Mua – bán chênh nhau tới 2,3 triệu đồng/lượng, người mua vàng chịu nhiều rủi ro

Trong ngày 8/3, có thời điểm giá vàng SJC bán ra đạt đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng, đến 15 giờ 30 phút chiều 8/3, giá bán ra cao nhất là 73,22 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên khoảng cách mua vào - bán ra có nơi chênh nhau tới 2,3 triệu đồng/lượng, gây rủi ro cho người mua vàng.

Trên thị trường vàng đang xuất hiện sự đan xen cả mua lẫn bán và các giao dịch hầu hết nhỏ lẻ, không có sự tăng đột biến. Tuy nhiên, theo chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao như hiện nay sẽ tạo ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư và người dân, chênh lệch càng cao, rủi ro càng lớn. "Nhu cầu vàng trong nước cao khiến giá vàng tăng kỷ lục là do không có sự liên thông với thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ vàng, tạo ra sự mất cân đối giữa thị trường vàng trong nước và thế giới", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Lượng khách tới mua vàng trang sức nhân ngày 8/3 không nhiều. Thay vào đó là giao dịch sôi động của nhiều người bán vàng để chốt lời và mua vàng vì lo ngại lạm phát.

Lượng khách tới mua vàng trang sức nhân ngày 8/3 không nhiều. Thay vào đó là giao dịch sôi động của nhiều người bán vàng để chốt lời và mua vàng vì lo ngại lạm phát.

Do giá trong nước và thế giới ngược chiều, nên chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng cũng được thu hẹp, nhưng hiện mỗi lượng vàng SJC vẫn cao hơn giá thế giới 16,9 triệu đồng/lượng.

Trong sáng 8/3, có thời điểm mỗi lượng vàng tăng 900.000 đồng/lượng và tạo mức chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Tới trưa cùng ngày, giá vàng SJC tiếp tục ngược dòng thị trường kim loại quý thế giới. Các cơ sở kinh doanh vàng đã điều chỉnh giá giao dịch xuống sâu bất chấp mỗi ounce vàng thế giới đã nhích lên 1.996 USD/ounce, thu hẹp đáng kể biên độ giảm so với lúc sáng 8/3.

Các nhân viên trông xe tại hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu hoạt động hết công suất. Công ty phải bổ sung người và thuê thêm bãi để xe cho khách hàng.

Các nhân viên trông xe tại hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu hoạt động hết công suất. Công ty phải bổ sung người và thuê thêm bãi để xe cho khách hàng.

Vào lúc 15 giờ 30 phút chiều 8/3, giá vàng SJC giao dịch tại Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 71 – 73,1 triệu đồng/lượng, so với phiên trước, giá bán ra giảm 400.000 đồng/lượng tại hệ thống Doji ở Hà Nội và giảm 1 triệu đồng/lượng tại Doji Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Phú Quý, SJC giao dịch 71 – 73 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng giá bán ra so với phiên trước. Mặc dù giá mua vào và bán ra tại SJC Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều giảm 300.000 đồng/lượng so với trước nhưng vẫn giao dịch ở mức cao là 71,4 – 73,2 triệu đồng/lượng

Dòng người tới mua vàng ngày càng đông trong ngày 8/3.

Dòng người tới mua vàng ngày càng đông trong ngày 8/3.

Riêng tại hệ thống ngân hàng Maritime Bank, giá vàng tăng cả 2 chiều mua và bán đồng loạt là 3,3 triệu đồng/lượng, giao dịch 71,4 – 73,7 triệu đồng/lượng.

Ở cơ sở kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC lúc 15 giờ chiều 8/3 giao dịch 71,51 – 73,6 triệu đồng/lượng, khoảng cách giá mua vào và bán vênh nhau là 2,09 triệu đồng/lượng. Còn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long mua vào và bán ra 55,97 – 57,42 triệu đồng/lượng, chênh nhau 1,45 triệu đồng/lượng.

Một người dân ở Hà Nội mang 20 cây vàng đi bán thu về 1,4 tỷ đồng trong sáng 8/3.

Một người dân ở Hà Nội mang 20 cây vàng đi bán thu về 1,4 tỷ đồng trong sáng 8/3.

Giá vàng liên tục lập đỉnh trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn khiến nhu cầu nắm giữ vàng tăng đột biến. Trong ngày 8/3, lượng khách tới giao dịch tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý trên con phố “vàng” Trần Nhân Tông vẫn đông. Khách tới mua, bán xếp hàng dài từ ngoài đường tới khu giao dịch. Khách tới giao dịch được nhân viên phát giấy xếp thứ tự, chủ yếu là mua và bán. Một số khách tới mua vàng trang sức nhân dịp ngày 8/3.

Lượng khách tới giao dịch vàng tại hệ thống Phú Quý, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội không quá đông.

Lượng khách tới giao dịch vàng tại hệ thống Phú Quý, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội không quá đông.

Theo một số chuyên gia kinh tế, vàng miếng SJC đang chịu ảnh hưởng lớn của giá thế giới. Xung đột Ukraine - Nga vẫn kéo dài và nhiều khả năng có thêm sự tham gia sâu hơn của Mỹ, nên giá vàng SJC còn có nhiều diễn biến khó lường. Trong khi đó, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chặt nguồn cung, khiến lượng vàng miếng trên thị trường không dồi dào, giá vàng tiếp tục “leo thang”. Nếu thời gian tới, tình hình Nga - Ukraine ổn định, trong nước xuất hiện lực bán vàng thì giá vàng sẽ lại giảm mạnh. Khi vàng đảo chiều, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ dùng các biện pháp phòng hộ để bảo toàn lợi nhuận, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết: Nếu như các nước trên thế giới đều liên thông với giá vàng quốc tế, giá vàng của họ đều quy đổi ngang bằng thì riêng tại Việt Nam, giá SJC luôn cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. “Với cơ chế quản lý vàng hiện vẫn không thay đổi nên khó nói trước giá vàng miếng SJC còn cao hơn thế giới và vàng nhẫn các loại đến đâu? Nhà nước nên thí điểm cho phép thêm doanh nghiệp đủ năng lực được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nhằm cân bằng cung cầu, bình ổn thị trường", đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết.

Trên thị trường ngoại hối, giá USD trong các ngân hàng hiện khá ổn định. Theo đó, mỗi đô la Mỹ được Vietcombank niêm yết quanh 22.710 - 22.990 đồng, không thay đổi so với ngày 7/3 nhưng tăng 10 đồng so với cuối tuần trước. Các ngân hàng khác có giá tương tự.

Tin, chùm ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/mua-ban-chenh-nhau-toi-23-trieu-dongluong-nguoi-mua-vang-chiu-nhieu-rui-ro-20220308155325021.htm