thành công cụ, cũng như một trong các nạn nhân của bà mẹ.
Cậu con trai bị bạo hành với tình yêu mù quáng
Sẽ có những khoảnh khắc trong phim, khán giả tự hỏi cuộc sống nay đây mai đó bên mẹ và em gái trong những căn phòng trọ bí bức của Shuhei, hay những ngày tháng bơ vơ đói khổ của cậu bé Akira và ba đứa em trong Nobody Knows (2014), bên nào bi kịch hơn.
Akira và các em đã bị mẹ bỏ rơi sau khi bà tìm thấy tình yêu mới. Còn Shuhei, ít nhất cậu vẫn còn được ở bên mẹ. Người mẹ gắn liền với cậu như một món nợ đời khó trả.
Nằm gọn trong vòng thao túng của Akiko, Shuhei chưa bao giờ có cơ hội đưa ra lựa chọn cho bản thân. Không đúng sai, không yêu ghét, cuộc sống của cậu từ tấm bé đã chỉ xoay quanh những điều mẹ muốn, những thứ mẹ cần.
Trên màn ảnh, không ít lần khán giả nhìn thấy Shuhei chần chừ, muốn từ chối, mơ hồ phân biệt được thiện, ác, đúng, sai. Nhưng rồi lời lẽ của người mẹ vô trách nhiệm đã bẻ gãy ý chí cậu. Kết quả, đôi tay Shuhei hết lần này đến lần khác nhúng chàm.
Hành trình của Shuhei mang đến những xúc cảm phức tạp xen lẫn giữa hồi hộp lo lắng và tiếc nuối xót va. Quan điểm vì tôi sinh ra nó, tôi có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn của Akiko khiến Shuhei lớn lên với sự phụ thuộc tuyệt đối vào mẹ. Thế giới quan của Akiko trở thành thế giới quan của Shuhei, nhân sinh quan của Akiko trở thành nhân sinh quan của Shuhei. Thậm chí, xúc cảm yêu ghét, căm hận từ người mẹ cũng truyền sang cậu.
Giống như chú vịt con mới nở sẽ coi thứ đầu tiên nó nhìn thấy là mẹ và bám sát không rời, Shuhei của Mother sống trên đời chỉ bằng một niềm tin duy nhất: tình yêu thương dành cho mẹ - người phụ nữ cậu biết rõ sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi bàn tay chăm sóc của người khác.
Cậu yêu mẹ, tình yêu gắn liền với sự bảo vệ ấy là thứ ý chí không ai có thể bẻ gãy. Nhưng sau cả bộ phim, không ai rõ, tình yêu chân thành của cậu liệu đã chạm tới được trái tim của người mẹ ích kỷ hay chưa.
Tình mẫu tử hay gánh nặng cuộc đời?
Mother (2020) giống như một đống than hồng âm ỉ, chậm rãi thiêu đốt trái tim khán giả. Càng bất bình với sự vô tâm và ích kỷ của Akiko, khán giả lại càng thương cảm, xót xa cho Shuhei.
Nhưng tới một thời điểm, sự thương cảm biến thành nỗi thất vọng. Trên màn ảnh, Shuhei, giống như con thú non lấy người đi trước làm hình mẫu, dần trở thành phiên bản táo tợn hơn của Akiko.
Ở tuổi 16, Shuhei là một thằng nhóc trầm lặng, suốt ngày quẩn quanh chân mẹ. Cậu từng đi làm thuê công việc chân tay, nhưng rồi cũng chẳng được lâu. Người ta vẫn nói trước cơn bão lớn trời thường trong xanh. Sự bình lặng tới bất thường, cùng thái độ cam chịu của Shuhei, trở thành quả bom nổ chậm đặt giữa bộ phim. Không ai dám chắc cậu bé không nhu cầu, không ước mơ, không tương lai ấy, có thể làm những gì.
Không có những tình tiết éo le được tô vẽ cầu kỳ, Mother là chuỗi câu chuyện vụt vặt và tình tiết đứt gãy, nhưng không hề rời rạc. Bởi sợi chỉ đỏ xâu chuỗi tác phẩm không phải những xô lệch trên bề mặt, mà là tâm tư của từng nhân vật ẩn sau sự việc ấy.
Cũng như Nobody Knows, nơi các nhân vật buộc phải chấp nhận thực tại và chung sống với nó - hay đúng hơn, họ không có cơ hội phản kháng ngay từ phút ban đầu, Akiko đã sinh ra Shuhei, thì khi bộ phim khép lại, cô vẫn là mẹ cậu.
Mở đầu phim, em bé Shuhei hớt hải chạy theo sau xe đạp của mẹ, thì cuối phim, cậu vẫn chẳng thể nào hiểu hết tâm hồn người phụ nữ ấy. Không thể hiểu, nhưng cậu vẫn yêu bà.
Tình yêu vô điều kiện dành cho mẹ với cuộc đời đứa trẻ bị bạo hành không phải điều gì đáng ca ngợi. Nó giống như một sự thiệt thòi. Shuhei chỉ có mẹ, chỉ biết trao tình yêu cho mẹ. Nhưng vì Akiko chỉ yêu chính mình, Shuhei không bao giờ hiểu thế nào là được yêu thương. Thay vào đó, cậu mù quáng làm theo tất cả những gì mẹ nói, với niềm tin mơ hồ đó là biểu hiện của tình yêu.
Mother (2020) là bức tranh về tình mẫu tử trở nên méo mó vì vô số nguyên nhân đến từ xã hội bên ngoài, và bản thân tính cách mỗi nhân vật. Trong bức tranh ấy, nổi bật là sự cùng quẫn, bế tắc của một người phụ nữ đứng bên lề xã hội, một đứa trẻ lớn lên trong sự bạo hành tinh thần của mẹ, và những con người bình thường vô tình vướng vào vòng xoáy sự kiện diễn ra trong hai cuộc đời ấy.
Không nặng nề bài học đạo đức, không ép buộc nhân vật phải thay đổi để làm ra một cái kết có hậu, Mother chỉ đơn giản kể lại toàn bộ câu chuyện về hai mẹ con Akiko và Shuhei trên màn ảnh, và mong người xem chấp nhận nó như một phần của đời sống. Và từ tiền đề ấy, những thay đổi trong thái độ và hành vi hy vọng sẽ theo sau.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mother-2020-mau-tu-lam-lo-post1152917.html