MSB sẽ mua công ty chứng khoán vốn 300-500 tỷ đồng, thoái mảng tài chính tiêu dùng

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) sẽ thoái vốn tại công ty mảng tài chính tiêu dùng TNEX Finance, và góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán quy mô vốn từ 300-500 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của MSB. Ảnh: NM

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của MSB. Ảnh: NM

"Đặt chân" vào mảng chứng khoán

Tại ĐHĐCĐ năm nay của ngân hàng MSB, nội dung được đa số cổ đông quan tâm là việc thoái vốn tại công ty con là Công ty TNHH MTV TNEX (TNEX Finance) – tiền thân là FCCOM. Đơn vị này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do MSB sở hữu 100%.

Kết thúc năm 2024, TNEX Finance ghi nhận tổng tài sản đạt 3.807 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 1.774 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 359 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 5 tỷ đồng.

Lý giải việc thoái vốn, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB cho biết do thị trường tài chính tiêu dùng chưa có nhiều khởi sắc kể từ năm 2022 đến nay và cạnh tranh mạnh mẽ. Trong khi đó, MSB muốn tập trung mảng cốt lõi là ngân hàng và phân khúc khách hàng trung cao cấp, còn phân khúc khách hàng phổ thông (mass) sẽ nhường lại cho công ty tài chính.

“Hiện có 2-3 đối tác ngỏ ý, chúng tôi đang tiến hành đảm bảo các điều kiện như xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ A- trở lên và tuân thủ đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu chọn được đối tác phù hợp, MSB sẽ trình cổ đông thông qua ngay trong năm 2025", ông Linh thông tin.

Trong khi thoái khỏi mảng tài chính tiêu dùng, MSB lại bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ. Đại hội đã thông qua kế hoạch góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để công ty đó trở thành công ty con của ngân hàng MSB.

Theo Tổng giám đốc MSB, việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ giúp ngân hàng hoàn thiện hệ sinh thái, tham gia sâu hơn vào thị trường vốn.

“Mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán tài sản sạch sẽ và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng sẽ tiến hành tăng vốn và hỗ trợ cho mảng Wealth Management (quản lý tài sản cao cấp)”, ông Linh nói.

Quý I lãi 1.630 tỷ đồng

Năm nay, ngân hàng MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với thực hiện năm 2024. Tổng tài sản ước đạt 350.000 tỷ đồng, vào cuối năm 2025 tăng 9%; trong đó dư nợ tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) ước đạt 212.000 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (nhóm 3 – nhóm 5) mục tiêu dưới 3%.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 1.630 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.530 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản đạt 314.000 tỷ đồng đồng; trong đó cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2024; tiền gửi khách hàng đạt 163.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi đạt 24%, thấp hơn mức 29% thời điểm cuối năm 2024.

Về phương án phân phối lợi nhuận, MSB sẽ chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20% (người sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới), tương ứng số cổ phiếu phát hành thêm tối đa 520 triệu đơn vị. Nếu phát hành thành công, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp MSB duy trì chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ cao. Năm 2023, ngân hàng phát hành cổ tức trả cổ phiếu với tỷ lệ 30%, nâng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2024, MSB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 14.218 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023; trong đó thu nhập lãi thuần cả năm 2024 đạt hơn 10.243 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi đạt 3.975 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.904 tỷ đồng, tăng 18%.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của MSB đạt 320.148 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 176.493 tỷ đồng tăng 18% so với đầu năm, chiếm 55% tổng tài sản; tiền gửi khách hàng đạt 154.612 tỷ đồng, tăng 17% (trong đó, gần 41.000 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn và 114.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn). Tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi đạt 26,42%.

Tại ngày 31/12/2024, nợ xấu (NPL) của mảng ngân hàng ở mức 1,83%, giảm so với mức 1,94% năm 2023; nợ xấu hợp nhất ở mức 1,9%. Dự phòng cho vay tại cuối năm 2024 ghi nhận 2.026 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. Hệ số bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức 64,4% tại cuối năm 2024.

Tại ngày 31/12/2024, MSB có 42.605 cổ đông, tăng trưởng hơn 25% so với cuối năm 2023. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là cổ đông lớn nhất sở hữu 6,048% vốn điều lệ. Ngân hàng có 6 cổ đông nhà nước với tổng số lượng sở hữu là 166.404.343 cổ phiếu, tương ứng 6,4% vốn điều lệ.

Tổng số lượng sở hữu nước ngoài của MSB dưới 30% theo quy định với tổ chức tín dụng. Tại thời điểm 31/12/2024, ngân hàng có 142 cổ đông nước ngoài, trong đó có 108 cổ đông là cá nhân và 34 tổ chức nước ngoài, sở hữu 27,47% vốn điều lệ.

Nhật Minh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/msb-se-mua-cong-ty-chung-khoan-von-300-500-ty-dong-thoai-mang-tai-chinh-tieu-dung-post184799.html