Mozambique - 'Bước đệm' của Trung Quốc tiến sâu vào châu Phi

Với sự giàu có hydrocarbon và vị trí chiến lược tại vùng Đông Nam châu Phi, Mozambique nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.

Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy các cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi trong khuôn khổ dự án phát triển trọng điểm do doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc phụ trách điều hành và gây quỹ.

Mozambique sở hữu đường bờ biển dài 2.470 km dọc theo khu vực Ấn Độ Dương. Thông qua con đường này, Trung Quốc có thể dễ dàng tiến vào Zambia theo hướng Tây Bắc và Zimbabwe theo hướng Tây.

Theo chuyên gia châu Phi, Trung Quốc đã chuyển một số dự án xây dựng đường sắt và cơ sở hạ tầng sang Mozambique để tạo tuyến đường giao thương thuận lợi, kết nối với các vùng bên trong lục địa mà Trung Quốc đã đầu tư nhiều dự án quan trọng.

Công trình do Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CBRC) xây dựng ở thủ đô Maputo, Mozambique. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Công trình do Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CBRC) xây dựng ở thủ đô Maputo, Mozambique. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tập đoàn lớn nhập cuộc

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các công ty xây dựng chi mạnh tay hơn trong khuôn khổ các dự án phát triển chiến lược.

Dưới sự quản lý của Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CBRC), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đã trích xuất tài trợ 300 triệu USD từ quỹ tài chính cho dự án xây dựng đường vành đai dài 74 km ở thủ đô Maputo. Đây là một dự án đường cao tốc trọng điểm cấp quốc gia ở Mozambique với 6 cây cầu và 3 nút giao thông.

Trong dự án xây dựng tòa nhà 14 tầng, một số công ty công nghệ cao của Trung Quốc cũng được phép tham gia cùng với chính phủ Mozambique và tập đoàn AFECC của Trung Quốc.

Theo một chuyên gia hiện đang nghiên cứu về Trung Quốc tại Đông Nam châu Phi, “với nguồn vốn đầu tư 300 triệu USD, dự án này được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Quốc bao gồm trung tâm hội nghị công nghệ cao, khu vực vui chơi và siêu thị độc quyền hàng hóa của Trung Quốc”.

Gần đây, tập đoàn xây dựng kinh tế đối ngoại An Huy cũng đấu thầu thành công dự án xây dựng tòa văn phòng hiện đại của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Mozambique với trị giá lên tới 100 triệu NDT. Đây là tòa văn phòng phức hợp công nghệ cao với những phòng hội nghị và các cơ sở quốc tế hoạt động dưới sự giám sát của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Tổng công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng hàng không quốc tế Trung Quốc đang trong quá trình phát triển dự án sân bay Xai-Xai Chongoene ở thành phố Chongoene với quỹ đầu tư lên đến 60 triệu USD.

Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng: nhà ga, đường vào sân bay, khu cảnh quan bên ngoài nhà ga hành khách như bãi đỗ xe, khuôn viên. Các công ty Trung Quốc cũng triển khai các hoạt động quảng cáo và tiếp thị để nâng cao hình ảnh của đất nước tỷ dân trong khu vực.

Dự án sân bay Xai-Xai Chongoene ở thành phố Chongoene mang dấu ấn Trung Quốc. (Nguồn: Aeroportos de Moçambique)

Dự án sân bay Xai-Xai Chongoene ở thành phố Chongoene mang dấu ấn Trung Quốc. (Nguồn: Aeroportos de Moçambique)

Nâng tầm ảnh hưởng toàn diện

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở Mozambique nhằm phục vụ cho mục đích quân sự song song với các động thái gia tăng ảnh hưởng kinh tế tại châu Phi.

Theo ông Pradeep Mehta, Tổng thư ký Hiệp hội Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng CUTS (với mạng lưới các chi hội địa phương ở khắp châu Phi), đồng thời là nhà vận động và kết nối chính sách kinh tế hàng đầu tại Ấn Độ, “Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng mạng lưới căn cứ hải quân, điều đó cho thấy tham vọng nâng tầm ảnh hưởng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương nói chung và châu Phi nói riêng”.

Ông Mehta cho rằng, “thông qua việc xây dựng căn cứ hải quân thứ 2 ở khu vực, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng đối với kênh đào Suez và hóa giải yết hầu Malacca”.

Do đó, các quốc gia châu Phi nên đặc biệt lưu ý đến những rủi ro lớn do các căn cứ quân sự đem lại trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang gia tăng mạnh mẽ.

Mạng lưới đầu tư của Bắc Kinh tại Mozambique ngày càng mở rộng, khi mới đây, công ty TNHH Đầu tư quốc tế Dingsheng đã đầu tư 400 triệu USD vào dự án xây dựng cảng biển và đường ray tại khu vực Chibuto với kế hoạch khai thác trữ lượng titan ít nhất 2 tấn mỗi năm ngay khi nhà máy đi vào hoạt động.

Công ty Dingsheng là công ty con của tập đoàn An Huy vốn đang phụ trách xây dựng, quản lý và vận hành đặc khu kinh tế Manga-Mungassa ở ngoại ô Beira, một trung tâm kinh tế sầm uất của khu vực.

Trong giai đoạn 1, khu vực quy hoạch dự kiến là 217 ha và sẽ mở rộng diện tích lên tới 1.000 ha dưới sự tác động của giới lãnh đạo Mozambique. Giai đoạn này đòi hỏi một khoản đầu tư lên đến 500 triệu USD để xây dựng đặc khu hợp tác kinh tế và thương mại, gắn kết chế biến, sản xuất, đóng gói và logistic.

Với mục tiêu mua lại ngân hàng thương mại Bồ Đào Nha ở Mozambique, Trung Quốc bắt đầu mua lại cổ phần của Barclays Africa (sắp trở thành tập đoàn ABSA).

Ngoài ra, một viện Khổng Tử cũng đã được xây dựng tại trường Đại học Eduardo Mondlane (UEM) ở Maputo để truyền bá văn hóa và giá trị cốt lõi Trung Hoa.

Cho đến nay, Mozambique là quốc gia châu Phi đầu tiên ký hiệp định và hợp tác đối tác chiến lược toàn cầu với Trung Quốc, đồng thời trở thành 1 thành viên của Sáng kiến con đường tơ lụa trên biển.

Với những động thái trên, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng tại Mozambique với số vốn đầu tư lớn nhất (2 tỷ USD). Đây được đánh giá là chiến lược quan trọng mà Trung Quốc áp dụng để tiến sâu hơn vào lục địa châu Phi trong thời gian tới.

(theo Economic Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mozambique-buoc-dem-cua-trung-quoc-tien-sau-vao-chau-phi-158969.html