Mùa chưa xa

Gió giật mạnh. Gió trườn rào rạt qua mọi ngóc ngách. Những tán cây bên đường nghiêng ngả. Trời đổ mưa, những hạt mưa nặng trĩu, xăm xăm hắt vào mặt rát rạt. Những chiếc xe trùng triềng qua đoạn dốc cao ngược gió. Thắm gồng người cố cầm chắc lấy tay lái để không bị mất lái.

Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm, từ đầu tháng những cơn mưa cứ nối nhau không ngớt. Mỗi ngày, trời chỉ hửng được chút ánh sáng là lại đen kịt. Theo dự báo thời tiết thì năm nay bão nhiều. Nhà nông chỉ nghe có thế thôi là lòng nóng như lửa. Lúa mới trổ đòng, nếu mưa to, lũ lớn thật thì mất trắng.

Thắm cởi chiếc áo mưa tiện lợi đã rách bươm giắt lên vách, nhẹ tay đẩy hé cửa rồi nghiêng người lách vào nhà, con trai Thắm mắt đã díp lại nhưng nghe tiếng động thì sực tỉnh, vơ vội chiếc quạt, phẩy phẩy liên tục để than rực thêm. Đêm nào cũng thế, hai bà cháu đều đợi cho đến khi Thắm trở về. Cô sà đến bếp, hơ đôi bàn tay nhăn nheo vì dầm nước áp lên má, thằng bé ướm chân mình lên đôi chân lạnh tướp của mẹ, những viên than hồng cứ thế tỏa hơi ấm áp trong căn nhà nhỏ.

- Mẹ có lạnh lắm không?-Thằng bé hỏi.

- Mẹ không!

- Mẹ phải mặc ấm mỗi khi ra ngoài!

Thằng bé thường nói những câu giống hệt bố. Minh dạy con tự lập từ bé, có lẽ thế mà trông thằng bé lúc nào cũng như già hơn mấy tuổi, nhất là từ ngày Minh xa mẹ con cô, thằng bé luôn thể hiện mình là đàn ông, là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho bà và mẹ, mặc dù nó vẫn là đứa trẻ.

Mẹ chồng cô lặng lẽ lên giường.

Minh họa: MAI MINH.

Minh họa: MAI MINH.

Thắm cũng thay đồ rồi nằm xuống cạnh hai bà cháu. Bên ngoài, gió vẫn rít ran từng hồi. Mưa càng lâu càng mù mịt, mưa tuôn xối xả lên mái nhà phát ra thứ âm thanh như ai đang nện búa trút giận.

Gió len qua những vách hở táp vào da thịt, Thắm rùng mình kéo chăn lên cao hơn.

- Mùa năm nay lại mất trắng!-Mẹ chồng cô nói.

- Mong là đêm nay mưa ngớt, nước rút!

- Mưa thế này chắc cái hồ vỡ mất. Nuôi mãi mới được chục cá để tết...

- Nhà mình cao chắc không sao đâu mẹ!

Nói thế nhưng Thắm cũng chẳng thể yên tâm mà ngủ, cô nằm lật qua lật lại một lúc rồi vén màn dậy.

- Giờ này còn đi đâu?

- Con ra xem hồ cháo thế nào?

- Mưa gió thế này...

Khi mẹ chồng chị chưa dứt câu thì Thắm đã đẩy cửa đi. Ngoài trời mưa vẫn trút ào ạt, chị đội chiếc đèn soi lên đầu rồi ra sức cuốc đất đổ vào những chiếc bao cám cò, chất thêm lên mép hồ để phòng đêm mưa to, nước dâng. Không yên tâm, Thắm giăng thêm lớp lưới chung quanh, nếu lỡ có vỡ hồ thì cá cũng vướng lưới không ra được. Là Thắm nghĩ thế chứ lũ mà đã tràn qua thật thì cá nào giữ được. Xong đâu đó, chị trở vào.

Tự dưng Thắm thèm một bờ vai để tựa, thèm bàn tay đàn ông để cùng cô đỡ đần đến nhường nào. Cứ mỗi mùa mưa về, lòng Thắm lại nhói đau như có ai đó đâm kim vào tim. Mùa mưa năm ấy ngót mười năm rồi nhưng vẫn hiển hiện trong trí nhớ Thắm như mới vừa hôm qua thôi. Anh đã hẹn kỳ nghỉ phép vào mùa xuân sẽ đưa cả nhà về quê ngoại, cùng đi du lịch động Phong Nha, tắm biển Nhật Lệ, ghé thăm Vũng Chùa, suối nước nóng Bang… cùng nhau thăm thú mảnh đất Quảng Bình để con trai hiểu thêm về quê mẹ. Ấy vậy mà, anh chẳng kịp trở về.

Sáng ấy, ở nhà Thắm và mẹ đang dọn lại sân vườn sau đêm mưa bão, anh vừa dứt ca trực ở chốt, gọi điện về dặn dò Thắm và hỏi han tình hình như bao ngày.

Nơi anh công tác, tiết trời se sắt lạnh. Không gian đặc quánh lại bởi gam màu nhờ nhờ bạc đục ôm trùm lấy cây cỏ. Đường từ đồn xuống các trạm, chốt tuy được rải bê tông nhưng vẫn bết dính đất đỏ bởi những cơn mưa nối nhau không ngớt, những đôi giày của chiến sĩ sau đêm tuần tra nặng thêm bởi lớp bazan quện dính.

Trên đường từ chốt trở về đồn, Minh ghé qua quán của cô Lâm lấy bao gạo mấy hôm trước nhờ cô mua hộ khi xuống thị xã. Gọi là quán nước nhưng thực ra chỉ là cái chòi vách bằng gỗ, mái che tạm bằng tôn cũ trám những mảnh bạt xanh, cô Lâm dựng lên để bán nước, thuốc lá, mấy thứ lặt vặt… cho anh em cán bộ ở các trạm, chốt, công nhân cao su…

Mỗi tháng anh đều nhờ cô Lâm mua giùm anh bao gạo, mì tôm cùng ít đồ dùng, sách vở học sinh… Có lần cô Lâm tò mò hỏi:

- Cậu là sĩ quan, ăn cơm đơn vị rồi còn mua gạo để làm gì?

Minh chỉ cười trừ rồi chào cô đi.

Minh chở cậu lính ôm bao gạo và thùng mì vòng qua mấy con đường lầy lội, thi thoảng chiếc xe Dream bị xốc ngược lên bởi ổ gà ngập nước, anh dừng lại trước ngôi nhà lọt thỏm cuối vườn cao su. Nhìn thấy Minh, bà lão đang sưởi ấm bên bếp lửa cuối góc nhà đứng vội dậy.

- Thằng Quân đâu rồi má?

- Nó đi mót mủ từ sớm vẫn chưa về!

- Má coi nhắc nó học hành, có gì con phụ thêm, mưa gió thế này đừng đi ra ngoài!

- Má nói mà nó hổng chịu nghe. Nó bảo thương bố Minh lắm!

- Để hôm nào con nói chuyện với nó. Giờ con phải về đơn vị rồi. Gạo và mì con để đây, má coi ăn uống vào nhé!

Trên đường về, Minh kể cho cậu chiến sĩ mới nghe về bà cháu mà anh vừa gặp. Đó là gia đình đã cưu mang giúp đỡ anh trong lần anh đi rừng gặp nạn. Anh nhận thằng bé làm con nuôi khi bố mẹ nó qua đời. Có lần cũng vì chuyện này mà Thắm đã hiểu nhầm và giận anh đến mấy ngày. Lần đó, Thắm lên đơn vị chơi, thằng bé gọi điện cho anh khi anh ra ngoài, Thắm nghe máy. Thằng bé vô tư hỏi bố Minh đâu. Thế là Thắm không nói không rằng đưa con về thị xã, cả tuần trời anh không biết lý do. Cho đến khi anh mang gạo đến thăm hai bà cháu thì nghe thằng bé kể lại chuyện gọi điện và gặp Thắm. Cũng may sau bữa ấy, anh được nghỉ tranh thủ nên có dịp giãi bày với vợ cặn kẽ hơn.

Những cơn mưa cứ thế trút tầm tã xuống mặt đất, Minh cố giữ chắc tay lái qua những đoạn đường ngập nước, về đến đơn vị cũng là lúc Minh nhận được lệnh tập trung để tăng cường giúp dân phòng, chống lũ khi anh chưa kịp ăn bữa sáng.

Nước sông Sê San liên tục dâng, đập thủy điện phải xả lũ để phòng vỡ đập. Mưa vẫn không ngớt, nước từ rừng cứ thế đổ về, gió giật mạnh, hàng loạt cây cao su bị đổ gãy cản trở đi lại. “Lớp mầm non ban đêm của đội 15 ở phía bên kia chốt đang bị cô lập vì nước dâng đột ngột, một phần mái bị tốc. Hiện có ba cô giáo và mười sáu cháu bé đều là con của những cặp vợ chồng trẻ làm công nhân cao su trên địa bàn đang mắc kẹt trong đó. Tất cả đều không biết bơi”. Cấp dưới báo cáo. Minh chỉ thị dứt khoát: “Hướng dẫn cô giáo trấn an các cháu, kê thêm bàn ghế để phòng nước tràn vào lớp, dâng cao!”.

Những chiến sĩ dầm mình dưới mưa, áo mưa quân dụng được cởi ra để nhường cho bà con, các anh khoác tạm những chiếc áo mưa tiện lợi, chỉ một chốc là rách bươm, ai nấy người sũng nước. Các chiến sĩ được phân nhóm ra để làm nhiệm vụ, giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, xử lý cây cối gãy đổ thông lưu đi lại, đặc biệt là tiếp cận nhóm trẻ và ba cô giáo. Cánh cửa nơi lớp mầm non đang cô lập bị cây đổ xuống chèn cứng không mở được. Minh bắc thang, luồn người qua chỗ bị tốc mái. Bên trong, cô giáo và các em nhỏ đang đứng trên bàn chờ lực lượng ứng cứu. Thấy Minh, bọn trẻ òa lên khóc to hơn, các cô giáo cũng khóc. Anh trấn an mọi người rồi từ từ đưa từng em bé ra ngoài. Còn một cháu bé cuối cùng nữa là tất cả đều an toàn. Nhưng khi Minh vừa luồn người ra được bên ngoài và đang định nhảy xuống thì bất chợt tiếng sét mạnh xé toạc ngang trời, bổ dọc xuống dãy cây kế bên, luồng nước mạnh cuộn xiết đập vào cánh cửa, khúc gỗ bị kẹt ngang nơi cánh cửa lớp học văng bật về phía chiến sĩ đang đỡ em bé từ tay Minh. Anh bật người, lấy hết sức bình sinh nhảy xô về phía chiến sĩ của mình, khúc gỗ đập vào sống lưng anh. Minh ngã xuống, đồng đội kịp đưa anh thoát ra khỏi vùng nước thì anh cũng vừa ngất lịm đi.

Ở nhà, mẹ Minh và Thắm vẫn đang cố gắng neo lại mái hiên vì sợ gió mạnh tốc mái.

Đến giữa trưa thì trời ngớt mưa, nước rút từ từ. Thắm nhận được điện thoại từ đơn vị chồng.

Căn nhà nhỏ mỗi lúc một đông người. Đồng chí chỉ huy trưởng và đồng đội đứng lặng yên trước linh cữu Minh. Phía trong, Thắm đứng cạnh người thân, hàng xóm bế con trai anh bên cạnh, thằng bé tay ôm chiếc xe tăng kết bằng vỏ đạn, có ai đó lay vai Thắm “em hãy cứ khóc đi!”, nhưng Thắm chẳng thể nào khóc được.

* *

*

Mùa xuân rải những tia nắng vàng ngọt xuống sân. Cậu con trai mười hai tuổi nhưng nom rất chững chạc đang dìu bà nội ra sân, cậu kéo chiếc ghế ngay ngắn rồi từ từ đỡ bà ngồi xuống. “Sưởi nắng vào buổi sáng rất tốt đó nội!”. Thường ngày, cậu bé vẫn giúp mẹ chất những bắp cải, su hào… vào sọt để xuống chợ. Thắm ngồi cộng tính sau khi trở về từ chợ đêm, cô nhìn vào trong, nơi gian giữa căn nhà, tấm vải đỏ phủ tấm ảnh chân dung người đàn ông có khuôn mặt chữ điền được vén lên từ lúc nào. Căn nhà nhỏ như ấm hơn bởi nụ cười trên môi người đàn ông trong di ảnh.

Thắm đã đi qua bao mùa lũ từ ngày vắng Minh nhưng mùa lũ năm ấy, khi cô và người thân đang chèo chống mưa lũ ở quê nhà thì nơi biên giới xa xôi người đàn ông của cô-Minh đã mãi mãi nằm lại để nhường sự sống cho chiến sĩ và em bé tầm tuổi con anh. Mùa lũ ấy mãi là ký ức chẳng thể nào phai nhòa.

Hằng ngày, con trai Thắm vẫn thường mang xe tăng, ống nhòm… những món đồ chơi được bố kết từ vỏ đạn ra ngắm nghía, lau chùi, rồi lại cẩn thận cất giữ.

- Lớn lên, con sẽ là lính biên phòng như bố!

Ngoài ngõ, tiếng gọi bà, gọi mẹ, gọi em trai tíu tít vọng vào-cậu bé con nuôi Minh về thăm Thắm. Thắm cười. Nụ cười hiền ánh lên những hy vọng trong cái nắng đầu xuân chớm nở. Mùi hoa tường vi tỏa hương dìu dịu len lỏi khắp khoảng sân...

Truyện ngắn của TRƯƠNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-chua-xa-618487