Mùa cà phê
Bất kể là vào mùa nào đi chăng nữa thì cái không khí rạo rực của cụm từ 'vào mùa' cũng khiến ta liên tưởng đến việc hưởng thụ thành quả lao động sau những tháng ngày vất vả. Tây Nguyên của tôi cũng đang rạo rực như vậy, không chỉ là mùa dã quỳ, mùa cỏ hồng mà là mùa của ngược xuôi tất bật trong mùa thu hoạch cà phê.
Cách đây khoảng 1 tháng, nhiều gia đình đã túc tắc ra vườn rẫy nhưng chỉ là thu hái đợt cà phê chín sớm, tranh thủ hái trước chứ không là khi vào mùa, cây sẽ bị chín quá và tự rụng quả. Quả cà phê lúc này ít chín đỏ mà chỉ hơi hanh vàng hoặc cam đỏ thôi, cứ từng chùm, từng chùm trĩu quả nối nhau đến tận cành lá non mới ngừng lại. Thu hoạch đầu mùa không nhiều, một ngày chỉ vài bao đổ lại. Cái khoảng sân đã được cào cỏ, quét dọn sạch sẽ, trải bạt ra, người đi hái về vừa trút xuống là người ở nhà tranh thủ cào cà phê ra phơi ngay. Phải tranh thủ nắng, tranh thủ sân đang còn rộng, tranh thủ cà phê đang còn ít phơi cho chóng khô. Chứ đến lúc vào mùa thì sân nhà nào nhà nấy đều đầy ắp cà phê, sợ phơi không kịp, cứ phải đổ xếp lớp dày rồi canh trở rất mất công.
Thế rồi ào một cái, cà phê chín. Không còn mùi thơm ngào ngạt tinh khôi như khi ra hoa, những quả cà phê đã chín đỏ. Cây trĩu cong cành xuống hố, những phiến lá xanh to không thể che giấu được màu quả mà lại như đang làm nhiệm vụ tôn lên những chùm quả cà phê dần đỏ mọng lên từng giờ theo cái nắng hanh hao của mùa khô. Vào mùa, nhà nhà tất tả đi tìm công, gọi công, rồi đổi công. Đây là công đoạn rộn ràng và cũng chật vật nhất, bởi vào mùa rồi thì bao nhiêu nhân công cho đủ, huy động cả người nhà, tìm người làm theo ngày, theo mùa mà nhiều lúc còn không ra. Cà phê thường chín đồng loạt nên công theo mùa vụ phải huy động rất nhiều, một số gia đình cứ đến mùa là lại nhờ anh em ở dưới quê lên giúp. Cái cảnh thường thấy nhất trong mùa cà phê ở Gia Lai chính là người lớn đồng loạt vào rẫy cắm chốt để thu hái, để coi công, để phơi phóng luôn trong khu nhà rẫy đến khi xong mùa mới trở ra. Chính vì thế, những ngôi nhà vào mùa chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ tự chăm sóc lẫn nhau.
Không khí vào mùa cà phê nhộn nhịp nhất là ở trong những khu rẫy, san sát, liền kề. Tan sương là cả đoàn người kéo ra rẫy, người giăng bạt, tỉa cành, người bắc thang, người tuốt quả, cứ thế, nhịp nhàng và rôm rả chuyện trò. Xong cây này, lại kéo bạt qua cây khác, bạt đầy thì vơ lá, nhặt cành, trút quả vào, đóng bao. Nói thì nghe nhanh và nhẹ nhàng vậy, chứ việc thu hái cà phê khá mệt nhọc vì ở những cành dày quả, kiến và sâu là 2 loài vật dễ đụng nhất mùa, mỗi khi tuốt quả thì kiến lại ùa ra, ngứa rân. Thế nên phải che chắn, phải mặc áo dài tay, trùm mũ, mang khẩu trang để đỡ bụi, đỡ kiến, những đôi bao tay dày cộp mới đầu tuốt quả còn êm tay, tuốt xong 1 ngày đôi bao tay nào cũng bung sợi, để ngày sau lại phải lồng thêm đôi nữa. Nhịp điệu ngày mùa cứ thế tiếp diễn cho đến cuối ngày, cuối mùa…
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202012/mua-ca-phe-5713574/