Mua bán, sử dụng vũ khí tự chế trái phép sẽ bị xử lý hình sự

Chiều 25/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Với 427/448 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 88,41%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, Quốc hội đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 để kịp thời xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH không nhất trí sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH13 và đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự.

Về nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành đã bộc lộ khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, nên các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xử lý hình sự đối với một số vụ việc vi phạm liên quan đến loại vũ khí này trong thời gian vừa qua. Do đó, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các hành vi này.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH về việc sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14. Kết quả cho thấy, có 347 ý kiến đại biểu (bằng 71,84% tổng số ĐBQH) đồng ý sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14 theo đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 429/TTr-CP ngày 03/10/2019; Có 42 ý kiến đại biểu (bằng 8,70% tổng số ĐBQH) không đồng ý sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14; Có 05 đại biểu (bằng 1,04% tổng số ĐBQH) không chọn phương án. Trong đó có 23 đại biểu có ý kiến khác (bằng 4,76% tổng số ĐBQH).

Căn cứ kết quả xin ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14./.

Thy Hạt/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mua-ban-su-dung-vu-khi-tu-che-trai-phep-se-bi-xu-ly-hinh-su-982485.vov