Mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng sẽ bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, tùy vào hậu quả xảy ra, nhóm đối tượng mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hàng loạt tang vật liên quan đến vụ án mua bán vũ khí trái phép được Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ (Ảnh: Công an cung cấp)

Hàng loạt tang vật liên quan đến vụ án mua bán vũ khí trái phép được Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ (Ảnh: Công an cung cấp)

Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Tấn Bình (SN 1983, trú tại Quận 6, TP Hồ Chí Minh) về tội “Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Theo cơ quan điều tra, vụ án được phát hiện trong quá trình mở rộng chuyên án nhằm triệt phá các đường dây mua bán và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, hoạt động trên không gian mạng qua các hội nhóm kín như "Phế liệu chiến tranh" và "Phế liệu chiến tranh - BW".

Quá trình đấu tranh chuyên án, 10 tổ Công tác của Công an TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt xác minh, truy bắt các đối tượng có liên quan tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 71 bị can về 10 tội danh liên quan đến vũ khí, ma túy, tiền giả, mua bán tài khoản ngân hàng, sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… (có bị can cùng lúc bị khởi tố về 5 tội danh); thu giữ 4 quả lựu đạn, gần 100 khẩu súng, 9.000 viên đạn các loại; hàng ngàn linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và nhiều tang vật khác có liên quan.

Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 4 của Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định về các nguyên tắc quản lý sử dụng vũ khí, vũ khí quân dụng. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng… các loại vũ khí quân dụng nếu không có giấy phép. Do đó, mọi trường hợp không thuộc đối tượng có thể được trang bị và sử dụng vũ khí là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, đối với đối tượng tàng trữ mua bán sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn có thể là xử lý hình sự. Về xử phạt hành chính, theo Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm và mức phạt cụ thể như sau:

Sử dụng vũ khí trái phép nhưng chưa gây hậu quả sẽ bị phạt từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng; mua bán vận chuyển trái phép vũ khí bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng; sản xuất chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng thể thao, súng bắn trái phép bị phạt từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép vũ khí công cụ hỗ trợ hoặc khắc phục hậu quả thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, trong vụ việc trên, đối tượng tàng trữ số lượng lớn vũ khí gồm 4 quả lựu đạn, gần 100 khẩu súng, 9.000 viên đạn các loại, hàng ngàn linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và nhiều vật chứng khác.

Hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép” hoặc “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại theo Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 7 năm.

“Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào những tình tiết, hậu quả vụ việc kèm theo hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt xứng đáng đối tượng. Đồng thời, cũng sẽ tiến hành điều tra xem đối tượng đặt mua phụ kiện chế tạo súng từ ai, trong thời gian phạm tội đã bán súng cho ai, cho bao nhiêu người để xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mua-ban-tang-tru-vu-khi-quan-dung-se-bi-xu-ly-the-nao-404405.html