Mua, bán vàng kiểu 'chốt giá': Kịp theo biến động nhưng quá nhiều rủi ro

Tại Việt Nam không có hình thức mua bán vàng trên tài khoản, một vài người có ít tiền, có một vài lượng vàng muốn tìm cơ hội kiếm lãi theo kịp biến động giá vàng ở TP. HCM đành chọn cách 'chốt giá' theo thời điểm với những tiệm vàng mà họ tin cậy.

Mua, bán vàng kiểu 'chốt giá': Kịp theo biến động nhưng quá nhiều rủi ro.

Mua, bán vàng kiểu 'chốt giá': Kịp theo biến động nhưng quá nhiều rủi ro.

Ông Trương Hưng, một nhân viên văn phòng ở TP. HCM đã tham gia “lướt sóng” những ngày qua theo cách ký gửi niềm tin. Cụ thể với hơn 150 triệu tiền mặt tích cóp được, ông mang đến mua vàng ở tiệm vàng quen thân ở gần nơi làm việc, ở thời điểm giá vàng chỉ 51 triệu đồng/lượng ông mua 3 lượng. Nhưng sau khi mua ông không mang vàng về, mà gửi lại két sắt của chủ tiệm vàng với giấy tờ làm tin là hóa đơn bán lẻ của tiệm (không phải là hóa đơn đỏ). Sau đó ông theo dõi giá vàng, đến thời điểm giá vàng lên đỉnh, tiệm vàng có giá mua vào là 58 triệu đồng/lượng thì ông chốt bán qua điện thoại. Bán xong ông Hưng cũng không mang tiền về, lại gửi ở tiệm, chờ giá vàng giảm thì lại mua vào…

Cách làm này, ông Hưng học từ một người thân của gia đình. Và bản thân ông cũng đã thực hiện vài lần.

Theo ông Hưng chia sẻ, về mặt pháp lý, ông hiểu rất rõ chỉ gửi tiền, chốt giá mua, chốt giá bán qua tờ giấy không có công chứng giữa cá nhân ông và chủ cửa tiệm, hay tin nhắn điện thoại giữa 2 người thì rủi ro mất sạch tiền là rất lớn. Nhưng đây là cách có thể chốt nhanh và kịp theo tốc độ biến động của giá vàng. Bên cạnh đó, khi nhận khoản tiền (hoặc vàng) do ông ký gửi, nhân viên của tiệm cũng hỗ trợ theo dõi, kịp thời báo thông tin cho ông khi giá lên, hoặc giá xuống.

Hình thức mua bán chốt giá, ủy thác niềm tin, hay cho vay vàng, góp vốn kinh doanh vàng, chơi hụi vàng… không phải là hình thức mới trong giới kinh doanh vàng. Các hình thức này dựa trên uy tín của người chủ tiệm vàng là chính. Do vậy, với những biến động của thị trường, những cú đảo ngược dòng của giá vàng thế giới thì chính những người kinh doanh vàng thâm niên cũng không thể lường hết được. Vụ vỡ nợ của nhà kinh doanh vàng Tuấn Tài (tại TP. HCM năm 2009) là một ví dụ điển hình.

Nhưng thực tế cho thấy, cơ hội kiếm lãi đến 30% chỉ trong vòng 1 năm quá hấp dẫn, những đợt sóng vàng liên tiếp đã khiến nhiều người không ngần ngại tham gia kiếm lãi từ vàng 1 cách mạo hiểm.

Nếu có rủi ro xảy ra, mức lãi kiếm được từ cơ hội lượt sóng, chốt giá này không thể bù được khoản tiền gốc bị mất đi.

Sau 16 giờ chiều ngày 20/8, giá vàng miếng SJC tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mua vào - bán ra trong khoảng 55,05- 56, 45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đang ở mức 1.929 USD/ounce.

Nếu so với ngày 18/8, giá vàng giảm gần 3,3 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với chiều 19/8 ở mức 56,9 triệu đồng/lượng thì giá vàng đang giảm thêm 1,2 triệu đồng/lượng. Sau đó không lâu giá vàng lại quay đầu tăng về mức 56,1 triệu đồng/lượng.

Đà giảm mạnh sáng nay cộng với chênh lệch mua - bán khiến người mua vàng từ chiều qua đến sáng nay đã chịu khoản lỗ 2,5 triệu đồng/lượng.

Theo dữ liệu của sàn Kitco, phần lớn đà giảm của vàng thế giới trong phiên 19/8 (giờ Mỹ) đến từ trạng thái chốt lời của các nhà đầu tư.

Bích Thủy

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mua-ban-vang-kieu-chot-gia-kip-theo-bien-dong-nhung-qua-nhieu-rui-ro-20180504224242666.htm