Mua bán cá non tràn về chợ nhóm

Trong thời gian qua, ngành chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, nghiêm cấm nạn mua bán cá non, cá con tại các chợ. Từ đó, tình trạng mua bán cá non tại các điểm chợ chính đã giảm đáng kể, tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển về các chợ nhóm, tự phát ở các khu đông dân cư.

Để tránh sự kiểm tra của ngành chức năng, người bán ướp đá cho cá chết, sau đó chia thành từng phần nhỏ ra bán. (ảnh chụp ngày 15/8/2024, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau)

Để tránh sự kiểm tra của ngành chức năng, người bán ướp đá cho cá chết, sau đó chia thành từng phần nhỏ ra bán. (ảnh chụp ngày 15/8/2024, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau)

Dạo quanh một số điểm chợ nhóm trên địa bàn TP Cà Mau như tại khu vực đầu cầu Tám Hiệu, Khóm 1, Phường 8; cống Kênh Mới, phường Tân Xuyên; Khu đô thị Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm… dễ dàng bắt gặp người dân bày bán các mặt hàng thủy sản, trong đó xen lẫn cá non đã chết. Những loại cá này chủ yếu là cá lòng ròng (cá lóc con), cá rô tăm tít (cá rô con) và cá sặc non. Giá cả cũng tương đối cao, dao động từ 15-20 ngàn đồng/100 gram, riêng cá lòng ròng có giá từ 25-30 ngàn đồng/100 gram.

Phóng viên Báo Cà Mau đóng vai người đi chợ hỏi mua cá non, một người bán cá lòng ròng tại chợ nhóm khu vực cầu Tám Hiệu, Khóm 1, Phường 8, cho hay: “Nguồn lợi cá đồng ngày càng khan hiếm, 2 người đi kéo cá non cả ngày chỉ được 1-2 kg. Do khan hiếm, lại là món khoái khẩu của nhiều người nên bán với giá cao”.

Khi phóng viên đề cập vấn đề khai thác cá non là hành vi vi phạm pháp luật, thì người này chia sẻ, bản thân vẫn biết việc này là vi phạm, cấm khai thác và mua bán, nhưng do nghèo, không việc làm ổn định nên làm đại.

Qua quan sát của phóng viên, để tránh sự kiểm tra của ngành chức năng, người bán ướp nước đá hoặc bỏ muối làm cho cá chết, sau đó lặt hầu, bỏ ruột, chà vảy cá rồi chia thành những phần nhỏ từ 200-300 gram bày ra bán.

Được biết, đa phần cá non được người dân đánh bắt ngoài tự nhiên với đủ hình thức như đặt lú bát quái, dùng lưới mành kích thước lổ rất nhỏ để giăng, kéo cá.

Cá non được bán xen kẽ với cá lớn tại các chợ, chợ nhóm. (ảnh chụp ngày 15/8/2024, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau)

Thực tế, chủ trương cấm khai thác, mua bán cá non đã được tuyên truyền nhiều năm qua, nhưng vì lợi ích trước mắt mà nhiều người bất chấp, vẫn lén lút bắt hoặc mua lại cá non để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, thế nên ngay từ bây giờ phía người tiêu dùng cần nói không với việc tiêu thụ cá non, để góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi cá đồng trước nguy cơ cạn kiệt.

Ông Nguyễn Minh Hợp, Phó Ban quản lý chợ trên địa bàn TP Cà Mau, cho biết, qua công tác truyên truyền, nhắc nhở thì tình trạng mua bán cá non, cá con tại các chợ trên địa bàn đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng lén lút mua bán vẫn còn xảy ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi để qua mắt đoàn kiểm tra, như làm cho cá chết, sau đó chia ra những phần nhỏ bán hoặc giấu nơi khác, khi có khách hàng hỏi mua mới đem ra. Đặc biệt, tình trạng mua bán cá non có dấu hiệu dịch chuyển về các chợ nhóm ở các khu dân cư.

“Cá đồng là nguồn lợi có giá trị kinh tế cao mà chính nông dân là người hưởng thụ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho mọi người dân, nhất là những nông dân trên địa bàn các xã, phường hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản, con cá đồng, để tái tạo và phát triển nguồn lợi”, ông Hợp cho biết thêm./.

Trung Đỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/mua-ban-ca-non-tran-ve-cho-nhom-a33944.html