MPV cao cấp đổ bộ Việt Nam, liệu có dễ thành công

Trong khi Volkswagen Viloran mở ra làn sóng tươi sáng cho nhóm MPV tầm trung, GAC M8 và Denza D9 lại chưa cho thấy triển vọng bán tốt.

Không quá khi gọi 2024 là năm của MPV. Từ đầu năm, thị trường đã đón nhận gần 10 mẫu MPV mới ở đa dạng phân khúc, từ bình dân đến cao cấp. Các mẫu MPV hạng sang cũng tạo ra cuộc đua tranh gay gắt trong năm.

Vậy, đâu sẽ là cái tên giành được kết quả bán hàng tốt, còn đâu là "ngôi sao đang lên"?

Kẻ mở đường Volkswagen Viloran

Thực tế Volkswagen đã giới thiệu Viloran vào những ngày cuối năm 2023, nhưng đây vẫn là một cái tên đủ mới, và đủ ấn tượng để xếp vào hàng ngũ tân binh năm nay. Gần đây, Viloran cũng nhận được bình chọn cao nhất trong giải Xe của năm - Car Awards 2024 phân khúc MPV hạng D-E.

Nếu trước đó, nhóm MPV tầm trung đến cao cấp chỉ là sân chơi riêng của Kia Carnival hay Mercedes-Benz V-Class, Viloran là cái tên tiếp theo nhận được sự quan tâm từ khách hàng. Có thể nói, đây chính là mẫu xe mở đường cho làn sóng MPV tầm trung - cao cấp đổ bộ Việt Nam trong năm qua.

Với thiết kế vừa đủ sang trọng, xứng với danh một hãng xe Đức và chiến lược giá phù hợp, Viloran đã tự mở cho mình một tệp khách hàng riêng, vừa tăng sức cạnh tranh, vừa "né" được đối thủ mạnh.

 Volkswagen Viloran. Ảnh: Volkswagen Việt Nam.

Volkswagen Viloran. Ảnh: Volkswagen Việt Nam.

Dù không báo cáo doanh số, việc liên tục nhìn thấy một chiếc MPV của Volkswagen xuất hiện trên đường phố là đủ để chứng minh sự thành công của mẫu xe này.

Với mức giá 1,889-2,188 tỷ đồng cho 3 phiên bản, Viloran vừa đủ để tạo khoảng cách về giá bán trước đối thủ Hàn Quốc để không phải cạnh tranh trực tiếp, cũng dễ tiếp cận hơn đối thủ Mercedes-Benz V-Class mà vẫn cho thấy chất riêng của một mẫu MPV hạng sang của Đức.

Nói không quá, đây chính là mẫu xe "cứu" lấy cả thương hiệu Volkswagen tại Việt Nam, vốn có nhiều năm loay hoay với các sản phẩm sedan hay SUV nhưng không mấy thành công về doanh số.

Thành công của Viloran khiến hãng xe Đức tự tin mở thêm một "City Store" tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM để tiếp cận thêm khách hàng cao cấp. Đây là mô hình tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên tại Đông Nam Á, theo phong cách trải nghiệm thương hiệu và sản phẩm, không gồm xưởng dịch vụ.

Kia Carnival có giảm vị thế?

Tháng 10, Kia cũng mang bản Carnival mới về Việt Nam với nhiều sự thay đổi, về cả giá và kích thước. So với mẫu xe tiền nhiệm, chiếc MPV này rộng hơn và được thiết kế sang trọng hơn từ đầu đến đuôi xe.

Ngoài thay đổi thiết kế, các trang bị nội/ngoại thất trên Carnival vẫn được giữ nguyên, chủ yếu bổ sung các tính năng an toàn thuộc hệ thống ADAS. Đáng tiếc dù mang đến ngoại hình mới, sức mạnh của mẫu MPV tầm trung này vẫn không có nhiều điểm khác biệt. Kia vẫn chưa mang về biến thể hybrid, vốn được lòng người dùng quốc tế.

Tuy nhiên, vị thế của Carnival ở cuộc đua doanh số trong nhóm MPV tầm trung vẫn khó có thể lung lay bởi tính đến hiện tại, Thaco Việt Nam đã bán được 5.320 chiếc Carnival, dẫn đầu nhóm MPV tầm trung so với các mẫu xe có công bố doanh số.

Các đối thủ MPV tầm trung mới ra mắt còn lại đều không công bố doanh số tại Việt Nam. Tuy nhiên việc xe mới liên tục xuất hiện trong khi Carnival không có nhiều thay đổi ấn tượng có thể khiến mẫu MPV này mất đi chút ít thị phần, đặc biệt trước đối thủ Đức đang lên là Viloran.

 Kia Carnival. Ảnh: Thaco Việt Nam.

Kia Carnival. Ảnh: Thaco Việt Nam.

Kia Carnival được bán với 3 phiên bản cùng 2 biến thể 7 hoặc 8 chỗ ngồi. Phiên bản Luxury 8 chỗ có giá 1,299 tỷ đồng, đắt hơn bản cũ 110 triệu đồng. Phiên bản Premium 8 chỗ ngồi có giá 1,479 tỷ còn biến thể 7 chỗ ngồi của phiên bản này có giá 1,519 tỷ. Biến thể 7 chỗ của bản Signature được bán với giá 1,589 tỷ đồng.

GAC thiếu sự chỉn chu với M8

GAC M8 là mẫu MPV đầu tiên được tập đoàn Trung Quốc này mang về Việt Nam, bên cạnh chiếc SUV cỡ D GS8. Đây cũng là cái tên mở đường cho toàn bộ dải sản phẩm chạy xăng của thương hiệu tại thị trường triệu dân.

Tuy nhiên đã gần 4 tháng kể từ khi xuất hiện, M8 chưa thật sự tạo được tiếng vang gì đủ ấn tượng với người dùng. Mẫu xe này không tệ, với thiết kế sang trọng tương tự Lexus hay Mercedes-Benz cùng động cơ 2.0TGID, cung cấp công suất tối đa 248 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 400 Nm.

 GAC M8. Ảnh: Phúc Hậu.

GAC M8. Ảnh: Phúc Hậu.

Xe được bán với 3 phiên bản, giá dao động 1,699-2,199 tỷ đồng. Tuy không thân thiện như các mẫu xe Trung Quốc còn lại, mức giá này được đánh giá là phù hợp với thiết kế và các trang bị xuất hiện trên chiếc M8.

Tuy nhiên sự thiếu nghiêm túc trong cách bán hàng và chiến lược phân phối là điểm khiến GAC M8 chưa tạo được lòng tin với người dùng. Dù là một tập đoàn lớn tại Trung Quốc, GAC hiện chỉ xây dựng khoảng 7 đại lý toàn quốc.

Cụ thể tại TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP.HCM và Long An, Bình Dương, mỗi tỉnh sẽ xuất hiện một đại lý GAC với quy mô không quá lớn, tích hợp cả cơ sở bảo hành. Hãng cũng không có bất kỳ thông báo nào về kế hoạch xây dựng nhà máy hay cam kết lâu dài tại Việt Nam.

Nếu sử dụng chiến lược giảm giá để cạnh tranh, GAC M8 có thể sẽ là cái tên đáng chú ý ở phân khúc MPV cao cấp, khi nó được trang bị khá nhiều công nghệ và tiện nghi đáng tiền.

Denza D9 không nhập sẵn

Trong triển lãm ôtô Việt Nam (VMS 2024), BYD trưng bày chiếc MPV hạng sang thuộc liên doanh BYD-Mercedes Benz tên Denza D9. Gần đây theo nguồn tin từ đại lý, mẫu xe đã được mở bán và nhận đặt hàng với giá khoảng 3,3 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Denza D9 không có sẵn hàng mà chỉ được bán dưới dạng nhận đặt trước. Thời gian chờ nhận xe dao động khoảng 3-6 tháng. Xe chỉ xuất hiện với một bản hybrid duy nhất, có phạm vi hoạt động tổng hợp khoảng 1.040 km/lần sạc.

Với giá bán cao cùng số lượng phiên bản ít ỏi, nhiều khả năng D9 tiếp tục là một mẫu xe được mang về chỉ nhằm hoàn thiện dải sản phẩm và thăm dò thị trường cũng như phục vụ những khách hàng đặc biệt.

 Denza D9.

Denza D9.

Tính đến hiện tại, BYD là một trong số ít hãng xe Trung Quốc cho thấy kế hoạch bán hàng, chiến lược phân phối và tiếp cận người dùng Việt một cách nghiêm túc khi xây dựng loạt đại lý, triển khai các ưu đãi hay cơ sở bảo dưỡng.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một thị trường khó tính với các mẫu xe gắn mác Trung Quốc, đặc biệt là xe đắt tiền. BYD cũng chưa có dấu hiệu muốn truyền thông chỉn chu cho "chuyên cơ mặt đất" này như cách họ từng làm với Atto 3 hay Dolphin, M6.

Khó có khả năng D9 trở thành một thể lực mới trong nhóm MPV hạng sang, nhưng sự thích nghi thị trường Việt Nam của BYD với công nghệ hybrid có thể sẽ mở ra nhiều hướng đi mới cho hãng xe Trung Quốc trong năm 2025.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mpv-cao-cap-do-bo-viet-nam-lieu-co-de-thanh-cong-post1517044.html