Mưa bão tiếp tục hoành hành miền Trung

* Số người chết và mất tích tiếp tục tăng

* Số người chết và mất tích tiếp tục tăng

* Bão số 7 giật cấp 12 đi vào đất liền từ trưa và chiều 14-10

Ngày 13-10, trong khi nhiều nơi ở miền Trung vẫn còn oằn mình với lũ, số người chết và mất tích tiếp tục tăng thì trên biển Đông xuất hiện thêm cơn bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều nay (14-10).

Huy động phương tiện cơ giới khơi thông dòng chảy trên tuyến ĐH409 (đoạn qua cầu Bến Giang, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng).

Huy động phương tiện cơ giới khơi thông dòng chảy trên tuyến ĐH409 (đoạn qua cầu Bến Giang, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng).

Đà Nẵng: Học sinh Hòa Vang đi học trở lại vào ngày 15-10

Ngày 13-10, lũ trên các sông Yên, Túy Loan (H. Hòa Vang) đã rút rất nhiều, một số khu dân cư vùng trũng thấp ven sông Yên như: La Bông, Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến) vẫn còn ngập cục bộ. Tuyến ĐH409 (đoạn qua cầu Bến Giang, thôn Lệ Sơn 2) tiếp tục bị nước lũ chia cắt do khối lượng bèo tồn đọng rất lớn, nên chính quyền địa phương phải huy động phương tiện cơ giới nỗ lực khơi thông dòng chảy để việc lưu thông sớm trở lại bình thường.

Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng có công văn gửi Phòng GD&ĐT H.Hòa Vang, các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn huyện thông báo cho học sinh, học viên tiếp tục nghỉ học ngày 14-10 (thứ Tư) và đi học trở lại vào ngày 15-10 (thứ Năm). Đối với các đơn vị, trường học vẫn còn ngập lụt, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, hiệu trưởng, giám đốc Trung tâm GDTX đề xuất lên cấp trên để tiếp tục cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn.

CBCS Phòng CSGT, CA Quảng Trị tiếp tế lương thực vùng ngập lũ sáng 13-10.

CBCS Phòng CSGT, CA Quảng Trị tiếp tế lương thực vùng ngập lũ sáng 13-10.

TT-Huế: Hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh

Đã hơn 5 ngày trôi qua, dù lượng mưa có giảm so với ngày trước nhưng nhiều nơi trên địa bàn TT-Huế vẫn còn ngập sâu khiến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân ở các vùng thấp trũng các huyện, thị: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà... khó khăn chồng chất. Đã có thêm nhiều người chết và mất tích do đợt mưa lũ này. Ngày 13-10, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, 3 người dân ở tỉnh mất tích do mưa lũ hiện vẫn chưa tìm thấy. Trong đó, có cháu bé Võ Văn Nhật Huy (6 tuổi, trú P. Tứ Hạ, TX.Hương Trà) bị trượt chân xuống lũ; ông Nguyễn Duy Thanh (1968) và Nguyễn Văn Đính (1980, trú xã Phú Lương, H.Phú Vang) gặp nạn lúc tối 12-10 trong lúc đi bắt chuột đồng thì nước lũ chảy xiết khiến ghe bị lật. Sau đêm trắng tìm kiếm, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, mưa lũ từ ngày 9 đến 13-10 đã khiến 7 người dân ở TT-Huế thiệt mạng, 3 người mất tích. Toàn tỉnh TT-Huế cũng đã có 7 người bị thương do mưa lũ, đều trú tại H. Phong Điền. Mưa lũ gây ngập trên diện rộng đã khiến 84.963 nhà dân ở tỉnh bị ngập sâu từ 1-2,5m, một số nơi ngập sâu hơn; 27 nhà bị hư hỏng do sập, tốc mái, sạt lở...

Trước tình hình ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường giao thông không thể đi lại được gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân, CA TT-Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chủ động triển khai các phương án ứng phó bão lũ, quyết tâm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Không để người dân phải đơn độc trong cuộc chiến chống lũ lụt, các chiến sĩ CA dùng ca nô, vượt lũ để đến cứu trợ kịp thời tiếp tế một số thực phẩm như: mì tôm, bánh và một số nhu yếu phẩm khác cho người dân. Đã hơn 5 ngày nay, nhiều địa phương phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử, nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Chị Trương Thị Sự (trú H.Phong Điền, TT-Huế) khi nhận được mấy thùng mì tôm và gạo cứu trợ từ lực lượng CA đã rất xúc động, bật khóc khi thời điểm đó trong nhà chị không còn thực phẩm và chưa kịp đi mua sắm thì lũ dâng cao.

Nỗ lực giải phóng đất đá, thông tuyến QL9 (Quảng Trị) do bị sạt lở nặng.

Nỗ lực giải phóng đất đá, thông tuyến QL9 (Quảng Trị) do bị sạt lở nặng.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cũng đã yêu cầu toàn bộ cán bộ chiến sĩ ứng trực; đồng thời bố trí các tổ công tác tăng cường chốt chặn tại các tuyến đường ngập lũ, không cho người dân qua lại, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra; tăng cường công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân mất tích trong cơn lũ. Đồng thời, triển khai lực lượng, phương tiện đến những vùng xung yếu, chia cắt, người dân đang cần sự giúp đỡ để kịp thời di dời người và tài sản lên vùng cao... Ngoài ra, phải đảm bảo ANTT không để tội phạm lợi dụng tình hình mưa lụt hoạt động... Qua đó, góp phần chung sức, chung lòng người dân vượt qua thiên tai hoạn nạn.

Ngày 13-10, Tỉnh ủy TT-Huế đã ban hành thông báo về việc tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 do lũ lụt. Theo thông báo của Tỉnh ủy TT-Huế, lũ lụt trong những ngày qua đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân ở tỉnh, đồng thời theo dự báo những ngày tới, thiên tai còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) TT-Huế thống nhất tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban TVTU sẽ quyết định thời gian tổ chức Đại hội khi có sự đồng ý của Bộ Chính trị. Ban TVTU thông báo để các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy Huế và các Đảng ủy trực thuộc biết, tập trung lãnh đạo công tác khắc phục, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đó, theo dự kiến, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 15 đến 17-10.

2 chiến sĩ CA TT-Huế ẵm cháu bé sơ sinh từ Trạm Y tế xã Quảng An (H.Quảng Điền) đi tránh lũ.

2 chiến sĩ CA TT-Huế ẵm cháu bé sơ sinh từ Trạm Y tế xã Quảng An (H.Quảng Điền) đi tránh lũ.

Quảng Trị: Hướng về tâm lũ

Sau 5 ngày bị lật đò, nước lũ cuốn trôi gần hồ thủy điện Rào Quán (H.Hướng Hóa), nạn nhân Lê Quang Hùng (1992, trú xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa) đã được tìm thấy thi thể vào chiều 12-10, tăng số người thiệt mạng trong lũ tại Quảng Trị những ngày qua lên con số 8. Trong khi đó, số người mất tích tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp điều khiển xe máy bị nước cuốn khi đi qua cầu tràn Tà Rụt - A Vao tại xã Tà Rụt (H.Đakrông). Nạn nhân nam giới này chưa xác minh được danh tính, hiện công tác tìm kiếm đang được lực lượng chức năng và người dân nỗ lực thực hiện.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, ngành giáo dục cũng đang chịu thiệt hại nặng nề khi cơ sở vật chất, thiết bị của hàng loạt trường học đã bị nhấn chìm trong nước lũ nhiều ngày qua. Ghi nhận tại địa bàn H.Triệu Phong, có 400m tường rào trường bị sập, vô số cây bóng mát bị ngã đổ, bàn ghế, một số hệ thống bếp ga trường mầm non hư hỏng. Trong khi đó, tại địa bàn H.Gio Linh, đến ngày 13 - 10 tại nhiều điểm trường vẫn chưa thể kiểm tra thiệt hại do nước còn lớn, nhiều hệ thống điện bị hư hỏng. Khảo sát ban đầu, có gần 50 phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc của 19 trường thuộc địa bàn H.Gio Linh đã bị thấm dột.

CA TT-Huế dầm mình trong lũ giúp dân sơ tán ra khỏi vùng lũ.

CA TT-Huế dầm mình trong lũ giúp dân sơ tán ra khỏi vùng lũ.

Tại vùng trũng H.Hải Lăng, có 68/105 điểm trường bị ngập, trong đó có nhiều điểm ngập sâu trên 1,5m, bàn ghế, tivi, kệ đựng đồ chơi, hệ thống điện bị hư hỏng. Tại các điểm trường mầm non, hệ thống cây xanh, vườn rau, không gian vui chơi của các cháu bên ngoài khuôn viên trường học bị hư hỏng nặng. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cũng bị lũ nhấn chìm nặng nề. Cụ thể, nhiều điểm trường ở H.Đakrông bị sạt lở đất, đá tràn xuống, có trường ngập sâu 3m. Còn tại H.Hướng Hóa, bước đầu ghi nhận gần 6.000 sách vở đã bị ướt, 21 thiết bị máy móc bị ngâm trong lũ. Nhiều trường học tại H.Cam Lộ bị nước vào ngập sâu tại các phòng chức năng, phòng học. Một số trường có nhiều cây xanh bị bật gốc, ngã đổ, sách vở bị ướt, máy vi tính, âm thanh loa máy, bảng biểu, tường rào bị xô đổ...

Ngày 13 - 10, Quảng Trị tiếp tục huy động lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó có việc nỗ lực thông tuyến trên QL9 do bị sạt lở nặng. Công tác cứu trợ, hỗ trợ cũng đang hướng về tâm lũ. Rất nhiều cá nhân, đơn vị đã chung sức chia sẻ khó khăn với nhân dân Quảng Trị đang gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn giữa cơn lũ lớn. Thông qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng đã trao tặng 1.200 thùng mì tôm và 2 tấn gạo cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh để kịp thời giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với nhân dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 còn hỗ trợ cho gia đình 15 nạn nhân thiệt mạng và mất tích trên địa bàn. Trong khi đó, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị vẫn đang ngày đêm vào tâm lũ, ghi dấu ấn đậm sâu tình quân dân.

Sáng 13 - 10, CBCS Phòng CSGT, CA tỉnh Quảng Trị tiếp tục về với vùng ngập sâu Hải Lâm, Hải Hòa (H.Hải Lăng), rồi ngược ra Cam Tuyền (H.Cam Lộ) để tham gia ứng cứu, tiếp tế lương thực cho bà con mắc kẹt lũ nhiều ngày. CBCS H.Triệu Phong, CAH Cam Lộ, Vĩnh Linh, TP Đông Hà cũng đã có nhiều ngày lăn xả ở vùng ngập lũ, từ việc cứu người bị cuốn trôi đến ứng cứu vận chuyển người ốm đau và tiếp tế nhu yếu phẩm đến từng hộ dân. Trong khi đó, ở địa bàn miền núi, CAH Đakrông, CAH Hướng Hóa và lực lượng BĐBP trở thành điểm tựa cho đồng bào vượt qua ngày gian khó này. CBCS vượt lũ, băng sông, đồi núi cần mẫn trao từng túi gạo, mì tôm đến người dân giữa đại ngàn dù họ đã có nhiều ngày chống lũ chưa nghỉ ngơi.

Ảnh hưởng cơn bão số 7, Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn khiến người dân các vùng ngập sâu vẫn chưa thể thoát nguy hiểm. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định đời sống sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trước mắt phương tiện, thiết bị cứu hộ, thuốc, vật tư y tế gồm xuồng, xuồng cao su (25 CV); 4.000 phao tròn và áo phao cứu sinh; 100 bè cứu sinh... cùng 10 tấn hóa chất Benkocid; Chloramin B: 2 tấn; viên khử nước Aquatab và 300 cơ số thuốc chữa bệnh.

Nhóm Phóng viên

Bão số 7 giật cấp 12 đi vào đất liền từ trưa và chiều 14-10

Trưa 13-10, bão số 7 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km, dự báo đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong 24 - 36 giờ tới. Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 10 giờ ngày 13-10, tâm bão số 7 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 14-10, tâm bão ở trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 14-10, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, hôm nay (14/10) tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An có nước dâng do bão cao 0,5m.

Ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ 14 đến 16-10, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_232989_mua-bao-tiep-tuc-hoanh-hanh-mien-trung.aspx