Mùa Black Friday, nhân viên bán hàng căng thẳng đến kiệt sức

Với khách hàng, Black Friday có thể là cơ hội tốt để mua sắm với giá hời. Song, các nhân viên bán hàng lại đối diện với căng thẳng, kiệt sức khi số lượng người mua ồ ạt đổ về.

“Em ơi mẫu này sale bao nhiêu”, “Em ơi lấy cho chị túi này”, “Em ơi đôi này còn size không”, Thu Trang (26 tuổi) vẫn nhớ nguyên cảm giác đầu ong ong, tai ù ù sau cả ngày Black Friday năm ngoái, cô bị “khách hàng quây lấy mình theo đúng nghĩa đen”.

Là nhân viên bán hàng cho một thương hiệu giày dép, phụ kiện có tiếng, Trang cho hay đối với khách hàng, sự kiện giảm giá “thứ sáu đen” là cơ hội để tậu những món hàng ưng ý với mức giảm giá mạnh, nhưng với những nhân viên như cô, nó là cả một nỗi ám ảnh.

“Chương trình sale diễn ra từ 1-2 tuần trước đó, lượng người đến xem đông nhưng nhân viên vẫn còn ‘dễ thở’. Đến hôm Black Friday giảm giá sâu nhất, khách mới ồ ạt đổ về, khiến cửa hàng nhiều khi không kiểm soát nổi”, cô gái 26 tuổi kể.

Theo lời Trang, trung tâm thương mại vừa đến giờ mở cửa, gian hàng cô làm việc đã trong tình trạng đông đúc, tấp nập. Số lượng khách hàng tìm đến quá đông khiến nhiều lần, cửa hàng phải tạm đóng cửa để sắp xếp lại hàng hóa, kiểm soát số người vào mua.

Ngày Black Friday, hầu hết nhân viên đều phải làm việc hết công suất. Ảnh: Việt Hùng.

Ngày Black Friday, hầu hết nhân viên đều phải làm việc hết công suất. Ảnh: Việt Hùng.

Bên ngoài, hàng chục khách hàng khách hàng kiên nhẫn tới lượt vào mua sắm. Bên trong, Trang và đồng nghiệp làm việc, phục vụ khách hàng không ngơi tay.

Để tiết kiệm không gian trưng bày, gian hàng chủ đích chỉ bày giày của một bên chân, khách ưng ý mẫu nào, màu nào mới nhờ nhân viên vào kho lấy size.

“Tưởng cách làm vậy sẽ giúp cảnh mua sắm bớt hỗn độn hơn, nhân viên đỡ vất vả nhưng trên thực tế, khách hàng vẫn chen lấn, xô đẩy, giành giật đồ”, Trang thở dài.

“Năm ngoái, mình được giao nhiệm vụ đứng ở cửa kho, tìm và chuyển giày ra theo yêu cầu của khách. Đa số mọi người đều nóng vội, đứng chật kín ở trước kho để giục nhân viên vì sợ món hàng mất công tăm tia lại rơi vào tay người khác”, cô nói thêm.

Kết cục, cô gái bị không ít người xô đẩy đến suýt ngã.

“Lần khác, vì số lượng người chờ thanh toán quá tải, mình phải phát số thứ tự cho từng khách. Nhiều chị em vì quá sốt ruột mà nhao về phía mình như tranh cướp để có thể về sớm”.

22h, Black Friday kết thúc, trong khi nhiều người ra về trong tâm trạng hí hửng vì tậu được món đồ được giảm đến 50%, Trang và đồng đội bơ phờ, bụng đói meo và áo thấm đẫm mồ hôi.

Những gì còn sót lại tại cửa hàng sau một ngày khách hàng “oanh tạc” được Trang miêu tả là như "bãi chiến trường” với hàng tá giấy gói, hộp đựng, hóa đơn nằm ngổn ngang, lăn lóc mọi ngóc ngách, chờ các nhân viên dọn dẹp.

Kết thúc ngày "thứ sáu đen", các nhân viên thấm mệt còn cửa hàng ở trong tình trạng ngổn ngang. Ảnh: Quỳnh Trang/Tiến Tuấn.

Kết thúc ngày "thứ sáu đen", các nhân viên thấm mệt còn cửa hàng ở trong tình trạng ngổn ngang. Ảnh: Quỳnh Trang/Tiến Tuấn.

Đồ bị vứt bừa bãi, khách quát mắng vì đợi lâu

“Những năm trước, mình còn hào hứng ngắm nghía xem món đồ nào sale để vợt, năm nay chỉ muốn Black Friday qua đi thật nhanh”, Vân Anh (20 tuổi), nhân viên tại một cửa thời trang trên phố Huế (Hà Nội), thổ lộ.

Bắt đầu đi làm thêm chưa lâu, cô sinh viên năm ba đã được dịp trải qua cảm giác “ai nấy đi săn đồ sale còn mình còng lưng phục vụ”.

Vào những ngày cửa hàng chạy chương trình giảm giá, Vân Anh được phân nhiệm vụ mở cửa cho khách, giúp khách lựa đồ, sắp xếp quần áo vào chỗ cũ.

“Mùa Black Friday, số lượng khách đông gấp đôi. Bình thường, mình còn có thời gian nghỉ ngơi, đứng tán gẫu cùng các chị đồng nghiệp khác. Còn những ngày sale, có khi làm việc hết công suất mà vẫn không xuể", cô kể.

Nhưng với cô gái, “ác mộng” nhất vẫn là cảnh quần áo liên tục bị vứt bừa bãi, cái lộn trái, cái lộn phải lung tung, thậm chí còn bị khách vô ý thức dẫm giày lên làm bẩn.

Hàng hóa bị vứt bừa bãi, lộn xộn khi người mua thi nhau "xâu xé" đồ sale. Ảnh: Timeline.

Hàng hóa bị vứt bừa bãi, lộn xộn khi người mua thi nhau "xâu xé" đồ sale. Ảnh: Timeline.

“Chỉ riêng gấp, treo lại quần áo thôi đã thấy mệt. Có những khách phải thử đến 2 giỏ đầy ắp đồ. Mình và các bạn khác phải thay phiên nhau để giỏ đựng vào phòng thử đồ để khách hàng không vứt quần áo xuống nền nhà”, Vân Anh cho hay.

Mặt khác, cái làm khó nhân viên bán hàng là mỗi sản phẩm lại có một chính sách giảm giá riêng, khi treo đồ không thể treo tùy tiện mà phải treo tương ứng với từng mức sale khác nhau.

Mặc dù trước ngày Black Friday, quản lý cửa hàng đã in riêng hướng dẫn cách sắp xếp các loại quần áo, Vân Anh thừa nhận nhiều lúc cô vẫn bị nhầm lẫn.

“Không ít lần, mình bị khách hàng khó tính to tiếng, mắng là ‘treo đầu dê bán thịt chó’ vì trót treo lộn”, cô chia sẻ.

Đồng thời, nhiều người mua đến xem không thấy cập nhật mẫu mới hay mẫu mới không được sale, những nhân viên bán hàng như Vân Anh lại là người nghe khách phàn nàn.

“Ngày khuyến mãi, ai cũng phải chạy việc liên tục nên xảy ra sơ suất là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, không ít người vì thiếu kiên nhẫn chờ đợi lấy size, lấy mẫu mà quở trách, thái độ với mình”, cô cho biết.

Tan ca, Vân Anh thừa nhận về đến phòng là nằm thẳng ra giường, không còn sức làm công việc nào khác khi chân đã mỏi nhừ sau gần 5-6 tiếng đứng bán hàng liên tục.

“Sáng đến trường, chiều phi vội đến cửa hàng, ra về khi trời đã tối muộn, mùa Black Friday này, mình còn chả có thời gian săn lùng đồ giảm giá cho bản thân nữa”, cô thở dài.

Với nhiều khách hàng, Black Friday là cơ hội tốt để mua sắm nhưng với nhiều nhân viên bán hàng, dịp này trở thành nỗi ám ảnh. Ảnh: FT.

Với nhiều khách hàng, Black Friday là cơ hội tốt để mua sắm nhưng với nhiều nhân viên bán hàng, dịp này trở thành nỗi ám ảnh. Ảnh: FT.

“Chúng tôi không phải robot”

Năm 2018, hàng nghìn nhân viên của Amazon tại châu Âu đình công để phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt trong ngày Black Friday.

Theo The Guardian, tại một nhà kho ở Madrid (Tây Ban Nha), có tới 90% trong tổng số 1.800 công nhân đã đình công trong vòng 2 ngày.

Các công nhân Amazon ra đường trong ngày lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm, giương cao khẩu hiệu “Chúng tôi không phải là robot” để phản đối chính sách tiền lương và điều kiện làm việc khắc nghiệt tại một trong những tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Công nhân Amazon tại Anh đình công trong ngày Black Friday. Ảnh: GMB@Amazon.

Công nhân Amazon tại Anh đình công trong ngày Black Friday. Ảnh: GMB@Amazon.

Tại Mỹ, câu chuyện của nhân viên bán hàng vào ngày “thứ sáu đen” cũng không tươi sáng hơn.

Mặc dù người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trực tuyến, hàng triệu người Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ, nơi nhân viên phải đối mặt với khối lượng công việc tăng cao mùa lễ hội mà thường không có thêm khoản tiền công nào.

“Tôi phải làm việc đến 60 giờ/tuần vào mùa cao điểm Black Friday và Cyber Monday”, Nicholas Oates (Missouri, Mỹ), nhân viên của Amazon, nói với The Guardian.

Ngay cả khi có robot trợ giúp, công việc của con người tại các nhà kho của Amazon cũng không dễ dàng hơn.

“Các robot thường xuyên để rơi hàng hóa xuống đất, làm chậm quá trình đóng gói và gây thêm phiền toái cho các công nhân”, Oates cho hay.

“Khung cảnh thì hỗn loạn, tâm trạng nhân viên thì căng thẳng, lo lắng khi phải đáp ứng yêu cầu tốc độ xử lý đơn hàng của quản lý”, Noemi Castro, nhân viên tại Walmart, kể lại cảm giác làm việc vào ngày Black Friday.

Đối thủ của Amazon, Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, cũng hứng chịu nhiều chỉ trích khi không chịu chi trả thêm tiền lương cho công nhân vào dịp Black Friday. “Ông lớn” này nhiều lần đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ công nhân về yêu cầu tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

“Nhân viên đang hy sinh thời gian với gia đình để phục vụ khách hàng. Nhưng chúng tôi không kiếm tiền cho mình mà đang giúp các giám đốc điều hành ngồi ở nhà kia sinh lời”, Kristi Branstetter, người có hơn 7 năm làm việc tại một cửa hàng Walmart bên ngoài thành phố Kansas (Missouri, Mỹ), chua xót nói.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mua-black-friday-nhan-vien-ban-hang-cang-thang-den-kiet-suc-post1018925.html