MU Lala Art Space - Không gian nghệ thuật vì cộng đồng

Từ một xưởng vẽ cá nhân, MU Lala Art Space đã nhanh chóng trở thành địa chỉ quen thuộc của giới nghệ sĩ. Và hơn thế, những người điều hành không gian nghệ thuật này còn mong muốn đưa nghệ thuật gần hơn với đời sống, để nơi đây trở thành một sân chơi rộng rãi, lan tỏa giá trị nghệ thuật tới cộng đồng.

Nghệ thuật không cần “triển lãm to”

Những ngày trung tuần tháng 9 này, Không gian nghệ thuật MU Lala Art Space nằm bên bờ hồ Đầm Trị (quận Tây Hồ, Hà Nội) lộng gió lại trở thành địa chỉ lui tới của nhiều người yêu nghệ thuật. Tại đây, đang diễn ra triển lãm gây quỹ “Khát vọng cho em” và phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức vào ngày 20/9.

Nghệ sĩ thị giác Trương Thúy Anh, người sáng lập và điều hành Không gian nghệ thuật MU Lala Art Space cho biết, tại triển lãm trưng bày 24 bức tranh của 21 họa sĩ cùng nhiều sản phẩm gốm nghệ thuật. Ngay trong ngày đầu mở cửa triển lãm, đã có thêm nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ trao tặng, trong đó có cả chiếc áo của Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam với chữ ký của HLV Park Hang Seo.

 Một góc Không gian nghệ thuật MU Lala Art Space.

Một góc Không gian nghệ thuật MU Lala Art Space.

Phiên đấu giá gây quỹ “Khát vọng cho em” không phải là sự kiện đáng chú ý đầu tiên mà MU Lala Art Space đóng vai trò đồng hành. Tại đây, đã từng diễn ra nhiều sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là những bạn trẻ, những sinh viên mỹ thuật. Thời gian qua, MU Lala Art Space đã đồng hành cùng một số hội nhóm tổ chức những buổi trình diễn thời trang theo xu hướng mới hoặc triển lãm cổ phục Việt…

Tôi quan niệm nghệ thuật không phải ở đâu xa, mà luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày. Không phải cứ một “triển lãm to” mới là nghệ thuật, mà đơn giản khi người ta sống trong một không gian đẹp hay cùng gia đình nghe một bản nhạc, xem một bộ phim hay cũng đã là tiếp cận với nghệ thuật. Và quan trọng là những điều đơn giản đó giúp con người gắn kết với nhau, hàn gắn, chữa lành những stress, giải tỏa những áp lực của cuộc sống” - họa sĩ Trương Thúy Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, họa sĩ Trương Thúy Anh cho hay, khởi động vào tháng 11/2021 với sự kiện đầu tiên “Mở cửa xưởng” khá ấn tượng, nhưng ban đầu MU Lala Art Space chỉ là nơi làm việc, giao lưu nghề nghiệp của một nhóm họa sĩ. Đó là các art talk có chủ đề chia sẻ về nghề gốm, về nghệ thuật hội họa... Rồi từ việc sẵn có mặt bằng, nữ nghệ sĩ nảy ra ý tưởng tổ chức những cuộc work shop cùng với vài họa sĩ, nghệ sĩ bạn bè. Cứ vài ngày cùng làm việc, họ lại trưng bày các tác phẩm vừa sáng tác ngay tại không gian làm việc, để vừa cho công chúng đến thưởng lãm vừa cùng nhau chia sẻ về thành quả công việc của mình.

Sau này, chúng tôi nghĩ tại sao lại chỉ bó hẹp những hoạt động này trong những sinh hoạt thuần túy nghệ thuật riêng tư mà không đưa nó đến với cộng đồng để mọi người cùng đến, cùng xem, cùng chia sẻ… Vì thế, gần đây MU Lala Art Space đã mở rộng các hoạt động này đến tất cả các đối tượng, trong đó có cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên, vì ở tuổi này các con đã có thể chơi với màu, chơi với đất. Những người lớn tuổi hơn thì có thể đến đây xem tranh, hoặc chính họ cũng có thể cầm cọ, trực tiếp vẽ những bức tranh của mình” - họa sĩ Trương Thúy Anh nói.

Kỳ vọng một thị trường nghệ thuật lành mạnh

Nói về những phiên chợ nghệ thuật - hoạt động được mọi người khá quan tâm và “không có nơi khác làm” - họa sĩ Trương Thúy Anh chia sẻ rằng, xuất thân từ một kiến trúc sư, chị nhận thấy rằng nhiều người có nhu cầu trang trí cho nơi ở của mình nhưng không biết mua tác phẩm nghệ thuật ở đâu. Điều này dẫn đến họ phải mua tranh giả, tranh chép hoặc tranh in hàng loạt không có giá trị nghệ thuật.

Trong khi đó, nhiều họa sĩ không bán được tranh, các triển lãm được tổ chức để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật tới công chúng, nhưng với không gian hoành tráng, sang trọng khiến người ta e ngại rằng giá bán sẽ rất đắt đỏ…

Từ thực tế này, MU Lala Art Space đã mở ra các phiên chợ nghệ thuật, mỗi phiên duy trì trong 3-5 ngày. Giá bán các tác phẩm nghệ thuật tại phiên chợ được niêm yết công khai hoặc qua quét mã QR, nhưng nhìn chung đều được giảm từ 30-50%.

 Các em nhỏ “chơi” với màu, với toan tại MU Lala Art Space

Các em nhỏ “chơi” với màu, với toan tại MU Lala Art Space

Trong phiên chợ chúng tôi vẫn bày treo tranh trang trọng như một triển lãm nhưng cách thức hoạt động đúng nghĩa một phiên chợ. Công chúng đến đây có thể chỉ với 500 ngàn hay 1 triệu đồng cũng có thể mua cho mình một tác phẩm gốm nho nhỏ, được sản xuất thủ công, độc bản. Mục đích của chúng tôi là để mọi người, mọi lứa tuổi có thể tiếp cận nghệ thuật, tạo dựng thói quen mua tác phẩm nghệ thuật và sau đó chúng ta có được thị trường nghệ thuật sôi động, lành mạnh”.

Theo họa sĩ Trương Thúy Anh, phiên chợ nghệ thuật được chị lấy ý tưởng từ lễ hội mua quà tặng Noel phổ biến ở các nước phương Tây, với hoạt động mua bán tranh, tượng, điêu khắc, gốm ứng dụng, sản phẩm handmade... và đây cũng là cách làm hiệu quả để đưa nghệ thuật đến với cộng đồng. Từ tháng 4/2023 đến nay, phiên chợ nghệ thuật tại MU Lala Art Space hoạt động đều đặn với sự tham gia, giới thiệu tác phẩm tranh, tượng của rất nhiều nghệ sĩ.

Họa sĩ Trương Thúy Anh cho biết thêm, MU Lala Art Space cũng có thể kết nối người mua tác phẩm nghệ thuật với nghệ sĩ, kể cả khi họ không có tác phẩm trưng bày tại phiên chợ. Bằng cách tìm hiểu nhu cầu khách hàng, MU Lala Art Space sẽ chọn tìm và giới thiệu cho người mua đến đúng với một nghệ sĩ có phong cách phù hợp gu thẩm mỹ của họ. “Rất đáng mừng là trong khi ở các triển lãm hầu như không bán được tranh, thì trong tất cả các phiên chợ tại MU Lala đều có tác phẩm nghệ thuật được giao dịch thành công” - họa sĩ Trương Thúy Anh hào hứng nói.

Đến MU Lala để “sống chậm”

Hiện nay, ba hoạt động chính của MU Lala Art Space là các art talk, work shop và phiên chợ nghệ thuật đã được tổ chức đều đặn hằng tháng. Nghệ sĩ Trương Thúy Anh cũng chia sẻ mong muốn biến nơi đây thành một sân chơi rộng lớn hơn nhằm lan tỏa giá trị nghệ thuật tới cộng đồng, tuy nhiên, việc mở rộng quy mô các hoạt động trước mắt chưa thể thực hiện được vì mặt bằng khá hạn chế.

 Không gian xanh mát MU Lala Art Space

Không gian xanh mát MU Lala Art Space

Nói thêm về những dự định trong tương lai, Trương Thúy Anh cho biết, chị đang ấp ủ dự án “No phone club”, theo đó những người tham dự đến MU Lala sẽ hoàn toàn không mang theo điện thoại. Trong thời gian đó, họ có thể quên công việc, quên đi những gánh nặng hằng ngày để “nghịch” đất sét hoặc “chơi” với toan, với màu hay học đàn, tập kịch, học nhảy…

MU Lala Art Space mục đích không có gì khác ngoài việc thực sự là một sân chơi văn hóa hữu ích không chỉ cho giới trẻ, không chỉ cho người hoạt động nghệ thuật mà cho cho tất cả. Đến đây mọi người được chia sẻ, được trút nỗi lòng, được chơi với màu, chơi với đất, để ta có thể giải tỏa, để có thể sống chậm hơn, có thể tạm quên những chuyện cơm áo gạo tiền đầy ắp áp lực. Đó là những hoạt động mà MU Lala nhắm tới” - nghệ sĩ Trương Thúy Anh bày tỏ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mu-lala-art-space--khong-gian-nghe-thuat-vi-cong-dong-post265489.html