Mua bảo hiểm xe máy ở lề đường có được bồi thường?
Hiện, trên một số tuyến đường ở TP HCM xuất hiện nhiều điểm bán bảo hiểm xe gắn máy. Rất nhiều người dân thắc mắc việc mua bảo hiểm xe máy ở có được bồi thường khi xảy ra sự cố. Vấn đề này được luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí giải thích.
Theo đó, căn cứ quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, có 2 đối tượng được phép khai thác bảo hiểm: cán bộ của doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm. Những người này đã được đào tạo bài bản, nắm được quy trình và biết phải điền và có thể bỏ trống những mục nào khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
Đồng thời, hiện nay Bộ Tài chính đã quy định mẫu, cách thức in của bảo hiểm xe máy tại Phụ lục I Thông tư 22/2016/TT-BTC nên khi cấp phát, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện theo mẫu đã quy định.
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc được coi là hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện, đối chiếu theo quy định của từng doanh nghiệp bảo hiểm về quy trình phát hành, quản lý, sử dụng, thường bao gồm: con dấu của doanh nghiệp, chữ ký của người đại diện theo pháp luật, thông tin đầy đủ của người mua bảo hiểm, số khung, số máy,…
Do đó, khi xác định giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc của khách hàng là hợp lệ, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện trách nhiệm của mình như đã cam kết và theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc bị làm giả.
Việc bảo hiểm hợp lệ bị tuồn ra ngoài, bày bán tràn lan tại vỉa hè là sai sót trong khâu khai thác, quản lí của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.
Về quy trình thủ tục bồi thường, Hệ thống Luật Thinh Trí cho biết khi xảy ra sự cố khi tham gia giao thông và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc là hợp lệ, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật) chủ xe cơ giới cần liên hệ cho doanh nghiệp bảo hiểm để được yêu cầu bồi thường.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại phụ lục 7 Thông tư 22/2016/YY-BTC và các tài liệu sau để lập hồ sơ bồi thường (căn cứ tại điều 14 Thông tư 22/2016/TT-BTC): Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính): Giấy đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của lái xe; giấy chứng nhận bảo hiểm.
Tài liệu chứng minh thiệt hại về người (bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm), tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau: Giấy chứng thương; giấy ra viện; giấy chứng nhận phẫu thuật; hồ sơ bệnh án; giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm. Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn: Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn; thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông; các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Nếu từ chối bồi thương, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường.
Trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bảo hiểm chưa thỏa đáng hoặc từ chối bồi thường mà không rõ lý do chính đáng, thì trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có các hành vi trên, chủ xe cơ giới có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. (điều 15 Thông tư 22/2016/TT-BTC).