Mùa bông gòn nở

Không biết từ bao giờ, trước bến sông có một cây gòn. Cây lâu năm vươn tán lên bầu trời cao vút. Từ khi có người đàn ông hành nghề đưa đò, chọn nơi gốc gòn làm bến, cây bỗng nhiên xanh hơn. Nó mọc ra muôn ngàn tán lá, phủ mát cả một khoảng rộng. Con đường đất miền quê dài vun vút, từ phía xa, thấy bóng dáng tán gòn vươn lên cao, là biết sắp đến bến đò.

Đò không tên, độc nhất một người chủ đò, kiêm lái đò và góp phí. Chủ không biết đặt tên đò là gì, nhưng đã là đò thì phải có tên. Vậy theo thói quen, người ta gọi bến đò Cây Gòn. Thấy cũng hay hay, dân quê, gọi địa danh bằng tên cây, mà cũng có cái cây to lớn ngay chỗ đó nữa thì quá tiện để nhớ. Người ta không nhớ là bắt đầu từ khi nào, nhưng cái tên bến đò Cây Gòn thì ai cũng nhớ.

Tháng ba cây gòn nhú ra những trái xanh đầu tiên, từng chùm nhỏ nhắn, treo lủng lẳng trên cây. Tháng năm gòn rộ bông. Những trái gòn ngày nào mới bằng ngón tay, sáng nay ngó lên đã thấy to bằng trái bắp. Gòn cho trái màu xanh, nắng hong chín thành màu của đất, rồi bung nở những thớ gòn màu trắng như mây. Mùa cây gòn rộ bông, trăm nghìn trái bông treo khắp tán lá, trắng xóa cả một vùng trời. Nhìn từ xa thấy như cái cây đội được mây trên đầu.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Có một mùa hoa gòn nở rộ, ngày rằm, người lái đò chấp tay trước miếu ông Tà dưới gốc cây khấn nguyện, “cho con bước qua tuổi bốn mươi suôn sẻ, bình an”. Hôm ấy, đò đón một vị khách lạ sang sông vào giữa đêm khuya. Bên kia bến, tiếng người gọi đò yếu ớt như đang khóc, nghèn nghẹn nhưng người lái đò vẫn nghe. Ngồi bật dậy, hôm nay rằm mà sao trăng không có. Nhìn lên bầu trời mới thấy mây đen đã che mất ánh sáng tự bao giờ. Ông mở cái đèn dầu sáng hơn, đặt trước mũi đò rồi chèo sang bên kia bến.

Người khách nữ không nói không rằng, ông không nhận ra được người đang ngồi phía mũi xuồng là người mới hôm kia xuống xe đò liên tỉnh, qua sông. Đò tách bến, sông lồng lộng gió, những con sóng líu ríu dưới mạn đò, vẫn không nghe thấy tiếng người nào cả. Đò ra giữa sông, người phụ nữ đột nhiên nhảy ùm xuống nước. Cú nhảy làm chiếc đò chới với chòng chành, cái đèn trước mui rơi xuống sông tắt lịm, những vòng tròn vô định của dầu lửa loang tràn trên mặt nước. Người lái đò nhanh chân nhảy theo, ông níu được cái ba lô, quờ quạng một hơi nước, rồi mới níu được người nữ khách cũng đang ngụp lặn với con nước sông đầy. Lúc đó mây bắt đầu tản ra, trăng bắt đầu nhú những ánh sáng đầu tiên và loang rộng, như một cơn mưa sương ánh trăng, dát vàng cả dòng sông. Có một người níu lấy một người bơi vào bờ sông, nơi cây gòn đang rộ bông trắng xóa.

Người phụ nữ vẫn không thôi khóc, vừa vùng vẫy cho đến lúc lên tới bờ. Khi đứng trước miếu ông Tà, cách mé nước khá xa, ông lái đò mới bỏ tay cô ra, cô ngồi bẹp xuống đất. Những giọt nước sông hòa cùng nước mắt từ trên tóc trên mắt rơi xuống ướt cả một khoảng sân. Những cánh bông gòn theo gió bay lơ thơ, nhưng lạ thay chúng không hề thấm nước.

Rất lâu sau khi vào bờ, cô gái mới lên tiếng:

- Ông cứu tôi chi? Số mạng tôi đến đây đã tận thì để tôi theo dòng nước mà chết!

Ông lái đò ngơ ngác nhìn cô:

-Số cô chưa tận!

Cô gái vẫn im lặng, ông lái đò nói tiếp:

-Cô đi đò của tôi, tôi có bổn phận đưa cô sang đến bờ đến bến an toàn. Vậy là số cô chưa tận.

Cô gái ngớ người một chút lâu, nhìn ông rồi bật khóc thêm một tràng nức nở: “Có những người cũng đưa tôi sang sông, nhưng họ bỏ tôi giữa dòng, tôi trôi về bến bờ của gia đình, nhưng gia đình cũng không còn là bờ bến nữa”.

Ông lái đò không hỏi thêm điều gì về cuộc tình, về gia đình hay về nỗi đau của cô gái. Ông chỉ hỏi:

-Cô ăn chút cháo nha, đêm khuya rồi, sáng mai hãy tính.

Trời sáng, nhưng cô gái vẫn nằm ngủ ở trong chòi. Lúc dậy thì mới hay, đêm qua, người lái đò đã đi tìm chiếc đò khắp nơi, nó trôi đi rất xa, và cuối cùng ông cũng kịp tìm về trước khi trời sáng. Những chuyến đò đầu tiên của ngày, đưa người sang và về cù lao. Ngoài mớ hành trang mang theo, họ còn mang về nhà câu chuyện về cô gái lạ trong căn chòi của ông lái đò Cây Gòn, gầy gò như cỏ.

Ông lái đò ngồi phía đò, nói với lên chòi nhỏ của mình: "Nhà còn mớ khô, gạo có sẵn, nếu đói cô cứ nấu cơm lên ăn". Cô gái lặng im nhìn ông: “Tôi không biết phải đi đâu nữa, có chuyến xe nào đi xa thiệt xa không?”. Ông lái đò buông chiếc dầm xuống nước, mắt vẫn không thôi nhìn phía động của dòng sông: “Không biết đi đâu thì cô cứ ở đây. Tôi cũng không biết đi đâu, mà ở đây cũng hơn chục năm rồi”. Cô gái mắt như không di chuyển, nghe rành rọt lời ông. Mất mấy phút sau, cô như mới hoàn hồn khi cơn đói cồn cào, vào phía sau chòi bắc bếp.

Người ta mỗi khi đi đò, vẫn không quên mang về chút câu chuyện về người đàn ông lái đò và cô vợ trẻ. Cho đến khi đứa bé con cô ra đời sau đó nửa năm, thì lời ra tiếng vào cũng bắt đầu lên đỉnh điểm. Ông lái đò nói, mùa hoa gòn năm nào cũng nở rộ, rồi khi bông gòn rụng hết, mùa mưa đến, những hạt gòn lên cây con thì mọi thứ chuyển sang một màu xanh. Cô gái lặng lẽ như một con mèo ngoan, nghe lời ông như nghe lời người xây lại cuộc đời mình từ đổ nát.

Ông lái đò năm nay đã ngoài bốn mươi, vẫn cố gắng hái từng trái gòn từ cành cây cao, cẩn thận phơi nắng cho chúng bung đầy bông trong chiếc thúng. Những lần ngồi gỡ hạt gòn, ông vẫn không thôi mỉm cười khi nhìn đứa bé trong chòi: “Mớ gòn này cũng đủ dồn ba bốn cái gối cho thằng nhỏ”. Ông vô tư nghĩ rằng, đời mình không vợ không con, nay có đứa nhỏ là con, có cô gái là vợ cũng do nơi duyên số.

Từ dạo đứa bé ra đời, người ta quên chuyện mẹ nó ra sao. Đứa bé dễ thương, ai qua đò cũng ghé nựng nó một cái, rồi dúi cho, khi thì trái cam, khi thì cái kẹo. Họ mừng vui và chúc ông lái đò có vợ trẻ đẹp, con ngoan. Một mái nhà tranh hai trái tim vàng là có thật. Ông lái đò không biết buồn vui, vẫn nụ cười năm cũ, vẫn hái những đoạn mủ gòn chảy từ thân cây đem phơi và đem bán.

Đứa bé lớn hơn chút, cuộc sống có phần chật vật hơn, mớ bông gòn, mũ gòn và tiền công lái đò không đủ lo cho gia đình nhỏ. Cô gái năm nào vẫn còn phơi phới mùa xuân. Cô không than thở trách hờn, một bữa gửi con cho chồng, đội thúng bông gòn sang sông bán, và không về nữa.

Ông lái đò táo tác tìm cô khắp nơi, đi đâu ông cũng hỏi có gặp mẹ thằng bé đâu không, tội nghiệp nó nhớ mẹ khóc quá trời. Cù lao rộng không quá một xã, đi chừng nửa ngày là giáp, nhưng người phụ nữ một lần sang sông qua cù lao, rồi mất tích là có thật. Ông thôi cuộc tìm kiếm mẹ cho đứa con sau đó một năm. Đứa trẻ thôi khóc nhớ mẹ, nó quen cảnh ngồi trong cái chòi nhỏ xíu trên chiếc đò, qua sông rồi trở lại, hằng ngày. Ông lái đò vẫn bám bến sống bằng nghề và cây gòn mọc hoang nhưng thân thuộc. Đứa trẻ lớn hơn, vừa gật gù đọc sách vừa ngồi trên bến góp tiền đò. Câu chuyện về mẹ nó cũng dần trôi, người ta quen với cảnh hai cha con nương tựa nhau nơi bến đò cây gòn vươn lên trời cao và thẳng đứng!

Sau mùa mưa, cây gòn già bỗng dưng trổ mủ nhiều gấp ba bốn lần năm trước. Đứa nhỏ mỗi khi hái mủ gòn đem bán, nó mừng vì bội thu, kiểu nào nó cũng có tiền mua áo mới đến trường. Nhưng người lớn, ba nó, biết rằng, gòn trổ mủ nhiều ắt gòn sẽ chết. Đúng như ba nó nghĩ, không lâu sau cây gòn khô đọt, héo dần và chết khô, nhưng vẫn đứng vươn những nhánh khẳng khiu vào trời.

Cây gòn không còn nữa, nhưng cái tên bến đò Cây Gòn vẫn còn nguyên vẹn đó. Một bữa có người từ phương xa, đi xe sang trọng đến ghé bến đò. Người phụ nữ và chồng, nhận đứa bé là con ruột. Cùng đi có cả luật sư. Mẹ ruột đứa bé bảo rằng, sẽ đền đáp công ơn của ông lái đò năm xưa đã cưu mang và che chở cho cô, cũng như công lao ông nuôi đứa bé suốt sáu năm trời. Nhưng đứa bé cần có cha, và nó cũng cần có một mái nhà tử tế.

Ông lái đò hỏi, như hỏi gió:

-Mái nhà tôi không tử tế hay sao?

Người đàn ông đi cùng cô gái năm nào, cười:

-Cái này gọi là cái chòi chứ nhà gì?

Cô gái lặng im không nói, không ai nói gì, ngoài tiếng khóc của đứa bé đang bị áp tải lên xe, tiếng những tờ tiền phất phơ theo gió, mà sao nghe cứa nát lòng người.

Người xóm nói, sao ông hiền quá vậy, sao ông không giành lại đứa nhỏ để nuôi. Dẫu nó không phải ruột rà nhưng dù sao công lao ông nuôi nó suốt bao năm. Có người bàn rằng, thôi vậy cũng viên mãn, đứa trẻ có nơi nương tựa đàng hoàng, ông có mấy trăm triệu trong tay, cất cái nhà, sắm cái đò thiệt ngon, rồi ở không góp tiền, có phải sướng hơn là chèo cái đò nhỏ xíu này sao?

Ông lái đò vẫn không nói gì. Ông gửi mớ tiền lại cho những người trong xóm, bảo rằng giúp ông tìm cách gửi trả cho “họ”. Ông không có gia đình, gia đình ông đã mất hết trong đợt giặc Pol Pot thảm sát ở Ba Chúc. Ông chỉ có đồng đội là anh em, năm xưa, ông ở đây sống qua ngày chờ anh em về, giờ anh em đã được quy tập về đủ, ông phải lên Dốc Bà Đắc để khói hương bầu bạn với họ. Nhưng người ta không biết, đó có phải là một lý do, mà ông nói ra để tự an ủi mình?

***

Khi vợ sinh con, tôi thường mơ thấy hàng gòn và ba đang đi về phía khói. Trên chuyến xe đò về lại nơi sinh ra, tôi tìm ba. Người ta hỏi về đâu?

-Về bến đò Cây Gòn.

-Có qua sông không bạn, qua sông thì đi đò Cây Mít, đò Cây Gòn nghỉ đưa lâu rồi nha.

-Tại sao đò nghỉ đưa?

Người ta kể tôi nghe một câu chuyện dài, bến đò vẫn còn tên đò, câu chuyện như vẫn vẹn nguyên, mà ba tôi đâu? Ông ở Dốc Bà Đắc với anh em đồng đội. Dưới tán cây gòn ba tôi trồng sau khi ông lên đó làm quản trang, bông gòn vào mùa nở trắng xóa. Ông ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay ấm cúng của những người dưng, trong lúc ông vẫn còn tôi là con, là đứa con duy nhất ở trên đời!

Trong di ảnh ba cười rất tươi. Như chính tôi đang mừng vui khi nghe đứa con mình tập đọc bài đồng dao: “Bông gòn màu trắng, làm gối cho con, cây gòn màu xanh, làm nhang cúng nội!”.

Truyện ngắn của LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-bong-gon-no-655724