Mottainai - văn hóa sống 'ăn sâu' vào máu của người Nhật Bản

Khi ai đó vứt đồ ăn hoặc thứ gì đó đi, người Việt chúng ta có một câu cửa miệng đó là 'Thật phí phạm'. Người Nhật cũng có một từ như thế: 'Mottainai!'.

Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự tiếc nuối, Mottainai bao hàm một ý niệm vô cùng sâu sắc đó là tôn trọng giá trị của bất cứ thứ gì. Từ đó có thể tận dụng triệt để, không để lãng phí bất cứ tài nguyên nào.

Mottainai đã trở thành một triết lý trong văn hóa sống của người Nhật Bản,giúp họ có thể sống bền vững và trở nên giàu có. Nó cũng là thông điệp quý giá mà người dân của "đất nước Mặt trời mọc" muốn gửi tới thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hành tinh xanh đang cất lời kêu cứu trước thực trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Triết lý sống của người Nhật

Với tay qua quầy thu ngân với dáng vẻ tất bật, cụ bà bán hàng đưa cho chúng tôi (phóng viên) một gói bánh senbei (một loại bánh gạo nổi tiếng của Nhật Bản) được gói trong lớp giấy washi – một loại giấy truyền thống thường được chế từ vỏ của cây gampi, tre, cây gai dầu, gạo hoặc lúa mì bằng phương pháp thủ công hoàn toàn. Khi chúng tôi rời đi, cụ bà không quên gọi theo nhắc nhở với giọng điệu nghiêm khắc không lẫn đi đâu được: "Mottainai!".

Mottainai có mặt mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống thường ngày của Nhật Bản. Nó đã trở thành một triết lý sống, một lối sống không lãng phí của người dân nơi đây trong nhiều thế kỷ.

Có nguồn gốc từ Phật giáo, lối sống này tập trung vào bản chất và giá trị của đồ vật, nó có nghĩa rất lớn để loại bỏ thói quen "vứt đi" của chúng ta, khi một đồ vật hết giá trị sử dụng ở một khía cạnh này thì chắc chắn nó vẫn sẽ còn giá trị ở một khía cạnh khác, chỉ cần bạn để tâm và tôn trọng nó.

Bởi vậy, trong khẩu hiệu 3R quen thuộc "Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế" (Reduce – Reuse – Recycle), người dân Nhật Bản đã thêm 1 chữ R nữa, đó là: "Tôn trọng" (Respect).

Bao bì làm từ giấy washi truyền thống có thể được tái sử dụng để gói quà hoặc bọc sổ tay.

Bao bì làm từ giấy washi truyền thống có thể được tái sử dụng để gói quà hoặc bọc sổ tay.

Trước đây, nhân loại theo đuổi lối sống phát triển. Nhưng ngày nay, khi nhận thấy mối nguy rằng Trái đất có thể sẽ bị phá hủy bởi ô nhiễm môi trường, xu hướng mà người ta hướng đến đó là sống "bền vững". Trong đó việc giảm thiểu rác thải và năng lượng tiêu thụ là vấn đề rất quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào.

"3R" trở thành một chiến dịch có sức lan tỏa trên toàn thế giới. Nổi tiếng với hệ thống tái chế rác thải phức tạp và những thành phố sạch sẽ, Nhật Bản nghe có vẻ đã thành công trong việc làm chủ dự án "Ba chữ R".

Người Nhật với nhận thức mạnh mẽ vốn có về mối đe dọa của môi trường, cùng với lối sống "chắt chiu" truyền thống, đã nhận thấy rằng, triết lý sống "Mottainai" – từng bị bỏ quên trong một thời gian dài – sẽ là hướng đi đúng đắn để họ có được cuộc sống bền vững hơn và góp phần "cứu" lấy hành tinh này.

Thay vì mất công tuyên truyền về giảm thiểu mua sắm, xử phạt việc thải rác ra môi trường, Mottainai khiến chúng ta nhìn nhận kỹ càng vào bản chất của những thứ đang có sẵn, tin rằng mọi thứ đều có giá trị và chẳng có lý do gì để biến chúng thành rác thải, từ đó sẽ bỏ được thói quen "vứt đi".

Vì thế, Mottainai đã và đang được khơi gợi lại, như một triết lý sống, nó xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi ngõ ngách cuộc sống của người dân Nhật Bản.

Sức mạnh của Mottainai

Mottainai từng được dùng để đặt tên cho một chiến dịch vì môi trường được thành lập sau chuyến thăm của nhà môi trường người Kenya từng đoạt giải Nobel Wangari Maathai vào năm 2005, với mục đích làm sống lại khái niệm này.

Thể hiện sự ủng hộ với Mottainai, ông Tatsuo Nanai, người đứng đầu chiến dịch, cho biết: "Khái niệm Mottainai bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản, nhưng gần đây nó có xu hướng bị lãng quên. Bà Maathai đã rất ấn tượng với triết lý này bởi vì nó thể hiện nhiều điều hơn là một từ 'lãng phí'".

Sức mạnh của Mottainai khởi nguồn từ ý nghĩa phức tạp của nó. Trong từ Mottainai có hai phần, theo cách giải thích của Nanai: "Từ "mottai" là một từ của Phật giáo ám chỉ bản chất của sự vật. Nó có thể được dùng cho mọi thứ trong thế giới vật chất của chúng ta với ý nghĩa rằng các vật thể không tồn tại biệt lập mà được kết nối với nhau một cách mật thiết, còn phần thứ hai "nai" mang ý phủ định, "mottai" và "nai" ghép lại thành một từ biểu hiện nỗi buồn về sự mất đi mối liên kết giữa hai thực thể, một còn tồn tại và một không còn tồn tại".

Trong văn hóa Nhật Bản, người ta coi trọng sự gắn kết giữa con người và đồ vật. Thậm chí nó trở thành một yếu tố cơ bản, được phản ánh trong mọi thứ, từ kintsugi - nghệ thuật sửa chữa đồ đạc truyền thống cho đến "spark joy" - phong cách sống "dọn dẹp để hạnh phúc" (dọn dẹp ở đây có nghĩa là sắp xếp đồ đạc trong nhà để tận dụng tối đa giá trị sử dụng của mọi thứ) mà Marie Kondo, người phụ nữ Nhật Bản được mệnh danh "thánh nữ dọn nhà", từng lan tỏa tới mọi người.

Ở Nhật Bản, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một chiếc bát vỡ được sửa chữa tinh xảo trong một buổi trà đạo hoặc ở những lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm mục đích biết ơn những món đồ cũ đã không còn sử dụng được nữa.

"Khi đồ vật không thể sử dụng được, chúng tôi luôn nói 'otsukaresama-deshita' với chúng. Nó có nghĩa là 'cảm ơn vì đã làm việc chăm chỉ'", ông Nanai cho biết. Một ví dụ điển hình nữa là nghi lễ "hari-kuyo" hay còn gọi là "lễ an táng cho những chiếc kim gãy. Trong nghi lễ này, những chiếc kim khâu bị gãy sẽ được cắm trên một miếng đậu phụ mềm và người ta sẽ tưởng niệm nhằm thể hiện sự biết ơn đối với chúng.

Nghệ thuật kintsugi - có tuổi đời hàng thế kỷ - giúp sửa chữa đồ gốm bị vỡ bằng những đường nối vàng tuyệt đẹp.

Nghệ thuật kintsugi - có tuổi đời hàng thế kỷ - giúp sửa chữa đồ gốm bị vỡ bằng những đường nối vàng tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, sống trong một thế giới với sự phát triển vũ bão của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt và theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng, sự gắn kết giữa con người và đồ vật rất khó để duy trì, khi có một cái mới thì người ra rất dễ nới cái cũ.

Hệ lụy mà rất nhiều trong số chúng ta vẫn chưa nhận ra đó là khoảng cách giữa nhân loại và môi trường đang ngày càng lớn.

Ông Nanai nói: "Chúng ta nghĩ chúng ta tách biệt với rừng, tách biệt với đại dương và rằng chúng ta vượt trội hơn thiên nhiên. Nhưng cuộc khủng hoảng môi trường đã đánh thức ý thức của chúng ta về thực tế rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên".

Nhận thấy giá trị của triết lý Mottainai trong việc thu hẹp dần khoảng cách giữa con người và thiên nhiên, chiến dịch phi lợi nhuận MOTTAINAI của ông Nanai, với sự góp sức quan trọng của bà Maathai, nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng người Kenya, và cộng đồng người Nhật ở nước ngoài, tinh thần Mottainai đã được lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới.

Trong bài phát biểu tại buổi ra mắt Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2006, bà Maathai lên án lòng tham đối với nguồn tài nguyên hạn chế của Trái đất là "nguyên nhân sâu xa của hầu hết các cuộc xung đột".

Tây đậy, bà đã kể lại chuyến đi đến Nhật Bản, nơi bà đã có được một bài học về phương châm sống Mottainai và bài học về "sự biết ơn, không lãng phí và trân trọng những nguồn lực có hạn". Qua đó truyền tải đi một thông điệp đầy nhân văn đến tất cả lãnh đạo của rất nhiều các quốc gia có mặt.

Thế vận hội Olympic và Paralympic năm 2020 ở Tokyo (bị hoãn do đại dịch Covid-19) là một sự kiện thể hiện tinh thần Mottainai mạnh mẽ.

Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các sân vận động và hệ thống giao thông hiện có cũng như các kế hoạch đền bù carbon, ban tổ chức đã xây dựng từ nhựa tái chế được thu thập từ nước Nhật Bản. Toàn bộ 5.000 huy chương đều được làm từ 100% kim loại tái chế, được gom từ thiết bị điện tử không còn sử dụng được nữa do người dân quyên góp.

Tuy nhiên, có một trái ngược đó là trong khi nhận thức quốc tế về quan niệm Mottainai ngày càng mạnh mẽ thì ở Nhật Bản, người ta lại đang thờ ơ với chính thứ mà mình đã sinh ra.

Nguyên nhân chính đó chính là do khác biệt thế hệ. Giải thích điều này, phó giáo sư Misuzu Asari của Trường Nghiên cứu Môi trường Toàn cầu thuộc Đại học Kyoto nói: "Người già, những người thuộc thế hệ trước, họ đã trải qua một thời kỳ chiến tranh và nghèo đói đầy khó khăn. Vì thế họ hiểu, thấm nhuần và trân trọng Mottainai hơn ai hết.

Ngược lại, thế hệ trẻ, lớp người đang được sống trong thời đại mà nguồn vật chất vô cùng dồi dào, họ không hiểu được sự kết nối với giá trị nội tại của những món đồ để tạo ra một lối sống tối giản hơn. Thay vào đó, họ có thói quen tiêu dùng hàng loạt, khiến những món đồ đó bị bỏ đi và dễ dàng bị thay thế".

Tương lai cho trẻ em

Với mục tiêu thay đổi điều này, chiến dịch MOTTAINAI đã xác định đối tượng hướng tới là trẻ em và lớp trẻ.

Bên cạnh dự án Khu chợ MOTTAINAI thường xuyên được tổ chức trên khắp Tokyo để bán hàng cũ, chiến dịch này còn có những gian hàng riêng dành cho trẻ em - cho phép các em bán, mua đồ chơi và quần áo.

"Tại gian hàng 'tí hon', các em sẽ mua bán mà không có cha mẹ bên cạnh. Mỗi em chỉ được phép chi tiêu trong khoảng 500 yên (khoảng 108.000 VNĐ), hoạt động buôn bán được thiết kế để dạy trẻ nhỏ không chỉ giá trị đồng tiền, mà còn giáo dục các em cách tận dụng đồ cũ", ông Nanai nói về niềm vui của mình.

Tại Shikoku, hòn đảo lớn thứ 4 của Nhật Bản, trẻ em nơi đây mang trên mình sứ mệnh vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy mục tiêu không rác thải.

Mục tiêu này được chính quyền địa phương đặt ra từ năm 2003, họ đã tuyên bố sẽ hợp lực với các gia đình, các tổ chức nhằm tìm cách giải quyết các bãi rác thải ở địa phương. Họ đã nghĩ ra một phương pháp đó là thông qua trò chơi để truyền đạt ý nghĩa của văn hóa mottainai một cách dễ hiểu nhất và dễ tiếp cận nhất.

"Chúng tôi cho các em 5 lựa chọn khi ứng xử với một đồ vật không còn sử dụng được nữa. Thứ nhất là tái sử dụng, thứ hai là sửa chữa, thứ ba là dùng đồ vật đó vào một việc khác, thứ tư là dùng làm nguyên liệu để tái chế thành một vật hoàn toàn mới và thứ năm là vứt đi và mặc cho nó mục rửa trong lòng đất hoặc trôi dạt đâu đó trong môi trường.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng cứu được rác thải, nên chúng tôi phải đưa ra thêm hai lựa chọn nữa - hoặc mang đồ cũ ra bãi rác, hoặc từ chối sử dụng ngay từ đầu", cô Sakano, lãnh đạo địa phương giải thích.

Lựa chọn cuối cùng mới chính là điểm mấu chốt, cô Sakano giải thích: "Lựa chọn từ chối sử dụng đúng với tinh thần Mottainai và nó sẽ khuyến khích các em suy nghĩ ra những lý do để tránh sử dụng một đồ vật ngay từ đầu thay vì mua về và để đó không sử dụng hoặc sử dụng một thời gian ngắn rồi vứt đi".

Từ những lời hứa giản đơn như không nhận đồ chơi đính kèm các bữa ăn ở tiệm fast food cho tới tái chế chai nhựa, các cô cậu bé địa phương đã nằm lòng những bài học về tiết kiệm.

Dân số ngày một tăng trong khi tài nguyên sống ngày một ít đi, chúng ta sẽ lấy gì để tiếp tục sinh tồn? Vì thế hãy học cách trân trọng giá trị của bất cứ thứ gì mà bạn đang có và đừng lãng phí nó, đúng như thông điệp đầy nhân văn mà Nhật Bản gửi tới chúng ta: "Mottainai!".

Nguồn: BBC Travel

Thu Thủy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mottainai-van-hoa-song-an-sau-vao-mau-cua-nguoi-nhat-ban-20231104162807004.htm