Mua bán pháo hoa nổ coi chừng bị tội

Theo Nghị định 137/2020, pháo hoa nổ không phải là pháo hoa mà nó được coi là pháo nổ, nếu buôn bán, tàng trữ… trái phép thì có thể bị tội hình sự.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện được khá nhiều vụ buôn bán pháo. Những người bị bắt cho rằng họ chỉ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo hoa nhưng sao vẫn bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí chuyển cho cơ quan điều tra để khởi tố về tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo các điều 190, 191 BLHS 2015.

Sử dụng pháo hoa có gây tiếng nổ thì phải xin phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong ảnh: Bắn pháo hoa mừng tết Dương lịch tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sử dụng pháo hoa có gây tiếng nổ thì phải xin phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong ảnh: Bắn pháo hoa mừng tết Dương lịch tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Pháo hoa không nổ và pháo hoa nổ

Việc Nhà nước cho phép các cơ quan, tổ chức và cá nhân được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, khai trương, chào mừng, tiệc cưới là có thật. Việc sử dụng này không phải xin phép.

Tuy nhiên, Nhà nước chỉ cho phép sử dụng loại “pháo hoa không nổ”, còn “pháo hoa có gây tiếng nổ” thì phải xin phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như pháo hoa bắn vào dịp tết, trong các cuộc thi bắn pháo hoa. Ví dụ: Cuộc thi pháo hoa quốc tế do Đà Nẵng tổ chức hằng năm, pháo hoa bắn vào các dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và chỉ được bắn khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Vậy thế nào là pháo hoa không nổ và pháo hoa nổ để người dân phân biệt khi sử dụng?

Trước đây, Chính phủ có Nghị định 36/2009 quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa, trong đó pháo hoa gồm pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ.

Pháo hoa gây tiếng nổ được coi là pháo nổ, còn pháo hoa không gây tiếng nổ là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, mà chưa phân biệt rành mạch hai loại pháo hoa.

Nay Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021 để thay thế Nghị định 36/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo. Nghị định 137/2020 quy định một số điểm mới so với Nghị định 36/2009 để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm về pháo.

Pháo hoa nổ là pháo nổ

Như vậy, mặc dù đều có tên là pháo hoa nhưng theo quy định tại Nghị định 137/2020 của Chính phủ thì pháo hoa gồm hai loại:

- Pháo hoa là loại không gây tiếng nổ và được phép sử dụng trong một số dịp đặc biệt nếu đáp ứng đủ điều kiện.

- Pháo hoa nổ không phải là pháo hoa, chỉ được bắn khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép và nó cũng được coi là pháo nổ.

Chính vì vậy mà khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020 quy định: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.

Pháo bao gồm: Pháo nổ và pháo hoa.

- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ; pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.

- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Như vậy, từ ngày 11-1, người nào sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo hoa nổ là hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và tùy trường hợp mà người vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 hoặc Điều 191 BLHS 2015.

Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ

1. Tết Nguyên đán

a) Các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa tết Nguyên đán.

2. Giỗ tổ Hùng Vương

a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực đền Hùng;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ mùng 9 tháng 3 âm lịch.

3. Ngày Quốc khánh

a) Các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 2-9.

4. Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại TP Điện Biên Phủ;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 7-5.

5. Ngày chiến thắng (ngày 30-4)

a) Thủ đô Hà Nội và TP.HCM được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30-4.

6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, TP trực thuộc trung ương

a) Các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

(Điều 11 Nghị định 137/2020)

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/mua-ban-phao-hoa-no-coi-chung-bi-toi-965186.html