Mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng lo bị 'đem con bỏ chợ'
Lúc mua bảo hiểm thì họ nói ngon ngọt, cam kết đủ điều nhưng khi đòi quyền lợi thì đại lý viện đủ lý do để cắt xén, thậm chí không bồi thường như hợp đồng
Đó là chia sẻ của ông Thảo (ngụ tỉnh Đồng Nai) khi kể lại đoạn trường trần ai đòi quyền lợi bản hiểm cho người thân của mình.
Ông Thảo tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ của một công ty khá uy tín cho vợ và con của ông với mức gần 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, mới tham gia được hơn 2 năm thì con ông (7 tuổi) chẳng may qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo. Mặc dù rất đau lòng nhưng ngay từ khi con còn nằm viện, ông đã liên hệ với đại lý bảo hiểm nhân thọ để họ làm hồ sơ, nhưng họ cứ chần chừ. Rồi con ông mất, ông Thảo bỏ công việc, từ Đồng Nai “5 lần 7 lượt” lên TPHCM đem hợp đồng, hồ sơ của con đi đòi quyền lợi.
“Người ta nói con tôi mắc bệnh không nằm trong danh sách được bảo hiểm nên sau khi khấu trừ thì số tiền nhận được chỉ khoảng 100 triệu đồng. Tôi thấy rất vô lý vì không đúng như lời đại lý quảng cáo, chào mời lúc mua bảo hiểm” – ông Thảo chán nản.
Tại diễn đàn và triển lãm về bảo hiểm Việt Nam 2019 diễn ra tại TPHCM, đại biểu tham dự cũng lo lắng tình trạng bị “đem con bỏ chợ” khi tham gia bảo hiểm. Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam thừa nhận, có hơn 500.000 đại lý bảo hiểm tại Việt Nam nhưng không phải đại lý nào cũng làm tốt, cũng có đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi khách hàng, công ty này lập hệ sinh thái mở, nhân viên và khách hàng có thể kết nối trực tiếp trên điện thoại, trao đổi mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng công nghệ vào dịch vụ để xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn – bà Tina Nguyễn chia sẻ.
Đề cập vấn đề cơ chế chính sách, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, chính sách pháp luật liên quan đến bảo hiểm nhân thọ đã có nhưng vẫn phải chờ thời gian để luật được đi vào đời sống.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty CP bảo hiểm Bảo Minh nêu khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử. Bởi một hợp đồng không có dấu sẽ rất gian nan nếu xảy ra tranh chấp. “Hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử không cần ký thì phải được pháp luật thừa nhận. Chúng tôi rất mong muốn điều đó” – ông Thành nói.
Khoảng 8.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm
Thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, từ đầu năm đến nay có khoảng 8.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm các lỗi như không tuân thủ quy định của công ty bảo hiểm, tư vấn không đầy đủ, không trung thực…, từ đó dẫn đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm. Đối với những đại lý này, ngoài việc bị lập danh sách “đen”, còn bị xử lý bằng hình thức không được các công ty bảo hiểm ký hợp đồng đại lý (trong khoảng thời gian nhất định), không được hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm…
Tuy vậy, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trường hợp phát hiện đại lý bảo hiểm tư vấn sai ảnh hưởng đến quyền lợi của khách thì công ty bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của người mua bảo hiểm nhân thọ.