Mùa chuyển nhượng nhân sự tại làng thời trang xa xỉ
Hàng loạt thay đổi nhân sự lớn tại các thương hiệu danh tiếng đang từng bước tái định hình làng thời trang xa xỉ thế giới, mở ra một kỷ nguyên đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội mới…
Ngay từ năm 2024, ngành thời trang đã chứng kiến những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo tại nhiều nhà mốt danh tiếng, báo hiệu một kỷ nguyên chuyển mình của lĩnh vực xa xỉ.
Tiếp theo đó, được coi là một giai đoạn đầy thách thức, chuỗi các cuộc bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới và sự ra đi đột ngột của những tên tuổi lớn thậm chí còn tăng tốc và trở nên phức tạp hơn kể từ tháng 12/2024. Và cho đến nay, năm 2025 cũng bắt đầu với vô số thay đổi bất ngờ.
Kim Jones rời Dior
Chỉ vài ngày sau Tuần lễ Thời trang Paris, NTK Kim Jones đã từ chức giám đốc sáng tạo tại mảng menswear của Dior vào ngày 31/1/2025.
Kim Jones gia nhập Dior vào năm 2018 sau một quãng thời gian dài làm việc tại Louis Vuitton. Vào năm 2020, ông thay thế NTK Karl Lagerfeld để lãnh đạo bộ phận thời trang nữ của Fendi. Vị trí này đã hiện bỏ trống kể từ tháng 10 năm ngoái và vẫn chưa có người mới. Tuy nhiên, Maria Grazia Chiuri được cho là sắp ký hợp đồng để trở thành giám đốc sáng tạo haute couture và prêt-à-porter của Fendi.
Vào năm 2021, Kim Jones đã được trao tặng giải Chevalier de la Légion d’Honneur tại Paris - danh hiệu dân sự cao quý nhất của Pháp.
Jack McCollough và Lazaro Hernandez rời Proenza Schouler
Đầu tháng 1/2025, cả Jack McCollough và Lazaro Hernandez cũng thông báo rời Proenza Schouler. Quyết định này đã để lại một khoảng trống lớn tại Proenza Schouler và việc tìm kiếm người kế nhiệm cho thương hiệu vẫn đang là một chủ đề được thảo luận sôi nổi.
Cả hai sẽ vẫn là cổ đông và tiếp tục làm cố vấn trong ban giám đốc công ty.
Jack McCollough và Lazaro Hernandez đồng sáng lập Proenza Schouler vào năm 2002 và từng bước gây dựng nó thành một tên tuổi nổi bật trong ngành thời trang Mỹ với phong cách hiện đại và kỹ thuật thiết kế đầy tinh tế.
Glenn Martens trở thành giám đốc sáng tạo của Maison Margiela
Sự xuất hiện của Glenn Martens dự kiến sẽ mang lại nguồn năng lượng mới cho Maison Margiela, đặc biệt nhờ vào khả năng sáng tạo haute couture có 1-0-2 và mục tiêu tôn vinh di sản tiên phong của Maison Margiela.
Glenn Martens sẽ vẫn tiếp tục giữ chức giám đốc sáng tạo tại Diesel.
Matthieu Blazy trở thành giám đốc nghệ thuật của Chanel
Vào ngày 12/12/2024, Chanel thông báo bổ nhiệm Matthieu Blazy làm giám đốc nghệ thuật mới để thay thế Virginie Viard, người đã ra đi vào tháng 6/2024. Matthieu Blazy sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại Chanel vào đầu năm 2025 và ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào tháng 10.
Ông Blazy trước đây đã có “hồi sinh” Bottega Veneta với những thiết kế đổi mới và trẻ trung, đưa những chiếc túi Intrecciato biểu trưng của nhà mốt này trở lại với công chúng và được đón nhận nồng nhiệt. “CV” ấn tượng Matthieu Blazy phải kể đến các vị trí quan trọng tại Raf Simons, Maison Margiela và Celine.
Alessandro Michele trở thành giám đốc sáng tạo của Valentino
Alessandro Michele, người đã rời Gucci vào năm 2022, tiếp quản vị trí giám đốc sáng tạo tại Valentino kể từ 2025.
Sở hữu triết lý thiết kế lạ mắt nhưng đầy tính lãng mạn, Alessandro Michele được xem là một lựa chọn hoàn hảo với giá trị di sản truyền thống của Valentino, như những gì đã được thấy trong bộ sưu tập ra mắt đầy bất ngờ của ông tại Valentino vào ngày cuối cùng của Tuần lễ Thời trang Thu/Đông Milan 2024.
Michael Rider trở thành giám đốc sáng tạo của Celine
Vào tháng 10/2024, Celine thông báo bổ nhiệm Michael Rider làm giám đốc sáng tạo mới, thay thế cho Hedi Slimane.
Ông Rider trước đây là giám đốc thiết kế tại Celine dưới sự dẫn dắt của giám đốc sáng tạo Phoebe Philo từ năm 2008 đến 2018, có đóng góp to lớn cho lối phong cách tối giản đặc trưng của thương hiệu. Sau đó, Michael Rider gia nhập Ralph Lauren.
Sự trở lại của ông Rider tại Celine dự kiến sẽ mang đến một tầm nhìn mới, nhưng đồng thời vẫn kết hợp sâu sắc với di sản lâu đời của thương hiệu.
Sarah Burton trở thành giám đốc sáng tạo của Givenchy
Sarah Burton đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo mới của Givenchy, với bộ sưu tập đầu tiên dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 3/2025. Bà Burton, được ca ngợi với những thành tựu tại Alexander McQueen - bao gồm thiết kế chiếc váy cưới cho Công nương Anh Kate Middleton - dự kiến sẽ mang đến một làn gió mới cho Givenchy.
Việc bổ nhiệm của bà theo sau sự ra đi của Matthew Williams vào tháng 12/2023 và là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao sự hiện diện của các giám đốc sáng tạo nữ tại các nhà mốt xa xỉ lớn.
Haider Ackerman trở thành giám đốc sáng tạo của Tom Ford
Haider Ackermann đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo mới của Tom Ford. NTK Ackermann, nổi tiếng với những thiết kế thanh lịch đầy nét uyển chuyển tại thương hiệu eponymous của mình và Berluti, hứa hẹn sẽ giữ nét thẩm mỹ tương đồng với bản sắc sang trọng của Tom Ford.
Ông cũng đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu áo khoác mùa đông cao cấp Canada Goose.
Julian Klausner trở thành giám đốc sáng tạo của Dries Van Noten
Julian Klausner đã được thăng chức thành giám đốc sáng tạo tại Dries Van Noten, sau khi người sáng lập nghỉ hưu.
Ông Klausner, thành viên của đội ngũ thiết kế Dries Van Noten từ năm 2018, được kỳ vọng sẽ duy trì thẩm mỹ đặc trưng của thương hiệu với những hiểu biết sâu sắc về bản sắc của nó, đồng thời giới thiệu tới công chúng tầm nhìn độc đáo của riêng mình.
Louise Trotter trở thành giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta
Nhà mốt xa xỉ Bottega Veneta của Italy đã bổ nhiệm Louise Trotter làm giám đốc sáng tạo mới kể từ tháng 1/2025.
Louise Trotter, người từng làm việc tại Carven và là giám đốc sáng tạo nữ đầu tiên của Lacoste, từ lâu đã được biết đến với phong cách thiết kế hiện đại, thực tế nhưng không kém phần lạ mắt, độc đáo. Dưới sự dẫn dắt của bà, Bottega Veneta được kỳ vọng sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, tập trung nâng cấp di sản thủ công tinh xảo làm nên tên tuổi thương hiệu.
Jonathan Anderson rời Loewe và gia nhập Dior?
Đây có lẽ là tin đồn được chú ý nhất trong thời gian qua tại làng thời trang thế giới.
NTK Jonathon Anderson đã trở thành giám đốc sáng tạo của Loewe từ năm 2013 đến nay và chưa từng chuyển đi nơi khác. Ông đã có công “hồi sinh” lại Loewe và đưa thương hiệu đến với đỉnh cao danh tiếng. Loewe dưới bàn tay của Anderson được yêu thích bởi sức hút độc đáo, lối kể chuyện thông minh trong các thiết kế cũng như kỹ thuật chế tác công phu.
Do đó, nhiều người đã tỏ ra hết sức bất ngờ khi xuất hiện những lời đồn đoán xung quanh việc Jonathan Anderson rời Loewe và gia nhập Dior, nơi ông có thể thay thế Kim Jones ở mảng menswear hoặc Maria Grazia Chiuri ở mảng womenswear.