Mùa đại hội 2020: Nhiều doanh nghiệp nâng tầm quản trị
Nhiều doanh nghiệp có tờ trình về việc thành lập ủy ban kiểm toán, đồng thời có các tờ trình về việc chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm tổng giám đốc, bổ sung thành viên HĐQT độc lập.
Tách bạch vị trí lãnh đạo và điều hành
Thành lập ủy ban kiểm toán hay tách bạch vị trí lãnh đạo và điều hành cao nhất tại doanh nghiệp là tín hiệu tích cực trong việc cải thiện, nâng cao hơn nữa quản trị công ty ở các doanh nghiệp đại chúng, dù đây là công tác nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định sắp có hiệu lực.
Quy định về việc chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Pháp luật đã cho thời gian 3 năm qua để thực hiện, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang loay hoay.
Thời hạn càng cận kề, doanh nghiệp càng phải dốc sức tìm kiếm ứng viên thay thế cho vị trí lãnh đạo cấp cao. Ở các doanh nghiệp lớn, việc thay đổi nhân sự có thể tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, công tác tìm kiếm, đào tạo nhân sự, cũng như xây dựng đội ngũ kế thừa được thực hiện rốt ráo hơn trong 3 năm qua.
Tại ĐHCĐ của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) năm nay, Công ty có tờ trình về việc bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc sẽ thôi không giữ vị trí Tổng giám đốc.
Bà Thanh cho biết, Công ty liên tục tìm kiếm nhân sự có thể nắm giữ vị trí Tổng giám đốc. REE đã nhờ các công ty “săn đầu người” để tìm kiếm, nhiều nhân sự rất giỏi nhưng lại không thực sự am hiểu lĩnh vực hoạt động của Công ty.
Cuối cùng, REE lựa chọn người xuất sắc trong các vị trí quản lý nội bộ, cử đi đào tạo nước ngoài 2 năm. Giờ đây, HĐQT REE thống nhất và đã lựa chọn được nhân sự. “Chúng tôi rất vui mừng vì chọn được người đúng như ý muốn để tiếp tục sự nghiệp của REE”, bà Thanh nói.
Thực tế, đa phần doanh nghiệp hàng đầu, quy mô lớn đều đã áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến và hoạt động này có sự cải thiện qua các năm.
Ở nhóm doanh nghiệp quy mô trung bình, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề quản trị công ty, chuyển đổi cơ cấu quản trị đang ngày một tăng lên.
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi ông Đặng Triệu Hòa, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Hòa giữ vị trí Tổng giám đốc, trực tiếp điều hành hoạt động doanh nghiệp, còn vị trí Chủ tịch HĐQT do bà Đặng Mỹ Linh đảm nhiệm. Nội dung này đã được HĐQT STK thông qua và ban hành trong Nghị quyết 01/2020 ngày 14/2/2020.
STK thường xuyên góp mặt trong Top những báo cáo phát triển bền vững tốt nhất qua các năm, đồng thời được đánh giá cao về quản trị công ty. Theo báo cáo thường niên 2019, STK quản trị công ty theo chuẩn mực của khu vực ASEAN.
Trong 146 tiêu chí đặt ra, STK đã thực hiện tốt 106/146 thông lệ về quản trị công ty. Trong đó, Công ty tự đánh giá đã thực hiện tốt trong việc đảm bảo quyền cơ bản của cổ đông, đối xử bình đẳng với các cổ đông, công bố thông tin minh bạch, trách nhiệm HĐQT được thực hiện.
Điểm còn hạn chế là chưa có các tiểu ban trực thuộc HĐQT và Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm Tổng giám đốc (điểm này đã được cải thiện vào đầu năm 2020), Chủ tịch HĐQT không phải là thành viên HĐQT độc lập.
Bổ sung thành viên HĐQT độc lập và thành lập ủy ban kiểm toán
ĐHCĐ Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cuối tháng 6 vừa qua đã bầu thêm 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Duy Tùng, hiện là Giám đốc Tài chính kiêm Người phụ trách quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC).
Nhân sự này được cổ đông đánh giá sẽ góp sức cho DGW trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng chăm sóc sức khỏe và với vai trò độc lập sẽ giúp cổ đông giám sát tốt hơn HĐQT, Ban giám đốc.
Nhiều bộ quy tắc của các quốc gia trên thế giới về quản trị công ty khuyến nghị HĐQT nên được hợp thành từ đa số thành viên độc lập, là những người có thể cung cấp cái nhìn khách quan từ bên ngoài và phán quyết không thiên vị, bổ sung các kinh nghiệm, kiến thức từ bên ngoài và cung cấp các mối quan hệ hữu ích.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Anh, chuyên gia quản trị công ty, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), nhu cầu về thành viên HĐQT độc lập tại các công ty ở Việt Nam ngày càng tăng, không phải chỉ để đáp ứng việc tuân thủ các quy định mang tính pháp lý, mà nhu cầu này còn xuất phát từ việc các công ty muốn thay đổi và áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến nhằm phát triển hiệu quả bền vững và thu hút các nhà đầu tư.
HĐQT DGW đã trình cổ đông về việc thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban kiểm soát sang mô hình Ủy ban Kiểm toán. Trong đó, Trưởng ban Kiểm toán nội là thành viên HĐQT độc lập, là người có chuyên môn về kế toán, tài chính và luật.
Với sự chuyển đổi này, chức năng giám sát được chuyển về HĐQT. HĐQT cũng sẽ có sự tham gia của các thành viên HĐQT độc lập, có uy tín, năng lực chuyên môn, đặc biệt là về kiểm soát và kiểm toán. Theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ được biết đến là một chức năng giám sát độc lập cao nhất trong một tổ chức.
Tại Việt Nam, Nghị định 05/2019/NĐ-CP đã đưa ra khung pháp lý về kiểm toán nội bộ, quy định vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ và các bên liên quan, trong đó thể hiện mục tiêu chính của kiểm toán nội bộ là đảm bảo và tư vấn độc lập về hiệu quả, hiệu lực của quản trị công ty, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ.
Ngày 1/4/2021 là thời hạn các doanh nghiệp phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định này.
Nghị định 05 về cơ bản đã đưa ra các nguyên tắc thành lập và vận hành kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế.
Theo đó, các doanh nghiệp cần có nền tảng quản trị công ty tốt, từ cơ cấu quản trị cho đến hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ được phát triển đồng bộ với kiểm toán nội bộ.
Ngoài thành lập ủy ban kiểm toán, các doanh nghiệp đang từng bước áp dụng các thông lệ tốt, chẳng hạn thành lập ủy ban chuyên trách, hỗ trợ hoạt động HĐQT hiệu quả hơn như tiểu ban nhân sự, tiêu ban đầu tư và phát triển, tiểu ban lương thưởng.
Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc DGW cho rằng, muốn trở nên hấp dẫn, thu hút các nguồn lực mới để tăng trưởng, doanh nghiệp niêm yết phải thể hiện được vai trò quản trị tốt. Đây không phải là công việc có thể thực hiện trong ngắn hạn, mà là quá trình cải tiến liên tục.
Một “tân binh” trên thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Bất động sản An Gia (AGG) đang có những bước cải thiện về quản trị công ty khi chuyển từ công ty gia đình thành công ty đại chúng và niêm yết trên HOSE đầu năm 2020.
Tháng 9/2019, AGG đã thành lập Tiểu ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT với 3 thành viên, trong đó Trưởng tiểu ban là thành viên HĐQT độc lập, 2 thành viên còn lại là thành viên HĐQT độc lập và Phó chủ tịch HĐQT. AGG cho biết, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn quốc tế đánh giá và tư vấn nhằm nâng cao quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Hiện tại, AGG chưa hình thành được một bộ máy chuyên môn về quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, nhưng nhiệm vụ này đã giao cho Trưởng ban Kiểm toán nội bộ phụ trách. Mục tiêu trong năm 2020 sẽ xây dựng một khung quản lý rủi ro, bao gồm cả quy trình về nhận dạng, đánh giá và kiểm soát rủi ro trên toàn hệ thống.
Còn kiểm toán nội bộ tại AGG mới được thành lập trong tháng 2/2020, nhưng ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, kiểm toán nội bộ có chức năng rất quan trọng, giúp tiểu ban kiểm toán và HĐQT đánh giá một cách khách quan, độc lập đối với hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro.