Mua bảo hiểm… 'trả góp'

Thời gian gần đây, nhiều người dân truyền tai nhau hình thức mua bảo hiểm 'trả góp' để sở hữu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện nhằm hưởng lợi từ chính sách ưu việt của Nhà nước khi điều kiện kinh tế còn khó khăn.

 Đưa chính sách bảo hiểm đến với người dân

Đưa chính sách bảo hiểm đến với người dân

“Trả góp” để lo sức khỏe”

Là “trụ cột” chính trong gia đình khi chồng thường xuyên đau ốm và 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học nên mọi khó khăn, vất vả đều dồn hết trên đôi vai chị Nguyễn Thị Hường, trú tại phường Hương Sơ, TP. Huế. Để có tiền mua BHYT cho 2 vợ chồng, mỗi lần đi chợ bán hàng, chị đều dành ra 50 ngàn đồng “góp” cho nhân viên thu bảo hiểm. Sau 1 năm, số tiền góp ấy cũng đủ để “trả nợ” 2 thẻ BHYT hơn 2 triệu đồng cho nhân viên thu khi trước đó đã tạo điều kiện cho chị nhận thẻ để nối hạn. Theo chị Hường, nếu như nhân viên thu không cho “ứng trước” để mua thẻ BHYT thì khi đến hạn đóng mà phải bỏ ra một lúc hơn 2,5 triệu đồng thì không biết xoay sở đâu ra. Nhờ tạo điều kiện và tư vấn nhiệt tình của các nhân viên thu nên thẻ BHYT của cả 2 vợ chồng được nối hạn liên tục, đảm bảo quyền lợi khi đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế.

Cùng hoàn cảnh với chị Hường, chị Hoàng Thị Vui (45 tuổi), trú tại xã Quảng Phú (Quảng Điền) đã thương thảo với nhân viên thu để được “trả góp” nhằm có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện thời hạn 15 năm để sau này hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, đồng thời con cái được hưởng mai táng phí và trợ cấp tuất. “Chồng mất sớm, một mình phải nuôi 2 con ăn học nên nếu bây giờ không dành dụm để tham gia BHXH tự nguyện, đến khi già yếu không còn sức lao động lại trở thành gánh nặng cho con cháu. Vì vậy, tôi đã chọn mức đóng 957 ngàn đồng/tháng để sau này có thể nhận hơn 3 triệu đồng/tháng lương hưu trang trải sinh hoạt và được tặng kèm thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe. Qua thương thảo với nhân viên thu, tôi được chia ra 3 đợt đóng phí, mỗi đợt hơn 300 ngàn đồng vào đầu tháng, giữa tháng và cuối nên khá thuận tiện và giảm áp lực kinh tế. Hiện, tôi đã tham gia được 4 năm 2 tháng”.

Qua tìm hiểu, hiện có khá nhiều người lao động tự do lựa chọn tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện theo hình thức “trả góp”, giảm áp lực kinh tế khi phải bỏ ra số tiền lớn để sau này về già có lương hưu, lại có thẻ BHYT. Thay vì bỏ ra 1.263.600 đồng/lần (mức giá mới từ ngày 1/7/2024), người dân có thể tham gia từng tháng với giá 105.300 đồng/tháng; hoặc thương thảo với nhân viên thu để “trả góp” theo ngày, theo tuần… nhằm giảm số tiền đóng theo mức thấp nhất. Đối với BHXH tự nguyện, người dân cũng có thể lựa chọn mức tham gia, dao động từ 297.000 – 7.887.000 đồng/tháng và thương thảo với nhân viên thu để chia nhỏ ra theo từng kỳ đóng.

Chị Đồng Thị Nga, nhân viên thu ở khu vực TP. Huế cho rằng, để thu hút người dân tham gia bảo hiểm, ngoài kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhân viên thu còn linh hoạt trong cách đóng nhằm tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định vẫn có thể tham gia 2 loại hình bảo hiểm này. Nhờ vậy, số người tham gia 2 loại hình BHYT và BHXH tự nguyện ngày càng tăng, đồng nghĩa với ngày càng nhiều hộ dân được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước.

Theo chị Hải Yến, nhân viên thu ở huyện Quảng Điền, để tăng số người tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện, chị linh hoạt trong cách tuyên truyền, vận động với mong muốn giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Ai có điều kiện thì vận động đóng một lần, còn ai khó khăn thì cho trả góp, hoặc bỏ tiền túi ra đóng trước rồi thu dần hằng tháng. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để họ thấy được lợi ích của việc mua BHYT, BHXH tự nguyện và tự dành dụm để tham gia.

 Nhân viên thu tuyên tuyền các chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đến với người dân chợ Tân Mỹ, phường Thuận An

Nhân viên thu tuyên tuyền các chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đến với người dân chợ Tân Mỹ, phường Thuận An

Linh hoạt trong cách đóng

Cùng với việc thương thảo với nhân viên thu để được “trả góp”, hoặc chia ra nhiều mức đóng khi mua thẻ BHYT, hoặc tham gia BHXH tự nguyện, hiện BHXH tỉnh đã linh hoạt trong cách đóng nhằm tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể tham gia các loại hình bảo hiểm. Theo đó, người dân có thể chọn một trong các phương thức đóng BHXH tự nguyện, đó là: đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần và 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu. Tuy nhiên, thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Đối với những người tham gia BHXH, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng 15 năm có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu sau khi đóng.

Trong đó, người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng mà người tham gia tự lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và không cao hơn 20 lần mức lương cơ sở. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 297.000 đồng/tháng và cao nhất là 7.887.000 đồng/tháng. Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

6 tháng đầu năm nay, số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình tăng so với cùng kỳ. Hiện, toàn tỉnh có 18.234 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 54,02% so với kế hoạch; 1.160.037 người tham gia BHYT, đạt 99,15% so với kế hoạch. Để thu hút người dân tham gia, sắp tới BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giải thích về sự thay đổi mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước và quyền lợi được hưởng để người dân hiểu rõ.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/mua-bao-hiem-tra-gop-143122.html