Mua bán dữ liệu cá nhân công khai bị xử lý thế nào?
Theo Bộ Công an, dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Trong báo cáo Đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN), Bộ Công an chỉ ra thực trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý. Theo Bộ Công an, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.
Thời gian gần đây, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm. Trong năm 2023, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc thông tin cá nhân bị rò rỉ, mua bán trái phép để lại rất nhiều rủi ro và hệ lụy cho mỗi cá nhân khi mà những đối tượng phạm tội có thể sử dụng thông tin thu thập được để lừa đảo, mạo danh chủ thể nhằm chiếm đoạt tài sản từ bạn bè, gia đình, tài khoản ngân hàng,... Thậm chí, sử dụng những thông tin cá nhân mang tính bí mật để công khai nhằm mục đích bôi nhọ, xâm phạm danh dự, tống tiền…
Nguy hiểm hơn, việc lộ các thông tin quan trọng của cá nhân có thể gây ra nhiều hệ lụy pháp lý khác khi đột nhiên trở thành các chủ thể của các quan hệ pháp luật mà mình phải phát sinh các trách nhiệm pháp lý như: Hợp đồng vay, hợp đồng thuê, quan hệ bảo lãnh… Tất cả những điều này đều khiến cho cuộc sống của người dân trở nên mất an toàn và phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.
Luật sư cũng cho hay, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, nêu rõ cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, các cơ quan này bằng biện pháp quản lý, kỹ thuật, điều tra, tố tụng và các biện pháp khác có trách nhiệm thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay, các bộ, ban, ngành vẫn luôn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm tội diễn ra.
Theo Luật sư Hùng, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Luật An toàn thông tin mạng 2015 nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Cụ thể, đối với các hành vi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của nguời khác có thể bị xử phạt lên đến 60 triệu đồng đối với một trong các trường hợp như sau: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ 3 khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Ngoài ra, áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân khác.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp phạm tội, các đối tượng phạm tội còn có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật Hình sự), tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159 Bộ luật Hình sự), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự), tội làm nhục người khác (Điều 155), tội vu khống (Điều 156),... với các khung hình phạt tương ứng với từng tội danh và tình tiết phạm tội. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện bồi thường cho bị hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Xem thêm video: Loại cá cảnh đáng sợ đang mua bán tràn lan