Mùa bão lũ và câu chuyện nhà phao nhìn từ góc độ phát triển cộng đồng

Đến hẹn lại lên, người miền Trung lại tiếp tục oằn mình gánh chịu những cơn bão lũ.

Hình ảnh lũ ngập mái nhà ở Quảng Bình. Ảnh tư liệu: Việt Hùng/Zing

Hình ảnh lũ ngập mái nhà ở Quảng Bình. Ảnh tư liệu: Việt Hùng/Zing

Với họ, chuyện sống chung với lũ lụt từ bao năm nay đã trở thành chuyện đương nhiên rồi, có điều nếu được sự trợ giúp từ chính quyền, từ các cơ quan chức năng, từ cộng đồng, thì sự “sống chung” ấy sẽ thuận lợi hơn, an toàn hơn, ít tổn thất hơn. Vậy mà đợt lũ lụt này (đầu tháng 9.2019) đến thật khác lạ, người dân gần như không được thông báo trước, và họ lại phải hứng chịu hậu quả nặng nề của việc xả lũ bất ngờ trong khi không phải đã không có những dự báo trước từ phía các chuyên gia từ trước đó 5 ngày.

Nhà phao người dân tự làm khi dự án về khảo sát!

Nhà phao người dân tự làm khi dự án về khảo sát!

Trong bão và lũ, việc cảnh báo trước 24 giờ đã có thể đảm bảo an toàn tính mạng người dân và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Vậy mà, ngoài những tin tức ngắn trên Đài truyền hình Việt Nam về trận lũ lụt lớn vừa xảy ra, báo chí trong 3 ngày 3, 4 và 5 tháng 9 đều gần như im bặt hoặc đến chiều muộn mới lên một bài.

Thiếu vắng sự đưa tin với những khuyến cáo kịp thời không chỉ dẫn tới sự thiệt hại (nặng nề hoặc rất nặng nề) về người và của như đã từng xảy ra hồi cơn bão Damrey năm 2017 mà còn dẫn đến việc cộng đồng khá mơ hồ về thực trạng hiện tại của người dân, về mức độ nghiêm trọng của thiệt hại cũng như cách thức hỗ trợ, chung tay một cách rõ ràng và bài bản.

Mặt trước nhà phao người dân tự làm khi dự án về khảo sát. Chưa có phương án neo nhà.

Mặt trước nhà phao người dân tự làm khi dự án về khảo sát. Chưa có phương án neo nhà.

Tuy nhiên, từ hôm mưa lũ gây ngập lụt các tỉnh miền Trung, “nhà phao” trở thành một hiện tượng được mọi người nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội, bởi mô hình nhà này đã đảm bảo an toàn, cứu sống được tính mạng và tài sản của người dân Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Chỉ có điều, các bài báo đã viết chưa thể hiện chính xác phương thức hình thành mô hình và cũng chưa phân tích cụ thể về kiến trúc, kỹ thuật, cách thức triển khai loại nhà phao này – yếu tố cơ bản để đem lại sự an toàn cho người dân Tân Hóa vừa qua, từ cách làm đó mà sự an toàn sẽ được lan tỏa, mở rộng ở các vùng khác của Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng lũ.

Nhà phao người dân tự làm, dự án kiên quyết bắt tháo dỡ làm mới thì mới hỗ trợ vì tiêu chí "không thể đối phó nguy hiểm trước mắt bằng một nguy hiểm tiềm ẩn!" Ngôi nhà phao này quá không an toàn trong thiên tai!

Nhà phao người dân tự làm, dự án kiên quyết bắt tháo dỡ làm mới thì mới hỗ trợ vì tiêu chí "không thể đối phó nguy hiểm trước mắt bằng một nguy hiểm tiềm ẩn!" Ngôi nhà phao này quá không an toàn trong thiên tai!

Nhân dịp này tôi sẽ xin chia sẻ câu chuyện dự án Nhà Chống Lũ đã bắt đầu làm nhà phao như thế nào và nó có liên quan gì tới số những căn nhà phao đã cứu sống người dân Tân Hóa trong đợt lũ lụt đầu tháng 9.2019 để bạn đọc có thông tin toàn diện và đầy đủ.

Từ đầu năm 2014, dự án Nhà Chống Lũ đã về địa bàn Tân Hóa, Quảng Bình với một quyết tâm tìm ra giải pháp bền vững để hỗ trợ người dân vùng lũ. Sau khi gặp gỡ trao đổi với chính quyền, người dân địa phương, các phương án hỗ trợ đã được đưa ra: Đầu tiên, phương án đổ sàn nâng nhà gỗ không khả thi vì nhà gỗ Tân Hóa to, nặng và vẫn không tránh được lũ, vì mức đỉnh lũ lên đến 14m.

Phương án thứ 2 được đưa ra là nhà xây ba tầng gác. Mẫu nhà này cơ bản tránh được lũ nhưng cả dự án và người dân đều không thể thực hiện do chi phí quá cao lại đòi hỏi nhiều kĩ thuật phức tạp, người dân khó có thể tự ứng dụng.

Mô hình đợt 1 áp dụng từ năm 2014 (trái) với khung nhà hình chữ nhật bằng gỗ, lợp 2 mái và cửa mở; Mô hình đợt 2 áp dụng từ năm 2014 (phải) với khung nhà hình vuông bằng gỗ, lợp 2 hoặc 4 mái, cửa mở và có hành lang xung quanh.

Mô hình đợt 1 áp dụng từ năm 2014 (trái) với khung nhà hình chữ nhật bằng gỗ, lợp 2 mái và cửa mở; Mô hình đợt 2 áp dụng từ năm 2014 (phải) với khung nhà hình vuông bằng gỗ, lợp 2 hoặc 4 mái, cửa mở và có hành lang xung quanh.

Chưa thể tìm ra phương án khả thi, Nhà Chống Lũ tiếp tục cuộc khảo sát ở thôn 3 Yên Thọ. Tại đây, dự án được giới thiệu gia đình anh Lực, nhiều năm về trước anh đi làm thuê ở miền Tây, vậy nên anh đã học hỏi mô hình bè nuôi cá ở đây để mở cho vợ mình một quán tạp hóa cũng chính là căn "nhà phao" đầu tiên ở Tân Hóa! Sau mấy cơn lũ, nhận thấy hiệu quả của mô hình này nên bà con cũng đã bắt đầu làm theo tùy khả năng và nhu cầu của mỗi gia đình. Nhưng các tiêu chí an toàn vẫn nằm ở mức mơ hồ trong ước đoán của người dân.

Thế là, các cán bộ của dự án Nhà Chống Lũ đã quyết định tập trung nghiên cứu chuẩn hóa, tăng khả năng an toàn để biến Nhà phao thành hướng hỗ trợ đặc trưng cho Tân Hóa. Các kiến trúc sư của Nhà Chống Lũ đã liên tục trao đổi với người dân để thật sự nắm rõ những nhu cầu, đặc điểm thiên tai để tính toán chính xác khả năng nổi, tăng cường các biện pháp chống gió lốc phá hủy kết cấu, và quan trọng nhất là neo giữ được ngôi nhà.

Tới tháng 6.2014, dự án cho ra đời mô hình nhà phao chống lũ thí điểm và tháng 7 đã có đợt hỗ trợ nguyên vật liệu và hướng dẫn thi công nhà đầu tiên. Đến hết tháng 8.2017, dự án đã hoàn thành 90 căn nhà phao với 3 mô hình trong đó mô hình số 3 đã có những bước cải tiến lớn. Đó là có module khung thép lắp ghép, cửa chính và cửa sổ lùa ngang để tránh gió xoáy, và cửa sổ phía sau có cánh cửa bằng nhựa trong để có thể quan sát nguy hiểm từ phía sau.

Mô hình mới năm 2017: Khung nhà vuông bằng thép, lợp 4 mái, cửa lùa có kính và có hành lang xung quanh.

Mô hình mới năm 2017: Khung nhà vuông bằng thép, lợp 4 mái, cửa lùa có kính và có hành lang xung quanh.

Trong quá trình triển khai 3 năm liền, dự án liên tục tuyên truyền, thúc đẩy lan rộng mô hình bằng cách hướng dẫn bà con, chính quyền và các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ về phương pháp làm nhà, lắp phao. Và từ đó, bà con đã làm được tổng số 400 căn nhà với sự hỗ trợ của các cá nhân và doanh nghiệp hảo tâm. Mô hình nhà phao cũng đã được dự án triển lãm tại Diễn Đàn Nước Quốc tế năm 2019 với sự tham quan và ghi nhận của Tổng cục Phòng chống Thiên tai.

Trên thực tế, từ năm 2011, sau cơn lũ lịch sử năm 2010, lác đác có một số hộ đã tự làm nhà phao theo kiểu đơn giản, theo kiểu bè nổi miền Tây của nhà anh Lực. Ban đầu người dân neo nhà bằng cách sử dụng dây neo như neo thuyền, nhưng khi nước lên chỉ cần có dòng chảy hoặc gió nhẹ nhà cũng đã bị trôi quanh xóm, nếu neo nhiều dây thì khó điều chỉnh khi nước lên xuống.

Sau đó người dân nghĩ ra phương án dùng 2 cây cọc để "định hướng", khung nhà được gắn vào 2 cây cọc này và trượt lên xuống dọc cọc theo độ cao của nước. Có vẻ ổn nhưng vấn đề là không có cây cọc nào vượt quá độ cao 6m để đối phó mực nước sâu 14m và hơn nữa, khi lên một độ cao nhất định thì cây cọc cũng không còn cứng rắn để neo giữ ngôi nhà.

Chính vì lí do đó, các kiến trúc sư của dự án đã tập trung nghiên cứu và sáng kiến ra hệ thống neo 5 điểm dần nhưng vẫn phải điều chỉnh 4 sợi dây neo bằng tay nhưng dễ hơn vì 4 dây được gom lại thành 1 trục. Mô hình dây neo theo kiểu ròng rọc này sau cùng đã được cải tiến trở thành bộ cuốn dây neo tự hãm, tương đối hiện đại và an toàn, dễ dàng điều khiển cho bà con khi lũ lên và xuống.

Ngay khi tìm ra phương án này, dự án đã bắt đầu hỗ trợ người dân thi công những căn nhà đầu tiên. Người dân đối ứng bằng phần gỗ làm khung, ván hoặc tôn vách, tôn mái. Nhà Chống Lũ hỗ trợ kĩ thuật và các vật liệu để làm hệ thống neo và thùng làm phao. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với kiểm lâm và biên phòng hỗ trợ cho phép người dân khai thác các cây gỗ chết hoặc gãy đổ để làm nhà phao.

Ông Luận, trưởng thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa là người đi theo chương trình hỗ trợ nhà phao của NCL ngồi làm việc cùng KTS Đinh Bá Vinh. Chính ông Luận, cùng với ông Như, bí thư thôn 4 Yên Thọ là những người đánh giá rõ nhất về hiệu quả của nhà phao nổi với người dân Tân Hóa!

Ông Luận, trưởng thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa là người đi theo chương trình hỗ trợ nhà phao của NCL ngồi làm việc cùng KTS Đinh Bá Vinh. Chính ông Luận, cùng với ông Như, bí thư thôn 4 Yên Thọ là những người đánh giá rõ nhất về hiệu quả của nhà phao nổi với người dân Tân Hóa!

Trước mùa lũ năm 2014, dự án đã hỗ trợ được 19 căn nhà phao ở 4 thôn (1,2,3,4) Yên Thọ, Tân Hóa. Những năm tiếp theo, các kiến trúc sư liên tục cải tiến và nâng cấp để có mô hình thứ 3 với khung lắp ráp và các chi tiết đều được tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn và các kĩ thuật thực hiện cũng được tối giản hóa để chính bà con có thể là người làm được. Những tình nguyện viên đến từ doanh nghiệp cũng có thể tham gia lắp ráp nhà cho bà con.

Thực ra mô hình nhà phao chỉ là 1 trong số 11 mô hình nhà an toàn mà dự án Nhà Chống Lũ thuộc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation) đã phát triển cho các vùng địa hình khác nhau của các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ trên khắp Việt Nam.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện tiếp 1 mô hình thích ứng với nước biển dân ở miền Tây và 1 mô hình nhà an toàn trong tổ hợp dự án Làng Hạnh Phúc cho các vùng núi cao. Và với mô hình nào, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp “chung tay” hướng đến mục đích người dân địa phương với sự hỗ trợ của chính quyền có thể tự lực triển khai, lan tỏa với mô hình mà chúng tôi đã hoàn thiện, và dự án sẽ chỉ làm khoảng 30 đến 50 căn mỗi địa bàn.

“Chung tay” ở đây là cùng nhau thiết kế (co-design), cùng nhau đóng góp tài chính (co-financing, thông thường là 50-50) với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ của dự án. Và với cách thức này, có doanh nghiệp tham gia chung tay với dự án làm 30 căn nhà phao cho Tân Hóa là ngân hàng HSBC, các thành viên tham gia chương trình đã tự tay lắp ghép được những căn nhà phao cho bà con trong 3 ngày làm việc sau một buổi sáng được các kiến trúc sư của Nhà Chống Lũ tập huấn kỹ thuật.

Công ty HSBC cũng không cần một sự quảng bá nào về sự đóng góp của họ, công ty rượu vodka Cá Sấu tặng miễn phí hoàn toàn hầu hết số thùng nhựa làm phao cho 90 căn mà dự án đã làm cũng không cần một sự vinh danh nào cả. Bởi những cá nhân và tập thể chung tay với dự án đều hướng đến một mục tiêu chung là làm sao tạo đòn bẩy cho người dân để chính họ sẽ nỗ lực vươn lên và tự bảo vệ mình, tìm ra phương thức sống chung với lũ một cách chủ động và bền vững. Chỉ có cách đó họ mới có thể vững vàng tạo dựng cuộc sống và tươi lai tốt đẹp cho chính gia đình mình.

Cuối năm nay, Quỹ Sống sẽ xuất bản một cuốn sách có tên gọi là Cẩm nang Nhà Chống Lũ trong đó có đầy đủ 11 mô hình nhà an toàn mà dự án Nhà Chống Lũ đã phát triển trong suốt hơn 5 năm qua sau khi đã xây 700 ngôi nhà trên 7 tỉnh của miền Bắc (Quảng Ninh), miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam), Nam Trung Bộ (Khánh Hòa) và Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, Hậu Giang).

Chúng tôi mong muốn những mô hình và kinh nghiệm triển khai của mình sẽ được lan tỏa tới người dân, chính quyền địa phương các vùng chịu thiên tai, các tổ chức từ thiện, các cá nhân, doanh nghiệp có quan tâm và mong muốn hỗ trợ dân nghèo xây nhà an toàn để có thể thích ứng và sống chung với điều kiện lũ lụt do thiên tai và nhân tai đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Sự thành công của mô hình nhà phao ở Tân Hóa chính là một bài học về sự chung tay của cộng đồng, từ những chuyên gia, các dự án như Nhà Chống Lũ của Quỹ Sống, các nghệ sỹ đã đóng góp các tác phẩm nghệ thuật, các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, chính quyền sở tại và đặc biệt là từ chính người dân địa phương. Để từ những kinh nghiệm dân gian cộng với tính năng kỹ thuật mới đã hình thành 90 căn nhà với 3 mô hình nhà an toàn, vững chãi, đẹp đẽ rồi tăng lên tới 400 căn nhà - một sự cộng hưởng tuyệt vời. Và sự cộng hưởng này rất cần thiết được lan tỏa tới tất cả những vùng chịu thiên tai, bão lũ.

Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều)

(Nhà sáng lập & Chủ tịch Quỹ Sống)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mua-bao-lu-va-cau-chuyen-nha-phao-nhin-tu-goc-do-phat-trien-cong-dong-20420.html