Mùa đám ở nông thôn

Dẫu đình đám có được tổ chức thế nào thì cũng cái đích cuối cùng vẫn là hạnh phúc của đôi bạn trẻ...

Vào cỡ giữa mùa thu đến đầu mùa đông và trọn vẹn mùa xuân được gọi là mùa cưới. Thời tiết ủng hộ lứa đôi. Thu thì mát và xuân thì ấm. Đám cưới ở ngoại thành bây giờ vui hơn ở nội thành. Đó là điều mà nhiều người cảm thấy. Vì ở nội thành giờ làm đám cưới hay đám hỏi đều có thể thuê trọn gói. Tất tần tật từ chuẩn bị đồ sính lễ, tìm người bưng bê tráp và cỗ bàn, đại tiệc hôm lễ chính, người phục vụ, người dẫn chương trình, ca nhạc, khánh tiết. Nhưng ngoại thành chủ yếu “cây nhà lá vườn”.

Tuy rằng một phần của cỗ như gói bánh chưng, giò chả, phông bạt, bát đũa, bàn ghế… có thể thuê bên ngoài làm để gánh bớt công việc cho anh em họ mạc. Nhưng hôm lễ ăn hỏi đa số vẫn tự sắp lễ, mượn người bưng tráp, đón tráp, têm trầu. Anh em họ mạc vẫn nhễ nhại tự thịt lợn, thị gà, làm cỗ, làm giò chả, phục vụ tiếp khách. Người đến giúp phải nhem nhuốc, mỡ thịt nhờn tay chân, mắt mũi kèm nhèm vì khói thì mới được gọi là nhiệt tình.

Rước dâu ngày xưa

Rước dâu ngày xưa

Đó là những sinh hoạt mà trong nội thành các đô thị lớn như Hà Nội hiếm hoi mới có được. Một không khí đoàn kết và gần gũi. Điều đáng nói ở nội thành, đám cưới được tổ chức tại nhà hàng, khách sạn sang trọng. Khách chỉ việc đến ăn, thả chiếc phong bì vào hộp rồi về. Nhưng ngoại thành vẫn tổ chức nhiều cỗ. Cỗ hôm ăn hỏi, cỗ tối trước hôm cưới, cỗ chính ngày cưới và cỗ tối hôm kết thúc chỉ còn lại những họ hàng thân hữu, người giúp dọn dẹp thu dọn bàn ghế, bát đũa. Nhìn có vẻ khề khà hơn nhưng người ta thích cỗ ngoại thành hơn. Trong tiệc tùng nhậu nhẹt, việc chúc tụng cảm giác thân cận vui vẻ hơn vì thời gian diễn ra dài, trong không gian gia đình, làng xóm láng giềng.

Xưa đám cưới nơi ngoại thành rất nặng nề chuyện mời mọc. Có vùng theo nề nếp phải mời hai lần. Mời một lần người ta cho là coi thường, không chịu đến. Vậy nên họ phải lên danh sách người cần mời rất kỹ lưỡng và tổ chức mời mọc long trọng. Các cụ ông, cụ bà quan trọng phải được mời ngồi ở ba gian nhà chính của gia chủ. Có đám cưới rình rang vài ngày. Nay việc mời có thể giảm tiện hơn một chút, cỗ bàn giản tiện nhưng sự long trọng vẫn cần bảo đảm. Cỗ bàn gồm bao nhiêu món luôn được cân nhắc kỹ lưỡng, đám sau nhìn đám trước để khỏi bị chê cười là cỗ nhỏ, cỗ ít, thiếu món sang.

Bây giờ đám thanh niên có nhiều điều kiện hát hò nhưng lại không say sưa hát hay như ngày trước. Ngày trước các cụ già cũng biết hát vài bài, không cần nhạc sống với nhạc chín, nhưng đã đứng trên sân khấu là làm say lòng người. Nhiều ông bà bình thường chỉ biết cày cấy, khi có đám dù uống chút rượu, mặt mũi đỏ bừng, khi lên sân khấu như được lột bỏ lớp vỏ ngoài mưa nắng bình thường để trở thành… ca sĩ.

Nay đám trẻ hát mở nhạc to, ồn ào, chát chúa. Bọn họ còn tổ chức nhảy hiện đại. Thực ra toàn đám choai choai nhảy tự do, tự tác theo tiếng nhạc mà không theo thể thức nào, cốt để thoải mái tạo không khí vui nhộn khi nhà trai đón được cô dâu về gia đình. Xen kẽ những lời chào hỏi, trao rể đón dâu, cảm ơn, thường là các tiết mục văn nghệ kèm theo nhảy nhót tự phát như thế. Cũng có khi đám trẻ con năm, sáu tuổi mặt mũi nhem nhuốc, áo quần xộc xệch cũng xông vào nhảy, tay chân múa may túi bụi.

Có một điểm chung giữa các loại đám là nỗi lo. Ở đâu cũng nhiều đám. Nào ma chay cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, nào lễ lạt dòng họ, thôn, xã. Ăn đám đến phạc phờ, mờ mắt. Mà việc gì cũng cần đến tiền. Đôi khi méo mặt vì lo tiền. Cứ đến mùa đám là lo bán lợn, gà, thóc. Không thì đi vay anh em. Cảnh lo đám, “nợ miệng” đã đi vào phim ảnh, khiến người xem cười ra nước mắt.

Dẫu đình đám có được tổ chức thế nào thì cũng cái đích cuối cùng vẫn là hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Xưa người ta rảo bộ đón đưa nhau qua lối mòn cỏ mướt, rồi đến thời bằng xe đạp, hoặc sang lắm là chiếc xe máy đi mượn của người thân, vậy mà vẫn trăm năm hạnh phúc, ít người sứt mẻ. Nay xe hoa đưa rước mà duyên tình cũng chóng tan. Nhiều đôi chỉ được vài tháng đã lục đục đòi ly dị, khiến đôi họ nhọc lòng.

Nhưng dù thế nào thì đám cưới vẫn được tổ chức theo nguyện vọng của những cặp đôi trẻ. Những đứa trẻ vẫn được sinh ra, làm người, để lại lớn lên, làm lụng, nuôi nấng những vùng quê, và đất nước. Điều đó như một quy luật vĩnh hằng.

Sơn Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mua-dam-o-nong-thon-91816.html