Mua bán quốc tịch: Thị trường 'béo bở' và gây tranh cãi

Chương trình nhập tịch bằng đầu tư của nhiều quốc gia đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng kéo theo đó là hàng loạt những lo ngại.

Từ năm 2013, Síp bắt đầu triển khai Chương trình định cư đảo Síp cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nhận quyền công dân khi đầu tư vào nước này. Những người có trong tay cuốn hộ chiếu của Síp có thể tự do đi lại, làm việc và giao dịch ở tất cả 27 quốc gia thành viên của khối EU mà Síp là thành viên.

Cuốn sổ thông hành của Síp do đó được ví như tấm "hộ chiếu vàng".

Tuyến bài điều tra mang tên "Hồ sơ Síp" mới đây của Al Jazeera - hãng tin uy tín của Qatar tiết lộ hàng chục quan chức cấp cao với khối tài sản đáng ngờ và gia đình họ mua "hộ chiếu vàng" của Síp từ cuối năm 2017-2019.

Các quan chức này đầu tư các khoản tiền tối thiểu là 2,5 triệu USD, thường là thông qua mua bất động sản, cổ phiếu của các công ty Síp để có được quyền công dân của đảo quốc Địa Trung Hải. Họ là các chính trị gia, thành viên hội đồng quản trị của một số doanh nghiệp nhà nước và thậm chí là họ hàng của một cựu Thủ tướng.

Một tấm hộ chiếu của Síp có giá 2,5 triệu USD. (Ảnh: FM)

Một tấm hộ chiếu của Síp có giá 2,5 triệu USD. (Ảnh: FM)

Những người này được xếp vào nhóm có nguy cơ tham nhũng vì họ hoặc một số thành viên gia đình nắm giữ một số vị trí trong chính phủ.

Một trong số này là Rahman Rahmani - Chủ tịch Hạ viện Afghanistan. Ông này không chỉ mua hộ chiếu Síp cho bản thân vợ và 3 con gái mà còn mua cho gia đình "quyền công dân" của Kitts and Nevis - một trong những quốc gia "đi tiên phong" trong "phong trào" bán quốc tịch. Rahmani là một cựu tướng Ĩinh rất thành công trong việc xử lý các hợp đồng vận tải và nhiên liệu giữa chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ.

Ngoài ra còn có nữ tỷ phú giàu nhất nhì Trung Quốc Dương Huệ Nghiên với khối tài sản lên tới 27 tỷ USD. Dương là cổ đông chính của công ty bất động sản Country Garden Holdings. Phần lớn cổ phần của Dương là do được cha bà - một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CCPPCC) chuyển giao cho con gái vào năm 2007.

Một cái tên nổi bật khác là Mykola Zlochevsky - chủ tập đoàn năng lượng Burisma của Ukraine. Khi Zlochevsky mua hộ chiếu năm 2017, ông này đang bị điều tra cáo buộc tham nhũng.

Cùng với những cái tên này, Al Jazeera phát hiện Síp cũng bán hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án và những kẻ trốn tránh pháp luật.

Sau loạt bài điều tra của Al Jazeera, Bộ Nội vụ Síp cho biết họ đang xem xét các thông tin này, nhấn mạnh thêm rằng họ đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chương trình đầu tư trong những năm gần đây.

Trên thực tế, cuộc điều tra của Al Jazeera không chứng minh được hành vi sai trái của các quan chức thuộc diện "có nguy cơ tham nhũng".

Tuy nhiên, việc một người được giao phó vị trí quan trọng của quốc gia mình lại muốn mua quốc tịch thứ 2 cho bản thân hoặc gia đình đặt ra nhiều dấu hỏi. Ngoài ra, số tiền mà các quan chức đổ vào đầu tư để lấy được quốc tịch không phải là nhỏ, lên tới 2,5 triệu USD.

"Ở nhiều quốc gia, chỉ có thể có được khối tài sản lớn thông qua các mối quan hệ và mối quan hệ bất chính", ông Nigel Gould-Davies ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh cho biết.

Theo ông Nigel, lý do các quan chức này tìm kiếm quốc tịch thứ 2 hoặc thứ 3 là để bảo vệ số tài sản mà họ có được trong nhiều năm.

"Một khi họ đã có được những khoản tiền đó thông qua các loại kết nối mà chúng tôi cho là rất có vấn đề, họ muốn khiến các tài sản đó trở nên an toàn bằng cách chuyển chúng tới các quốc gia được hưởng pháp quyền", ông này nói thêm, đề cập đến Síp.

Nhu cầu tăng cao

Không chỉ có Síp hay Kitts và Nevis, nhiều quốc gia cũng đang "bán hộ chiếu" như một hình thức đổi lấy đầu tư. Theo thống kê, vào năm 2014, người giàu trên thế giới chi 2 tỷ USD để có được quốc tịch thứ hai.

"Bán quyền công dân" đang trở thành một loại hình kinh doanh hái ra tiền. Các chính phủ đưa ra một cái giá đắt đỏ để đổi tấm hộ chiếu của nước họ cùng những đặc quyền đi kèm.

Kinh doanh hộ chiếu đang trở thành một ngành kinh doanh nở rộ. (Ảnh: II)

Kinh doanh hộ chiếu đang trở thành một ngành kinh doanh nở rộ. (Ảnh: II)

Khu vực Caribe những năm gần đây nổi lên như thủ phủ toàn cầu của các chương trình "đầu tư quốc tịch". Hộ chiếu của Dominica được đổi bằng một khoản đầu tư trị giá 100.000 USD. Một khoản đầu tư bất động sản trị giá 400.000 USD ở Kitts và Nevis hoặc khoản đóng góp 250.000 USD cho quỹ phát triển có thể giúp bạn có được quốc tịch của đảo quốc này. Với số tiền tương tự, bạn có thể mua được hộ chiếu của Antigua và Barbuda.

Với Anh, visa cư trú dài hạn của nước này có giá 2,7 triệu USD. Con số này ở Singapore là 1,9 triệu USD.

Tại Bồ Đào Nha, chương trình đầu tư Thị thực vàng của nước này cung cấp cơ hội sở hữu thẻ xanh và hộ chiếu Bồ Đào Nha cho những người đầu tư khoảng 500.000 USD vào bất động sản của quốc gia này.

Tương tự với Canada, cần đầu tư ít nhất 800.000 USD trong vòng 5 năm theo 1 trong 2 chương trình Đầu tư Nhập cư Liên bang để có được quốc tịch của quốc gia Bắc Mỹ.

Trong khi đó, chi phí cho một cuốn hộ chiếu của Australia là 1,2 triệu USD. Còn ở Mỹ, những người giàu phải đầu tư từ 500.000 USD đến 1 triệu USD để có thẻ xanh rồi tiến tới quyền công dân Mỹ.

Theo International Investment, nhu cầu mua hộ chiếu gia tăng xuất phát từ một số lý do khác nhau như chạy trốn bất ổn trong nước (có thể là chiến tranh hoặc bất ổn chính trị) và mục đích trốn thuế.

Ngoài ra, người giàu cũng đang có xu hướng chọn nơi sinh sống dựa trên những ưu đãi đặc biệt và những quốc gia có thể giúp họ di chuyển tới nhiều nước khác trên thế giới nhờ cuốn hộ chiếu quyền lực

Lợi và hại

Bản thân các nước cung cấp các chương trình bán hộ chiếu sẽ thu về một khoản không nhỏ cho kinh tế nước mình. Đơn cử như Vanuatu. Nhờ các tấm hộ chiếu trị giá 130.000 USD, quốc gia này có được một nguồn doanh thu lớn giúp vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Việc "mua bán quốc tịch" vấp phải tranh cãi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh: Guardian)

Việc "mua bán quốc tịch" vấp phải tranh cãi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh: Guardian)

Các khoản đầu tư đáng kể vào nền kinh tế cũng giúp các chính phủ dễ dàng huy động tiền để chi cho các dịch vụ công. Tại khu vực Caribe khó có thể vực dậy sau 2 cơn bão Erika và Maria năm 2015 và 2017 nếu không bán hộ chiếu cho người nước ngoài.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Dominica là từ việc bán hộ chiếu.

Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Malta, thu nhập từ chương trình đầu tư quốc tịch đóng góp không nhỏ vào hoạt động kinh tế mạnh mẽ của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải cắt giảm mức đầu tư cho chương trình đầu tư quốc tịch của họ kể từ khi đồng lira rớt giá vào năm 2018.

Mặc dù vậy, hình thức mua bán quốc tịch vẫn đang vấp phải khá nhiều chỉ trích.

Bà Laure Brillaud, quan chức chính sách cấp cao của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, những thông tin mà Al Jazeera phanh phui về trường hợp của Síp đáng lo ngại nhưng không gây ngạc nhiên.

“Những chương trình như vậy thường có rủi ro lớn về rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng được thiết kế để thu hút những người tìm đường đến EU nhanh chóng", bà Brillaud cho hay.

EU từng chỉ trích mạnh mẽ việc Síp sử dụng chương trình đầu tư để bán hộ chiếu. Họ coi Síp là cửa sau để những những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch tiềm năng tiến vào phần còn lại của EU.

Dưới áp lực từ EU, Síp đã thay đổi các quy tắc từ năm 2019. Nhưng theo Al Jazeera, nhiều quan chức thuộc diện có nguy cơ tham nhũng đã đảm bảo vị trí của họ với tư cách là công dân Síp trước khi các thay đổi có hiệu lực.

Vào tháng 7/2020, Síp thông qua luật mới cho phép tước quyền của những người mua hộ chiếu nếu họ được coi là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Síp hoặc các trường hợp phạm tội nghiêm trọng, bị Interpol truy nã... Mặc dù vậy, luật mới vẫn được cho là còn nhiều lổ hổng, để lọt các hồ sơ tưởng như là trong sạch.

Việc dễ dàng sở hữu các tấm hộ chiếu của các nước cũng làm dấy lên lo ngại về các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn như tội phạm, khủng bố.

Peter Vincent, cựu cố vấn an ninh dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại về các đối tượng lợi dụng các chương trình nhập tịch bằng đầu tư.

“Đó là các tội phạm và tổ chức khủng bố quốc tế muốn tránh né luật pháp, tránh bị truy tố tại nước mình hay các tòa án quốc tế”, ông này phân tích.

Vanuatu từng phải tước bỏ quyền công dân của 4 người Trung Quốc sau khi phát hiện họ nằm trong danh sách cảnh báo đỏ của tổ chức Interpol.

Mehul Choksi, một tỷ phú Ấn Độ liên quan đến vụ lừa đảo trị giá 2 tỷ USD tại Ngân hàng Quốc gia Punjab nhờ chuyển quốc tịch, trở thành công dân Antigua và Barbuda nên nằm ngoài tầm với của các quan chức Ấn Độ.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mua-ban-quoc-tich-thi-truong-beo-bo-va-gay-tranh-cai-ar565956.html