Mùa của hồi phục và chánh niệm đã về
Mặc cho nhiều người cảm thấy mùa thu là dấu hiệu của sự kết thúc, các nhà khoa học chỉ ra rằng đây mới là thời điểm đẹp nhất để hồi phục tâm hồn và thực hành chánh niệm.
Đối với một số người mắc chứng trầm cảm theo mùa nhất là những tháng mùa đông, họ sẽ bắt đầu có triệu chứng vào mùa thu. Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người thích "nhai lại quá khứ" hoặc nghĩ nhiều có thể dễ mắc trầm cảm vào mùa thu hơn mùa đông.
Theo các nhà tâm lý học, con người khó chịu vào mùa thu vì khó chịu với những thay đổi và lo lắng về những sự không chắc chắn sắp tới. Họ tiếc cho cho ánh sáng mặt trời, cây cối xanh tươi và thời tiết ấm áp trong mùa hè trước đó.
Nhưng mùa thu không hẳn đều không tốt, theo bài viết trên New York Tím với tên gọi Fall Is the Season for Building Mindfulness and Resilience (tạm dịch: Mùa thu là mùa bắt đầu chánh niệm và hồi phục). Mùa thu vẫn có những ngày rực rỡ màu bí ngô và sự ấm áp từ những chiếc áo len. Trong không khí se lạnh con người còn có thể cảm nhận được điện xẹt qua.
Còn gì hơn là để tâm hồn được hồi phục và mỗi người có thể thực hành chánh niệm.
Mùa của sự phục hồi
Theo New York Times, phục hồi hay tính đàn hồi là khái niệm chỉ khả năng thích ứng với những thử thách của cuộc sống.
Jelena Kecmanovic, người sáng lập Viện Trị liệu Hành vi Arlington, cho biết mùa thu khiến cô nhớ về những cuộc khám phá ngọn núi ở quê nhà Nam Tư (cũ). Kecmanovic đã trải qua 20 năm đầu đời tại đây, trong suốt thời kỳ thịnh vượng của đất nước này. Tuy nhiên, vào những năm 1990, cô phải chạy trốn khỏi quê nhà vì cuộc vây hãm kéo dài 4 năm.
Theo tiến sĩ Kecmanovic, mùa thu là mùa mà con người có thể làm việc để đón nhận cảm giác bất an có thể có khi rời xa thời tiết ấm áp ưa thích.
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng con người có thể lo lắng rất nhiều về sự thay đổi, sự kết thúc của một điều, sự khởi đầu của điều khác và cái chết của chính họ. Các chuyên gia gọi đó là chứng khó chấp nhận sự bất định. Lần đầu tiên được đặt tên vào những năm 1990 bởi một nhóm các nhà tâm lý học người Canada, kể từ đó, chứng này được xác định là một nguy cơ đối với những người sức khỏe tâm thần kém.
Nhưng chứng khó chấp nhận sự bất định là một phần của con người. Ai cũng mắc phải chứng này ở mức độ nào đó.
Kelly Wilson, giáo sư tâm lý học danh dự tại Đại học Mississippi, cho rằng tránh đau khổ chỉ tạo ra đau khổ. Anh khuyến khích mọi người chấp nhận đối mặt với những khó chịu thay vì phủ nhận hay chạy trốn chúng. Bên cạnh việc là một giáo sư tâm lý học, Wilson còn là người đồng phát triển phương pháp điều trị tâm lý bằng cách chấp nhận và cam kết.
"Con người cũng có thể phục hồi nhờ những cảm giác thích thú đến từ việc trải nghiệm điều gì đó mới mẻ hoặc không chắc chắn", tiến sĩ Kecmanovic bổ sung.
Theo cô, con người có thể học cách chấp nhận những sự chênh vênh bằng cách dẹp bỏ thói quen và kế hoạch như đạp xe qua một con đường chưa từng đi qua mà không có bản đồ, lên đường tìm một chỗ ngắm sao trong đêm thu dài đằng đẵng hoặc đi dạo vào một ngày trời có thể mưa.
"Bạn có thể bị lạc, bị ướt hoặc không ngắm được sao. Bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái và lãng phí thời gian nhưng những khoảnh khắc đó sẽ giúp bạn xây dựng khả năng chấp nhận với những gì xảy ra bất ngờ hoặc không thể kiểm soát trong tương lai", cô Kecmanovic so sánh cảm giác này như cảm giác biết mình được sống sau ngày tận thế.
Mùa của chánh niệm
Một cách khác được các chuyên gia khuyến khích giúp xoa dịu chứng trầm cảm theo mùa là hãy cứ lùi lại và đơn giản là ngắm nhìn thế giới xung quanh, như ngồi trên ghế đá công viên ngắm cây rụng lá.
Tiến sĩ Kecmanovic cho rằng đó là một ví dụ về sự thiền định có thể giúp xoa dịu tâm hồn trong thời gian ngắn và đưa tâm hồn vào một góc nhìn rộng hơn.
Đối với Jana Long, người đồng sáng lập Liên minh các giáo viên Yoga đen ở Baltimore, mùa thu là thời điểm dành cho samyama, một khái niệm yoga chỉ thực hành thiền quan sát một đối tượng và trở nên say mê với nó.
Có khi cô nhìn vào đám cỏ sau lần cắt cỏ cuối cùng của năm và dành thời gian suy nghĩ xem điều đó có ý nghĩa gì đối với cây trồng. Khi khác, cô lại tưởng tượng những bông hồng trong vườn của mình cần gì và sẽ thay đổi như thế nào khi chuẩn bị cắt tỉa chúng trước mùa đông.
Theo cô Long, trong những thời điểm như vậy, quan trọng là phải ngừng suy nghĩ, phân tích hoặc độc thoại về công việc, rắc rối hoặc mấy thứ xung quanh.
Một giáo viên đã từng thể hiện ý tưởng này với cô bằng cách đặt một cốc nước trên bàn và bắt đầu nói về nó.
"Ban đầu anh ta nói anh ta thích nó, anh ta muốn có nó. Sau đó anh ta thấy nó xấu xí nhưng vẫn nói rằng muốn có nó. Đó là luyện tập samyama", cô Long kể.
Loại chánh niệm này đã được nhiều lần chứng minh có tác dụng giảm căng thẳng và tăng cường hạnh phúc. Nó có thể nâng cao sức bền, sự tập trung và giúp con người đối đầu với thế giới bất trắc ngoài kia.
Đối với một số người, việc thực hành chánh niệm có thể thay đổi cách họ nhìn nhận cuộc sống. Đối với hầu hết con người, nó chỉ đơn giản là một công cụ hữu ích để tìm cảm giác bình yên khi cần.
Nó cũng hoàn toàn phù hợp cho một ngày mùa thu mát mẻ, khi những ngày cuối năm đang đến gần và thế giới xung quanh đang thay đổi.
"Đối với tôi, mùa thu cũng là thời điểm tôi nhìn lại mình đã thu hoạch được những gì trong năm qua", Larry Ward, một giáo viên thiền, cho biết
Và để làm điều này, con người phải giữ lại toàn bộ ký ức và không tự phán xét bản thân, dù nó tốt hay xấu.
Ví dụ, tiến sĩ Wilson nói rằng anh đã hành xử không hay trong lần gặp anh trai cuối cùng trước khi qua đời. Nhưng thay vì xóa ký ức đó đi, anh ấy giữ nó như một phần của mối quan hệ anh em.
“Tôi giữ cái gai để giữ bông hồng", anh nói.
Mùa thu có lẽ sẽ luôn gợi ý nghĩ về chết chóc trong đầu con người, nhưng giữ nó lại hay không mới là quan trọng.
"Nếu bạn cứ luôn trốn tránh những cảm giác tiêu cực, bạn cũng có thể cắt phăng tình yêu, sự trù phú và sự ngọt ngào. Cuộc sống như một chiếc bình mà trong đó, sự tiêu cực và tích cực có lượng ngang nhau", tiến sĩ Wilson cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-cua-hoi-phuc-va-chanh-niem-da-ve-post1358019.html