Mua bán huyết tương trị COVID-19, nhu cầu mới tại Ấn Độ
Do tình trạng bệnh của bố vợ ông Adwitiya Mal ngày một nghiêm trọng, nên bác sĩ đề xuất sử dụng liệu pháp huyết tương.
Gia đình trải qua nhiều cảm xúc khi tìm kiếm đối tượng hiến máu. Họ nhờ đến người thân, bạn bè lẫn mạng xã hội.
Có 2 phụ nữ tình nguyện hiến nhưng không đáp ứng điều kiện vì đã mang thai trước đó. Phụ nữ phát triển kháng thể lúc mang thai làm gia tăng nguy cơ xảy ra phản ứng tán huyết ở người nhận máu.
Một trường hợp khác đòi 30.000 rupee mà lại chẳng xuất hiện. May mắn là sau đó một người đàn ông đồng ý hiến và hoàn toàn phù hợp.
Nhiều gia đình Ấn Độ khác gian nan hơn. Họ phải chấp nhận trả số tiền lớn: dao động từ 20.000 - 30.000 rupee, nhóm máu hiếm thì giá cao hơn.
Với liệu pháp huyết tương, bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục cung cấp máu có kháng thể. Máu được truyền cho người đang mắc bệnh để giúp tăng tốc độ hồi phục.
Sử dụng liệu pháp huyết tương điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm - Ảnh: Live Science
Gần 2/3 trong tổng số hơn 1 triệu ca nhiễm ở Ấn Độ đã khỏi bệnh, tuy nhiên do thái độ không sẵn sàng hiến máu và nỗ lực thành lập ngân hàng huyết tương tiến hành chậm mà máu của bệnh nhân COVID-19 trở thành mặt hàng đắt giá trên chợ đen.
Từng mắc COVID-19, luật sư Akhil Ennamsetty sống tại bang Telangana hiến máu hai lần. Tháng trước ông lập một nhóm trực tuyến kết nối người hiến với người cần. Không ít đối tượng trung gian liên hệ ông.
“Họ đề nghị trả tiền cho bất cứ người hiến máu nào. Số tiền thay đổi dựa trên hàng loạt yếu tố như nhu cầu hay độ hiếm của nhóm máu. Nhiều người hiến cho biết họ nhận cuộc gọi từ các đối tượng trung gian như vậy”, luật sư Ennamsetty nói với tờ Straits Times.
Sử dụng liệu pháp huyết tương điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng thông tin thổi phồng về phương thức này gây ra một cuộc tranh giành điên rồ do cầu vượt cung. Luật pháp Ấn Độ cấm hoạt động mua bán máu qua chợ đen.
Nhóm Dhoond do ông Mal lập nên hiện có dữ liệu của khoảng 300 người hiến, mỗi người hiến có đến 10 người có nhu cầu.
“Bệnh nhân hồi phục không chỉ còn yếu về thể chất mà còn chấn thương về tinh thần. Họ vừa thoát khỏi cái chết vậy mà lại được yêu cầu trở lại khu vực nguy cơ cao - như bệnh viện - để hiến máu”, ông Mal lý giải về tình trạng khan hiếm. Một số người thì nghĩ rằng nên để dành lại kháng thể cho thành viên gia đình thay vì cho người chẳng hề quen biết.
Đến nay, nhóm Dhoond đã đưa 2 người hiến máu vào danh sách đen do vòi tiền người có nhu cầu.
Theo nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học Học viện Hoàng gia Luân Đôn, lượng kháng thể trong máu bệnh nhân hồi phục sụt giảm đáng kể sau ba tháng – khiến họ mất miễn dịch và đối mặt với nguy cơ tái nhiễm.
Cẩm Bình (theo Straits Times)