MSB - TNG Holdings: Chồng lãnh đạo Ngân hàng - vợ là 'đại gia' bất động sản
Ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường được giới kinh doanh biết tới là cặp đôi 'quyền lực' luôn song hành cùng nhau khi chồng là lãnh đạo ngân hàng còn vợ là 'đại gia' trong lĩnh vực đầu tư các khu công nghiệp và bất động sản.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank, mã chứng khoán: MSB) và Tập đoàn TNG Holdings hiện tại đang là những thương hiệu lớn có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế thị trường.
Giữa hai thương hiệu này có mối liên hệ mật thiết, bởi lẽ, Chủ tịch Hội Đồng quản trị của Maritime Bank là ông Trần Anh Tuấn còn Chủ tịch Hội đồng quản trị của TNG Holdings không ai xa lại là vợ của ông Tuấn - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Ông Tuấn và bà Hường được giới kinh doanh biết tới là cặp đôi “quyền lực” luôn song hành cùng nhau khi chồng nắm ngân hàng còn vợ là “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư các khu công nghiệp và bất động sản.
Các dữ liệu về quản trị doanh nghiệp được công bố cho biết, năm 2006, ở tuổi 37 tuổi bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group - một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc và là tiền thân của TNG Holdings sau này. Bà cũng từng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) - nơi chồng bà đang công tác.
Kể từ sau khi thành lập, nhóm công ty thuộc VID Group dưới thời bà nghị Nguyệt Hường đã phát triển với tốc độ “thần tốc” về quy mô, số lượng, tạo nguồn thu khổng lồ, nhất là ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các khu công nghiệp lớn. Theo thông tin công bố, tập đoàn của bà Hường liên tục thâu tóm quỹ đất đai rất lớn để phát triển các khu công nghiệp tại các địa phương, như Hà Nội (534ha), Hà Nam (263ha), Hải Dương (390ha), Hưng Yên (370ha)… Kèm theo một số dự án KCN, tập đoàn này cũng được giao thêm hàng chục héc-ta đất để làm khu dân cư, dịch vụ cho công nhân KCN ở Hải Dương, Hà Nam để kinh doanh.
Hiện tại, doanh nghiệp của bà Hường đang sở hữu 14 khu công nghiệp với khoảng 3.000ha diện tích trên cả nước. Một số khu công nghiệp (KCN) có thể kể tên như: KCN Quang Minh (344ha), KCN Tân Trường (198ha), KCN Phúc Điền (82ha),.... Ngoài khu công nghiệp, TNG còn lấn sân sang mảng bất động sản nhà ở với việc công ty con TNR Holdings sở hữu các dự án nghìn tỷ. Một số dự án “khủng” như là: TNR Goldmark City, TNR The Goldview, TNR The Nostra...
Trong quá trình phát triển, giữa TNG Holdings và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritimebank; MSB) luôn có sự tương tác qua lại trong hoạt động kinh doanh, tài chính.
Điều này thể hiện qua các dữ liệu tài chính được công bố, điển hình như thời điểm cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ TNS Holdings - công ty thành viên thuộc tập đoàn TNG Holdings của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có 42,5 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, nơi chồng bà là Trần Anh Tuấn làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Thời điểm này, TNS Holdings đang nắm giữ 5 triệu cổ phiếu MaritimeBank. Đồng thời, Maritime Bank có một khoản phải trả cho TNS Holdings là 17 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31.12. 2021, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chứng khoán kinh doanh tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam lên tới 1.623 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu thời điểm đó là 32.000 đồng/cp).
Theo dữ liệu mới nhất vừa công bố, vào thời điểm kết thúc năm 2022, TNS Holdings đang có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam trị giá 817 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu là 13.000 đồng/cp).
Đối với Maritime Bank (MSB) của ông Trần Anh Tuấn, nhìn lại lịch sử phát triển, vào tháng 8.2015, sau khi sát nhập với MDB, Maritime Bank đã trở thành một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu trên thị trường về quy mô vốn và mạng lưới. Gần 4 năm sau, tiếp tục ghi nhận sự chuyển mình của MaritimeBank khi nhà băng này tiếp tục thay đổi áo mới với thương hiệu “MSB”.
Sau sáp nhập, tình hình kinh doanh của MSB có nhiều cải thiện tích cực nhưng chưa thực sự được như kỳ vọng của giới đầu tư. Theo dữ liệu tài chính, quý 4.2022 cho biết, MSB có thu nhập lãi thuần đạt mức 2.097 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm tới gần 40% về mức 256 tỷ đồng. Mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ lần lượt là 553 triệu đồng và 129 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, MSB báo lãi trước thuế quý 4.2022 ở mức 962 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 0,3 % so với cùng kỳ năm 2021.
Mức lợi nhuận này kém sắc nhất so với các quý khác trong năm 2022. Cụ thể, lãi trước thuế của MSB trong quý 3.2022 đạt mức 1.488 tỷ đồng; quý 2.2022 đạt mức 1.840 tỷ đồng; quý 1.2022 đạt mức 1.494 tỷ đồng.