Mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh, ngăn chặn, cơ quan tố tụng xử lý nghiêm minh tội phạm trong lĩnh vực về động vật hoang dã nhưng hiện nay, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã vào Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Vậy đâu là nguyên nhân và cần những giải pháp gì là vấn đề đặt ra không chỉ với các cơ quan chức năng mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Những thủ đoạn mới, tinh vi và liều lĩnh
Có thể thấy, Việt Nam là điểm nóng về săn bắt, giết, buôn bán động vật hoang dã và sử dụng sản phẩm động vật hoang dã; đồng thời, cũng là địa bàn trung chuyển sản phẩm các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm từ châu Phi đến các nước trong khu vực. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã diễn ra trên cả 3 tuyến đường hàng không, đường bộ và trên biển.
Theo đó, trên tuyến đường bộ, động, thực vật hoang dã thường được cất giấu trong các thùng, hầm, vách ngăn được gia cố, tự chế của các phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu; trong người, hành lý cá nhân khi nhập cảnh; giấu lẫn với hàng hóa khai báo hải quan...
Đối với tuyến đường biển, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn như: khai sai tên hàng, khai báo sai chủng loại và tên khoa học, để lẫn hàng hóa vi phạm với các hàng hóa được khai báo hải quan, thường là các mặt hàng thông thường, có trị giá không quá lớn, không gây chú ý về xuất xứ hoặc các mặt hàng có đặc tính phù hợp với việc được chuyển tải qua nhiều nước và cũng gây khó khăn, mất nhiều thời gian khi kiểm hóa như: hạt điều, hạt lạc, thực phẩm đông lạnh, vỏ ốc biển, sừng động vật, thủ công mỹ nghệ, phế liệu...; dùng thủ đoạn cất giấu tinh vi và để ở các vị trí gây khó khăn cho công tác kiểm tra của cơ quan Hải quan.
Còn trên tuyến hàng không,hàng hóa vi phạm thường được cất giấu trong các lô hàng nhập khẩu và hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh cùng chuyến. Nổi bật, gần đây, các đối tượng chủ hàng còn lợi dụng thuê mướn những người mang quốc tịch nước ngoài bị tàn tật (dị tật ở chân, tay, mắt…) để xách hàng thuê trên tuyến này. Hoặc thuê người Việt Nam đang lao động tại một số nước châu Phi vận chuyển hàng về Việt Nam, hoặc thuê người Việt Nam sang các nước châu Phi theo hình thức du lịch (được các đối tượng chi trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, visa và công vận chuyển) rồi vận chuyển hàng về Việt Nam. Bên cạnh việc vận chuyển trực tiếp hàng hóa vi phạm theo con đường truyền thống là từ một số quốc gia trọng điểm về Việt Nam, các đối tượng thường tìm cách vận chuyển qua một hoặc một vài nước thứ 3 về Việt Nam nhằm che giấu quốc gia nguồn gốc hoặc đích đến, qua đó “đánh lạc hướng” sự giám sát, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm của cơ quan chức năng.
Thông tin với Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không. Cơ quan Hải quan liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc, nổi lên là 3 vụ bắt giữ 490kg, 125kg và hơn 7,6 tấn ngà voi trong tháng 2 và tháng 3/2023 tại khu vực cảng Hải Phòng. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng liều lĩnh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.
Tính chung trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 21 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới; trong đó có 6 vụ việc liên quan đến ngà voi.
“Thực tế cho thấy, có những lô hàng được chuyển lòng vòng qua nhiều nước để trốn tránh kiểm soát của cơ quan chức năng, được đưa trót lọt qua nước xuất xứ cũng như các nước quá cảnh nhưng chỉ khi tới Việt Nam thì bị các lực lượng chức năng ở Việt Nam bắt giữ.”- ông Nguyễn Văn Hoàn thông tin thêm.
Bất chấp hệ lụy vì lợi nhuận
Động vật hoang dã là tài sản thiên nhiên quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Thời gian qua, tình trạng săn bắt, giết, buôn bán động vật hoang dã trái phép tại khu vực châu Phi, châu Á và Đông Nam Á diễn ra rất nghiêm trọng; nhiều loài động vật đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng vẫn có nguy cơ tuyệt chủng.
Đáng chú ý, việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã không chỉ tác động đến môi trường, sự mất cân bằng sinh thái mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống- xã hội, nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt đây là là nguồn của tội phạm ẩn. Do đó, buôn bán động vật hoang dã trái phép được coi tội phạm nghiêm trọng, có tổ chức xuyên quốc gia nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nhất trong các hình thức buôn lậu với lợi nhuận rất lớn dù chưa có con số thống kê cụ thể.
Hệ lụy từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã rất lớn và ngày càng rõ. Song, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng, dù lực lượng chức năng của Việt Nam đã tích cực vào cuộc xử lý, ngăn chặn.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, Tổng cục Hải quan cho rằng, trước hết là do lợi nhuận kinh doanh và nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã qua biên giới đang hình thành ở quy mô lớn hơn, hoạt động tinh vi hơn, vươn tới nhiều thị trường trên thế giới. Từ năm 2017, lệnh cấm buôn bán ngà voi của Trung Quốc chính thức có hiệu lực khiến thị trường tiêu thụ ngà voi khổng lồ này khan hiếm hàng, giá bán cao hơn và hấp dẫn các nhóm buôn lậu có tổ chức tham gia với các phương thức, thủ đoạn liều lĩnh hơn.
Trao đổi với Phóng viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng Đàm Nghĩa Quân cho biết, Cao Bằng là tỉnh miền núi, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới trên 333km, dài nhất trong tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc. Với diện tích tự nhiên lớn trong đó núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Chỉ với hai yếu tố đặc thù nêu trên đã là điều kiện thuận lợi để trở thành địa bàn trung chuyển động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài, nhất là với Trung Quốc. Thêm vào đó, với tập quán dân gian của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thường sử dụng các loại sản phẩm từ động vật quý hiếm làm đồ trang trí, trang sức, thuốc chữa bệnh, hoặc dùng một số động vật tươi sống trong các bữa ăn, cho nên cũng hình thành một thị trường tiêu thụ ngay tại địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Thời gian vừa qua, tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, quy mô hoạt động rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Với những thủ đoạn phạm tội như: Thông qua đường hàng không, để đưa một số sản phẩm của loài động vật hoang dã quý hiếm vào Việt Nam tiêu thụ, ở trong nước các đối tượng thường dùng các loại phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng thuê người vận chuyển với số lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm từ nhiều tỉnh miền Trung đưa đến Cao Bằng ra các điểm tiếp giáp, khu vực biên giới nuôi nhốt, chờ thời cơ vận chuyển qua các đường mòn, lối mở sang Trung Quốc tiêu thụ.
Đồng bộ giải pháp, xử lý nghiêm tội phạm về động vật hoang dã
Giải pháp để ngăn chặn tình trạng vi phạm, là một trong những cơ quan tố tụng tích cực trong việc ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao Phạm Văn An, những năm qua, Việt Nam đã ban hành và thực thi chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục công dân về bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng; tăng cường lực lượng bảo đảm việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại động vật hoang dã. Đồng thời, xử phạt nghiêm minh bằng biện pháp hình sự, hành chính đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã hoặc hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán sản phẩm động vật hoang dã.
Từ thực tế địa phương, Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp:
Lãnh đạo các đơn vị cần chủ động phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực tham gia phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các Ngành chức năng trong tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Tiếp đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng,... để trao đổi thông tin về các đối tượng, đường dây, tổ chức có biểu hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Phối hợp với các ngành hàng năm chú trọng công tác tổng kết để xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội, để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn kịp thời các tụ điểm buôn bán trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng như các mẫu vật, sản phẩm của các loài động vật này ở khu vực biên giới cũng như trong nội địa.
Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Cơ quan điều tra, Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án Vi phạm quy định về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này để răn đe, phòng ngừa chung.
Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu, cập nhật các thông tin, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tham khảo kỹ năng nhận diện, đặc điểm loài động vật hoang dã để áp dụng vào thực tiễn được đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không phạm tội...
Về phía cơ quan Hải quan, ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết, Tổng cục Hải quan luôn xem công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; chủ động tổ chức quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đến công tác triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã qua biên giới.
Tích cực phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng như: Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam… Trong đó, chú trọng ngay từ công tác trao đổi thông tin; tổ chức lực lượng, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc đến phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực.