Mua chung cư sẽ không còn được sở hữu vĩnh viễn?

Chính phủ đề xuất phương án duy nhất về sở hữu chung cư có thời hạn. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất thời hạn sở hữu chung cư.

Khác với các dự thảo đưa ra trước đây của Bộ Xây dựng đề xuất nhiều phương án, tại dự thảo luật lần này, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn.

Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn (Ảnh: Hoàng Hà)

Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn (Ảnh: Hoàng Hà)

Tờ trình Chính phủ cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng mà không còn đủ điều kiện an toàn thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, thời gian quan việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn, do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.

"Cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư", tờ trình Chính phủ nêu.

Theo dự thảo, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định được ghi rõ trong văn bản thẩm định.

Cũng theo dự thảo, chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phá dỡ sẽ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải đóng góp kinh phí xây dựng chung cư mới.

Dự kiến, ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21.

Được biết, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây tiếp tục có văn bản góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo HoREA, vẫn còn một số quy định bất cập, chưa phù hợp, điển hình như việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ không phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai. Đồng thời, quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng cũng không phù hợp, vì không thể đồng nhất “thời hạn sử dụng nhà chung cư", tức tuổi thọ nhà chung cư với “quyền sở hữu nhà chung cư”.

Vừa qua, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà ở sửa đổi, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ VN) cho rằng, không thể đánh đồng những nhà chung cư xuống cấp, do Nhà nước cho cán bộ thuê, mua lại với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp qua thị trường, được Nhà nước xác nhận quyền sở hữu hợp pháp. Do không thể đánh đồng nhà chung cư cũ với nhà chung cư xây dựng, mua, bán theo cơ chế thị trường nên cần có chính sách riêng cho 2 đối tượng này.

Một số chuyên gia cho rằng, thời hạn sở hữu nhà chung cư có liên quan mật thiết đến thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư, nên luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản phải thống nhất với bộ luật lớn hơn là luật Đất đai để tránh chồng chéo, không đồng nhất.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mua-chung-cu-se-khong-con-duoc-so-huu-vinh-vien-2120226.html