'Mùa ban thay áo' - Gieo một sắc hoa ban cùng khí phách Điện Biên Phủ
'Sáu năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất thiêng liêng này. Như thể nơi lồng ngực tôi, một hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình, thôi thúc tôi cầm bút. Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào truyện dài 'Mùa ban thay áo', thật tự nhiên, mộc mạc. Và tôi tự hỏi, cây ban có một trái tim hay trái tim tôi vừa mọc một cây ban?' (Phan Đức Lộc).
Một cây ban nở muộn, xòe bung cánh trắng trong nắng hè vàng đượm cùng tiếng reo vang của đứa trẻ mở cánh cửa đưa bạn đọc chậm rãi bước vào thế giới văn chương của “Mùa ban thay áo” (Phan Đức Lộc), trong bộ sách Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của NXB Kim Đồng, 2024. Ở đó có “những ngọn núi ngời sắc màu kì ảo, những câu chuyện lịch sử hào hùng bên ánh lửa bập bùng, những tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc anh em và những mùa hoa ban đẹp man mác như dải thổ cẩm được dệt bằng hoài niệm”.
Vẫn là Phan Đức Lộc quen thuộc với những trau chuốt trong ngôn ngữ; tinh tế trong từng chi tiết, hình ảnh; chặt chẽ trong bố cục và sâu sắc, nhân văn trong suy nghĩ. Với những độc giả đã yêu mến và thường xuyên dõi theo Phan Đức Lộc qua các tác phẩm hẳn sẽ không còn xa lạ với cảm giác man mác, trầm buồn, có khi buồn đến thê lương bao trùm trong các sáng tác của anh. Nhưng đến cuối cùng, điều đọng lại mãi trên những trang văn ấy là tình đời, tình người lấp lánh.
“Mùa ban thay áo” xoay quanh kí ức của Hạt về một thời thanh xuân nhiệt huyết trên con đường dân công hỏa tuyến. Thực tế khốc liệt của chiến tranh cùng những mất mát, hy sinh hiện hữu trong chính gia đình mình đã tác động mạnh mẽ vào ý chí của cô gái, ngày qua ngày thổi bừng lên niềm mong mỏi được tham gia kháng chiến.
Đúng sinh nhật tuổi 15, người con gái ấy đã thức cả đêm ròng bên ngọn đèn dầu leo lét, nắn nót viết lá đơn tình nguyện để trải lòng về lý tưởng tuổi trẻ, về lời hứa sẽ nỗ lực quyết tâm, không ngại gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao. Cô gái đã khai man tuổi để được phân công vào đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cô gái nhỏ chuẩn bị cho những tháng ngày trở thành “chiến sĩ tay ngai” của mình thật tỉ mỉ. Cô cắt phăng mái tóc dài mà mình nâng niu để đỡ vướng víu trên đường ra trận; nghiêm túc trải qua những buổi huấn luyện điều khiển xe đạp thồ, bỏ lại “nỗi nhớ bông hoa cuối cùng trên cây gạo già khắc khổ”, “nhớ con cá bống ngủ quên trong dấu chân mẹ trên đồng”, “nhớ dáng dì tất tưởi...” phía sau vòng quay bánh xe đạp thồ để tiến bước...
Kí ức về những chuyến xe tiếp vận cho chiến dịch không chỉ có vất vả, gian lao, giây phút giành giật sự sống dưới làn mưa bom bão đạn, “những chiếc xe thương tích chở con người thương tích”. Vượt thoát lên trên tất cả, ấm áp hơn tất cả, cao đẹp hơn tất cả là lý tưởng cống hiến và tình đồng chí, tình cảm quân dân gắn bó, thủy chung. Và trên những dặm dài đường lên Điện Biên ấy luôn thấp thoáng sắc trắng hoa ban, sức sống cây ban.
Đọc “Mùa ban thay áo”, độc giả có lúc nín thở theo từng diễn biến căng thẳng của chiến dịch. Có khi, lặng đi bởi những mất mát, đau thương được khắc họa qua hình ảnh lay lắt, giày vò trong cơn điên loạn của người mẹ có con trai hy sinh trong chiến trận; bát cơm trắng xới cho người con đã chôn vùi xác thân cùng khói lửa đạn bom... Độc giả rưng rưng nước mắt, cảm phục trước tinh thần, khí phách của muôn mặt người đã góp phần làm nên độc lập, tự do cho dân tộc.
Đó là anh thợ sửa xe đạp thồ với hai chân đã gửi lại nơi chiến trường vẫn canh cánh vì chẳng thể ghi danh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: “Tôi không tiếc đôi chân, nhưng tôi tiếc tuổi trẻ của mình chưa cống hiến được gì nhiều cho Tổ quốc”. Tầm vóc người thương binh trẻ vời vợi cao trong hành động nhỏ, “miễn phí” sửa chữa chiếc xe đạp thồ khi biết nó chuẩn bị theo chủ nhân vào đoàn dân công hỏa tuyến lên Điện Biên Phủ: “Tất cả đang hướng về Điện Biên Phủ. Người ta góp muối, góp gạo. Tôi không có muối, có gạo thì xin được góp chút sức mọn cho chiến dịch. Mai mốt trong đoàn, xe ai có vấn đề gì cứ mang đến đây tôi sửa giúp. Chân tôi tàn nhưng tay tôi khỏe”.
Hình ảnh chị Nhu cùng Hạt đêm ngày quyết tâm, kiên trì học cách điều khiển xe đạp thồ để góp sức mình vào chiến dịch. Anh Thược - không chỉ đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực mà còn là giao liên bí mật, suýt chút mất mạng trong quá trình làm nhiệm vụ. Cậu bé Pâng hồn nhiên, tốt bụng, chẳng lạc đi đâu cái hào sảng, dũng cảm của con người sinh ra và lớn lên trên đất Điện Biên. Anh của Hạt, bố của Pâng và lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ nữa... Tất cả đã cùng nhau bước vào tuyến lửa bằng trái tim bừng bừng ánh lửa.
“Mùa ban thay áo” là tình cảm rất riêng mà tác giả xem như món quà dành tặng mảnh đất mình đã gắn bó cả thanh xuân nhiệt huyết. Và cuốn sách cũng chính là tiếng lòng tri ân sâu sắc của người trẻ trước cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh cùng tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước.