Mùa cà na
Mùa cà na xưa vui lắm. Rộn ràng từ đầu trên xóm dưới. Những người đàn ông trong xóm leo lắt lẻo trên những cây cà na. Mỗi lần gió lay, người trên cây hồi hộp đã đành, người bên dưới cũng thấy thót tim.
“Chèn ơi! Trái gì giống trái cà na mình mà sao ú nu ú nần thấy cưng quá à!”. Tiếng rổn rảng của thím Ba nhà đầu xóm Bàu Cà Na làm mọi người đang ngồi bàn đám giỗ dạt ra góc sân. Ông Tư đang đem rượu ra đãi khách nói với ra: “Thì nó là cây cà na mà chị Ba, nhưng là cà na Thái nhen”.
Thấy mê chưa? Mới một năm mà lớn chừng này, cho trái chùm chùm luôn, giống cà na xứ mình có được vậy đâu. Cà na này trái to căng tròn vầy cân ký bán lợi lắm. Cà na mình bẻ mỏi cổ, mỏi tay luôn mới đầy ký.
Cây này sau mùa bói quả sẽ cho khoảng 30-40 ký trái một đợt kéo dài hơn ba tháng. Một năm thu hoạch ba lần. Có khi trái đợt này chưa hái hết đã ra bông rồi cho trái tiếp. Một ký cà na Thái giá gần gấp đôi cà na xứ mình. Tôi đang chiết cành, sẽ đốn hết vườn cà na cũ trồng mới hết.
Rồi người này người kia cứ chạy lại săm soi cây cà na giống mới ở mé rạch trước nhà ông Tư.
Bà Sáu thò tay bẻ một trái đưa lên miệng nhai nhai. Mấy bà kia ngóng coi sao. Thấy gương mặt bà Sáu như đứa trẻ đi lạc tìm lối về nhà cũ mà tìm hoài không thấy.
Rồi bà Sáu bỏ về một nước khiến bà Tư chủ nhà chạy theo hụt hơi mới gửi được mấy cái bánh ít, bánh ú đem về cho tụi nhỏ ở nhà.
*
Xẹt….xẹt..
Ầm… ầm…
Bà Sáu giật thót mình. Tim thắt lại. Mỗi nhát cưa xẹt qua bà Sáu ngỡ ai vừa cứa dao vào thịt, xuyên vào xương tủy mình. Đau nghẹn thở. Tên cây lâu ngày đã gắn với tên miệt đất này.
Dẫu chưa bao giờ được công nhận là địa danh hành chính nhưng đi đâu xa xa người ta hỏi từ đâu tới chỉ cần nói ở Bàu Cà Na là ai cũng liên tưởng một xóm mồ côi lọt thỏm giữa chằng chịt kênh rạch, rẻo đất xa xôi ngày trước chỉ có thể tới đó bằng xuồng, cà na mọc san sát bên mé rạch. Từ quốc lộ chạy vào men theo con đường nhỏ ven rạch đến khi trước mắt là chòm cây xanh um là biết sắp vào xóm Bàu Cà Na.
Nhà chú Tư đã đốn hạ toàn bộ cà na trong vườn cũ, lập vườn mới. Chú nói chừng hai năm nữa là đổi đời. Mùa vừa rồi mới có vài gốc cà na Thái đã cho hơn mười lăm triệu. Bà Sáu nhẩm tính số tiền đó không biết bao nhiêu mùa cà na mình nhà bà mới có thể có. Nhưng kệ.
Xẹt… xẹt…
Ầm… Ầm…
“Thằng Ba đâu?”- giọng bà Sáu gắt gỏng- “Ra má biểu”.
Anh con trai đang sửa điện trong nhà phải bỏ dở chạy ra.
“Nè! Má dặn mốt má có chết cũng không được theo người ta đốn cà na nhen. Chôn má ngay chòm cà na này. Sống nhờ cà na mình, chết cũng nằm dưới cội cà na mình. Má dặn rồi à”.
Rồi bà quay ra mé rạch, anh Ba không kịp nhìn giọt nước mắt rưng rưng chảy xuống những vùng da nhăn nheo lỗ chỗ đồi mồi của má.
*
Gió xao xác. Gió mơn man. Gió ve vuốt. Những cơn gió từ sông tràn vào, lia qua con rạch nhỏ cạnh nhà. Cũng là ngọn gió từ sông thổi vào nhưng hướng gió mỗi mùa mỗi khác. Giả dụ như không biết ngày tháng thì chỉ cần nghe hướng gió bà Sáu cũng biết đã đến mùa cà na.
Mùa cà na xưa vui lắm. Rộn ràng từ đầu trên xóm dưới. Những người đàn ông trong xóm leo lắt lẻo trên những cây cà na. Mỗi lần gió lay, người trên cây hồi hộp đã đành, người bên dưới cũng thấy thót tim.
Giống cà na thân dòn, dễ gãy. Đàn bà, con gái trong xóm đem cà na ra chỗ mọi nước quanh năm nước cứ dâng đầy trong vắt múc nước rửa. Rồi ngồi khía những trái cà na râm ran trò chuyện. Chuyện đông, chuyện tây, chuyện làng trên, xóm dưới...
“Xóm này không ai bảo thủ như bà Sáu hết…”- tiếng của ông hàng xóm vọng qua. Thật tình ông cũng đã cố hạ giọng xuống thật khẽ. “Ai trong xóm giờ cũng chuyển đổi qua trồng cà na Thái hết rồi mà bả cứ nhất quyết không là không. Bữa rồi tôi đưa cho thằng con một rổ đem về bả nhất định không muối, con dâu làm xong cũng nhất định không thử. Hở ra là: Bở rẹt, lãng trét. Có bả mới lãng đó”.
Bà Sáu ngồi bên nhà khía mấy trái cà na. Thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, như lời ông hàng xóm vừa rồi nói tới bà Sáu nào chứ không phải là bà. Nhưng bà nghe hết, mà đâu chỉ có ông hàng xóm, trong xóm này họ cũng nói vậy hổm rày. Bà nghĩ đi nghĩ lại rồi mỉm cười với chính mình: Bà con họ nhận xét đúng nhưng chưa thật chính xác. Mình phải là quá bảo thủ. Bà đưa trái cà na lên nhấm một miếng, nuốt cho vị chua của nó trôi qua cổ. Bà cười. Ừ, bà bảo thủ.
*
Nồi nước muối lắp xắp cà na khía đã ngâm qua đêm cho hết nhựa đang sôi liu riu. Làm món cà na muối tưởng dễ chứ không phải vậy. Xả nước chát và chua bao nhiêu nước để hợp khẩu vị là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm.
Xả nhiều quá, trái cà na mất đi vị chua chát tự nhiên ăn trái cà na nghe ngọt thớ lợ cứ như nghe một người giả tạo nói những lời ngọt ngào vậy. Còn xả chưa đủ độ thì trái sẽ chua lét, chát ngầm không ăn nổi tới trái thứ hai.
Luộc cà na với nước muối lửa phải riu riu chớ nóng vội đun lửa lớn là hỏng. Phải kiên nhẫn thử khi nào thịt trái cà na có thể vuột khỏi hạt sần sùi dễ dàng thì trút qua nước lạnh rửa lại mấy lần nước cho hết lớp muối mặn bám bên ngoài trái cà na.
Nước đường để ngâm cà na cũng phải theo một tỷ lệ nhất định, nhiều đường vị ngọt lấn át vị cà na, ít đường trái cà na ngâm không trung hòa được vị chua chát sẽ lờ lợ khó ăn.
Bà Sáu đưa tay quệt mồ hôi trán. Lửa trên bếp lép bép. Bà bớt lửa bên bếp bắc nồi nước đường rồi nhắc xuống để nguội.
Bà nâng niu nhặt từng trái bỏ vào keo đã rửa sạch hong nắng thật khô ráo. Bà cẩn thận thử lại nước đường lần nữa trước khi múc nước đường vào keo. Là múc chứ không chế nước đường ào ào để những trái cà na được cố định theo vị trí mà bà đã kỳ công xếp.
Bà thấy thương trái cà na xứ mình bởi nó thủy chung giữ lời hẹn cùng mùa nước nổi nên mỗi năm chỉ cho trái một lần khi con nước trắng đồng… cùng lúc mùa súng ma trổ bông trắng đồng, mùa điên điển hoa phe phẩy trong gió vàng hoe, mùa con cá linh… mùa của sản vật thiên nhiên hào phóng ban tặng cho dải đất ven sông.
*
- Chị không trồng đâu em.
- Chị nghĩ kỹ chưa? Mình là nông dân, trồng cây nào có lợi thì mình trồng.
- Chị biết, nhưng chị vẫn muốn giữ lại những cây cà na đó em ơi!
Cô Năm về. Cô là người cuối cùng trong xóm này chuyển sang trồng cà na Thái. Ban đầu cô cùng với bà Sáu quyết định giữ lại cây cà na giống cũ. Trong chuyến đi đám cưới ở miền Tây, cô thấy người ta trồng cà na Thái cho thu nhập cao nên đem theo về giống cây cà na mới.
Những cây cà na thấp lưng chừng đầu người lớn là đã cho trái. Trái to mọng, cân rất nặng ký lại cho trái quanh năm nên còn gọi là cà na tứ quý. Mùa thu hoạch trước cô thu được số tiền rủng rỉnh từ trái cà na Thái.
Trời mưa. Mưa như rây nước trên những hàng cà na. Mùa cà na thường cũng trùng với mùa mưa. Những lúc mưa, bà ngồi phân loại trái cà na bà nhớ nhiều về hồi trẻ. Những ngày đầu đặt chân đến đây không nằm trong chủ đích.
*
Ầm! Ầm! Ầm! Sấm rền rang, chớp giật liên hồi. Thời tiết như vậy đối với đời thương hồ như vợ chồng Sáu là chuyện thường ngày. Mưa như trút mà xuồng vẫn còn lận đận giữa dòng. Sáu nói to với chồng để lấn át tiếng mưa: “Kiếm chỗ nào tấp vào đi anh ơi! Mưa to gió lớn giữa dòng nguy hiểm”.
Anh Sáu nhìn qua màn mưa định hướng. Chỗ chòm cây cao kia là con rạch nhỏ. Anh từ từ rẽ xuồng vào con rạch nhỏ. Hai vợ chồng muốn tìm một chỗ nghỉ tạm tránh mưa to gió lớn định bụng sáng hôm sau dậy sớm lên bến Rạch Rễ. Sáng thức dậy sớm vo gạo nấu cơm để chuẩn bị lên xuống đi tiếp, Sáu thấy đau bụng dữ dội.
Anh Sáu hoảng hốt chạy vào xóm cầu cứu. Người trong xóm chạy ra nhận thấy Sáu có dấu hiệu sinh nên họ chạy kêu bà mụ đỡ đẻ tới. Người ta dựng tạm cái chòi bên bờ rạch để Sáu nằm sau khi sanh. Tới chiều Sáu mới trở dạ sinh một bé gái. Anh Sáu định đưa lên xuồng chở về quê.
Nhưng mọi người nói Sáu vừa sinh đi xa không ổn, đêm hôm giữa sông nước có gì bất trắc cho bé hay cho Sáu thì làm sao xoay trở? Bà Năm trong xóm nói anh Sáu cứ bơi xuống lên Rạch Rễ bán muối rồi quay trở lại đón vợ sau. Bà con hàng xóm sẽ thay anh đùm bọc vợ con khi anh tiếp tục đời thương hồ.
Nửa tháng anh Sáu bán xong ghe muối, khi về gần tới khúc sông đoạn rẽ qua rạch Cà Na, từ xa nhìn thấy chòm cây xanh gió lay lay, nước mắt người đàn ông diêm dân xứ biển lặng rơi. Lát nữa thôi, anh sẽ gặp lại vợ con. Đời thương hồ trôi qua nhiều bờ bến. Có khi sáng còn ở bến này, chiều đã ở bến khác, không biết bao giờ có chỗ dừng chân để sống một cuộc đời bình dị như bao người.
*
Bà Sáu nằm võng tay gác lên trán. Họ nghĩ sao mà người ta trả giá cà na mình thấp hơn cà na Thái. Đành rằng trái giống mới mọng to nhưng nếm thử sẽ xốp xộp như ăn mộng dừa đã phồng to, thịt trái không chắc, vị không đậm như trái cà na của mình. Vị trái cà na Thái lờ lợ chua không tới, chát cũng không đến đâu. Không phải lúc nào giống ngoại nhập cũng ngon hơn hay tốt hơn giống quê mình.
Người trong xóm nói bà bảo thủ cũng phải. Bà không bao giờ lên tiếng phủ nhận. Bà nghĩ mỗi giống cây có một đời sống riêng của nó. Như trái me xứ mình nó chua là đúng vị.
Người ta nói giọng người này, người kia chua như me, chua như giấm chứ có ai nói ngọt như me bao giờ; nên lần đầu ăn trái me Thái mà người ta nhập về bà cứ bảo nó là trái gì có hình dạng giống trái me chứ không phải trái me vì nó biến chất, đổi chất rồi còn gì.
Rồi mít, xoài Thái… người ta có tâm lý thích cái gì đó mới lạ, chứ mít Thái trái sai lúc lỉu nhìn rất ham chứ đâu có ngon như mít giống quê mình. Mít quê mình nhiều loại: mít dừa chín múi mít không vàng cam đẹp mắt như mít nghệ, vị ngọt cũng không đậm bằng nhưng những ai không thích vị ngọt đậm sẽ rất thích.
Những lúc đưa lên miệng cắn nhẹ múi mít, mật tươm từ múi mít ngòn ngọt sẽ làm người thưởng thức nhớ mãi. Nhưng vui nhất là ăn mít ướt, múi mít chín nhão khi ăn phải nuốt. Có những khi múi mít nghèn nghẹn nơi cổ đến chảy cả nước mắt.
Vậy mà vui, mà nhớ. Những trái cây quê nhà không cho sản lượng cao. Nhưng mỗi loại hàm chứa hương vị riêng mang tinh hoa đặc trưng của từng vùng đất không lẫn vào đâu. Mít xứ mình cũng không chín rộ mà cứ lẳng lặng chín lần lượt hết trái này đến trái khác.
Mít xứ mình lại có thể sấy khô để trữ bán. Mít Thái không thể nào sấy khô được để trữ nên những kỳ mít chín rộ phải nằn nì nhờ người ta mua hoặc phải đứt ruột đem bán đổ bán tháo. Từ dạo xoài Thái, xoài tứ quý xuất hiện, những giống xoài thanh ca, xoài voi, xoài tượng trước đây dần dần mất hút.
Những đứa trẻ như Cà Na- cháu ngoại bà làm sao còn biết được những trái mít, trái xoài xưa như thế nào, nói chi cách phân biệt từng loại như bà từng chỉ cho mẹ nó. May người ta còn giữ lại được giống xoài cát chu, xoài Hòa Lộc.
Còn việc người ta nói trái cà na ấy có trái quanh năm bà cũng không thấy gì lạ. Trước sân nhà bà cây mai tứ quý hoa vàng quanh năm. Nó cứ hồn nhiên nở, nở rồi tàn, tàn rồi nở. Những lứa hoa cứ thế, cứ thế trôi như một bài ca không cao trào, trôi trôi không ai nhớ, không ai chờ, ai đợi dù hoa vẫn vàng rực rỡ.
Không như cây mai vàng gần tết là mọi người ai cũng náo nức canh ngày trẩy lá. Chờ đợi không phải lúc nào cũng là bi kịch nếu kết quả của cuộc chờ đợi là một thành quả tốt đẹp. Mai vàng hay cà na Việt cũng vậy. Cà na Việt không trồng mà tự mọc trong môi trường tự nhiên.
Cây có sức đề kháng cao không bị sâu bệnh, do đó, người nông dân không cần phải xịt thuốc trừ sâu, hay phân bón nên sẽ không thể tốt như trái cà na Thái được chăm trồng.
Có khi giờ người ta còn có cảm giác lạ được ăn trái cà na trái mùa nhưng rồi họ sẽ quen, sẽ thấy thường như bà không bao giờ quan tâm tới cây bông mai tứ quý mà nhỏ cháu ngoại đi qua nhà hàng xóm chơi hái hột về bỏ đó tự lên cây. Rồi khi quen dần họ không còn để ý tới loại trái cây đồng nội, không còn cảm giác nhớ, cảm giác chờ một mùa nước nổi trắng đồng những cành trái cà na phất phơ trong nắng sớm.
*
Đêm. Trăng lấp ló sau vạt lá cà na. Sáu không thắp đèn. Trăng rọi đủ thắp sáng chiếc chòi lá nhỏ lợp rơm, vách được bồi bằng đất sét bện rơm.
“Anh ơi! Em muốn bàn với anh”- Sáu thủ thỉ khi bước tới nằm cạnh chồng trên chiếc giường tre bà con lối xóm cho.
“Vợ chồng mình rong ruổi suốt nửa đời rồi, làm lụng vất vả mà vẫn bấp bênh lắm. Nay mình có con. Em muốn lên bờ sống. Dẫu nghèo khó vẫn đỡ hơn. Anh thấy sao?”.
Anh Sáu im lặng. Đêm thanh vắng nghe cả tiếng anh trở mình trên chiếc vạt giường cũ kêu ken két. “Nhưng mình sẽ sống ở đâu em? Ở quê không có đất nên vợ chồng mình mới phải lênh đênh rày đây mai đó. Ghe là nhà. Mấy mùa nước là một xác ghe, mới dành dụm chưa được bao nhiêu đã đổ ra hết để sắm một chiếc ghe mới. Con lớn lên sẽ không được học hành. Mà gửi lại quê thì gửi cho ai?”.
*
Đường ra chợ ngang qua những vườn cà na tứ quý. Bà Sáu có vẻ như bàng quan không để ý tới những cây cà na giống mới đang ngày càng sinh sôi thay dần cho cây cà na mình trên vùng đất phèn mặn này. Nhưng bà cũng thấy chứ. Những cây cà na giống mới thấp thấp thôi mà oằn sai những trái to thịt căng mẩy.
Bà cũng thoáng ước ao giá cây cà na xứ mình cũng có được những ưu điểm như cây cà na Thái: trái có quanh năm, trái sai, ken dày, to mọng… Rồi bà nghĩ lảng đi. Dù chỉ một thoáng thôi cũng đủ cho bà tự thấy mình thật trơ trẽn như vừa phản bội người đầu ấp tay gối khi tơ tưởng đến người khác.
*
Sáu hết đi ra rồi đi vào, nhìn đi rồi ngắm lại cái chòi lá nhỏ xíu tạm bợ đủ hai người có nơi chui ra chui vào mà Sáu thấy vững chãi hơn chiếc xuồng bập bênh, một cuộc sống lênh đênh chìm nổi. Với ai thì sao Sáu không biết, với Sáu đây là ngôi nhà Sáu cứ ngỡ trong mơ.
Một đôi lần trong lúc nhìn nước từ rạch chảy ra mé vàm Sáu cứ ngỡ mình đang trong một giấc chiêm bao. Đưa tay khẽ chạm rồi chạm mạnh vào vách nhà đụng phải vách đất bện rơm, Sáu mới biết mình không mơ. Ngôi nhà là có thật.
Những sáng bồng con ra ngoài đón tia nắng đầu ngày xuyên qua mành lá cà na, chim chuyền cành véo von, Sáu thấy cảnh thật yên bình. Đời Sáu vậy là mãn nguyện lắm rồi không còn mơ ước chi thêm.
*
Bà Sáu ngồi ngó mông ra mé rạch. Cái chòi nhỏ xưa giờ đã là ngôi nhà ngói khang trang. Con rạch Cà Na vẫn đổ nước ra sông Vàm Cỏ. Miền quê cũ chỉ còn trong ký ức, đổi thay là chuyện không tránh được của đời người. Chỉ có vạt cà na của ngày trước vẫn còn.
Người ở quê lên thăm vợ chồng bà Sáu bằng đường sông đi bằng xuồng qua cầu Gò Dầu một chút thấy con rạch nhỏ ở hữu ngạn có chòm cây cao cao. Đó là con rạch Cà Na. Những cây cà na bao năm rồi neo ở đó vừa giữ đất không bị sạt lở vừa như ngọn đèn biển để người đi xa định hướng tìm về.
Ông Sáu không còn đi đò dọc theo sông. Đêm ngủ trên chiếc giường giật mình, quay sang hỏi vợ: “Mình đang ở bến nào?”. Bà Sáu cười rưng rưng thương chồng da diết. Mình đang ở nhà mình chứ đâu!
*
Bà Sáu nhớ những ngày muối cà na đi bán. Ban đầu người ta không mua vì chưa từng ăn cà na muối bao giờ. Bà phải bơi xuồng ra chợ huyện bán. Người ta ăn thử thấy bắt ngây muốn ăn hoài. Bà bẻ ở nhà làm không đủ bán.
Rồi ông chở bà đi dọc theo các con rạch nhỏ hái đem về nhà muối bán. Rồi bỏ mối cho các chợ vùng ven khác. Dần dà cả xóm đều làm nghề trồng cà na và muối cà na bán. Mỗi năm chỉ có một mùa kéo dài mấy tháng.
Còn lại các tháng trong năm người trong xóm vẫn đi làm thuê, làm ruộng… Những tháng mùa trái, móng tay bà thâm xì do bám nhựa trái cà na, những công đoạn vắt xả hai bàn tay long nước suốt ngày làm cho da dộp.
Nhưng đó là niềm vui vì kiếm được món tiền đầu tiên từ những cây trái của vùng đất mới ban tặng. Những món tiền có thể cỏn con nhưng chắt bóp dành dụm cũng đủ mua cho con gái cái áo lành lặn đi học với người ta, cũng đủ tiền mua được vài món ngon cho con cái mỗi khi vãn chợ trở về nhà. Nhờ nó mà ông Sáu thôi lang bạt gạo chợ nước sông, vợ chồng sum họp.
*
Sớm tinh sương, ông Sáu đứng tập mấy bài quyền trước sân nhà. Gió từ sông cái thổi vào mé rạch hiu hiu. Bà chép miệng: “Mùa cà na lại về”. Ông cười: “Nhớ mùa cà na năm đó mình tới đất này khi bà sinh mẹ con Cà Na không?”.
Bà cắp giỏ đi chợ. Người ta lót bao bố đổ cà na Thái thành từng đống. Ai cà na Thái không? Cà na Thái đi bác! Bà lướt đi miên man nghĩ. Tới mùa cà na, ông Sáu như mọi năm trèo lên bẻ, bà sẽ ngồi lựa những trái to, da căng đầy mang ra chợ bán, bà sẽ đổ cà na trên chiếc tràng đan bằng trúc.
Đứa cháu nội sẽ ghi cho bà ba chữ: “Cà na Việt”. Bà tin người ta ăn những trái cà na Thái ngọt ngào mang vị chát lơ lớ một đỗi sẽ thèm, sẽ nhớ hậu chua tứa nước miếng của trái cà na ngày cũ.
Bà sẽ giữ lại những cây cà na bên mé rạch. Để có một ai đó nhớ quay nhớ quắt kỷ niệm sẽ có chốn để quay về. Giữ lại chút kỷ niệm xưa nhờ nó đưa vợ chồng bà đến và neo lại vùng đất mới, nhờ nó bà có những buổi họp chợ với bà con xóm giềng, nhờ nó bà có chút tiền cho con cháu mỗi khi chúng về thăm. Nhờ nó mà đứa cháu ngoại tên Cà Na ở xa về thử trái cà na ngào đường trong hũ keo bà đặt bên chạn bếp nói: “Cà na ngoại làm ngon ác!”.
Bà mỉm cười. Ừ bà bảo thủ.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mua-ca-na-a153602.html