Mua bán, sử dụng vũ khí tự chế trái phép sẽ bị xử lý hình sự
Chiều 25-11, với 427/448 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 88,41%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Đa số ý kiến ĐBQH nhất trí sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 để kịp thời xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH không nhất trí sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH13 và đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Về nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành đã bộc lộ khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do đó các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xử lý hình sự đối với một số vụ việc vi phạm liên quan đến loại vũ khí này trong thời gian vừa qua. Vì vậy cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các hành vi này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH về việc sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14. Kết quả có 347 ý kiến đại biểu (bằng 71,84% tổng số ĐBQH) đồng ý sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14 theo đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 429/TTr-CP ngày 3-10-2019; có 42 ý kiến đại biểu (bằng 8,70% tổng số ĐBQH) không đồng ý sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14; Có 5 đại biểu (bằng 1,04% tổng số ĐBQH) không chọn phương án. Trong đó có 23 đại biểu có ý kiến khác (bằng 4,76% tổng số ĐBQH).
Căn cứ kết quả xin ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10 - 1 -2020.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau: “6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”.