Mùa đông ấm áp

Mới tháng 11, nhưng ở Nà Nheo (xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn), sương đã giăng khắp lối. Chính vì thế, cô trò ở phân hiệu Nà Nheo luôn được đón mùa đông đến sớm, cũng như 'nếm trải' cái rét, cái lạnh dài hơn.

Cô và trò ở phân hiệu Nà Nheo.

Cô và trò ở phân hiệu Nà Nheo.

Nằm trên quả đồi, bao quanh là những cánh rừng già, phân hiệu Nà Nheo (Trường Mầm non số 2 xã Khánh Yên Hạ) như một chấm nhỏ giữa đại ngàn. Do ở vị trí “đắc địa” nên mỗi mùa đông đến, cô trò ở phân hiệu Nà Nheo được “thưởng thức” những cơn gió rét buốt đến thấu xương. 10 năm dạy học, cô giáo Phan Thị Thao có 4 năm được đón mùa đông ở nơi đại ngàn Nà Nheo. Cũng như mọi năm, năm nay cô Thao cùng đồng nghiệp và lũ trẻ người Mông đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón mùa đông.

Tháng 11, ở dưới trung tâm xã Khánh Yên Hạ, mọi người vẫn mặc áo cộc tay, nhưng trên Nà Nheo, có những ngày sương mù giăng kín, cách nhau vài mét đã không nhìn thấy mặt, cô và trò co ro trước những cơn gió lạnh đầu mùa. Cô giáo Phan Thị Thao tâm sự: Năm nay là năm thứ 4 tôi lên dạy học ở Nà Nheo. Dường như tôi có duyên với mảnh đất này, bởi mỗi năm dạy học ở đây, tôi đều được “nếm trải” cái rét “ngọt” đến thấu xương. Đặc biệt, năm 2019, nước đóng băng trắng cánh rừng, mỗi lần động vào nước, tay buốt cứng, không duỗi ra được.

Được “tôi luyện” qua những mùa đông khắc nghiệt, nên cô giáo Thao cũng như các đồng nghiệp đều bình thản đón mùa đông năm nay. Điều mà các cô day dứt đó là lũ trẻ vẫn mặc mong manh đến trường, mũi đỏ như quả cà chua vì lạnh. Không phải chúng thích như vậy, mà gia cảnh các em quá khó khăn. Đưa tôi đến lớp trẻ 4 tuổi, đúng lúc cô giáo Lục Thị Dung đang cố gắng mặc chiếc áo khoác cho một cậu bé. “Chiếc áo quá chật so với cơ thể của cậu bé, nên tôi phải cố gắng mãi mới mặc cho em được”, cô giáo Dung cho hay.

Hồn nhiên trẻ em ở Nà Nheo.

Hồn nhiên trẻ em ở Nà Nheo.

Cậu bé mà cô giáo Lục Thị Dung nhắc đến đó là Tráng A Hùng. Do gia đình thuộc hộ nghèo nên năm nay dù đã 4 tuổi, nhưng cậu bé vẫn “diện” chiếc áo khoác mà một nhà hảo tâm ở Hải Phòng tặng 2 năm trước. Câu chuyện của cậu bé Tráng A Hùng không phải là hiếm ở phân hiệu Nà Nheo. Ở đây, có không ít trẻ vẫn “diện” chiếc áo khoác từ những năm trước, rồi anh hoặc chị chuyển lại áo khoác cho em dù đã sờn cũ, nhưng giúp chúng chống chọi với mùa đông lạnh giá.

Tranh thủ lúc trời nắng, đưa lũ trẻ ra sân sưởi ấm, cô giáo Lục Thị Dung dành chút thời gian chia sẻ với tôi: Tôi cũng có con nhỏ, nên nhìn lũ trẻ mà thấy thương chúng quá. Có những ngày mưa rét, nhìn vài đứa mặc manh áo mỏng, đi chân đất đến trường, mặt tím tái vì lạnh mà thấy giận bố mẹ chúng vô cùng. Nghĩ đi nghĩ lại, không phải là họ không thương con, mà tất cả do hoàn cảnh quá khó khăn, cho con đến trường kể cả những ngày mưa rét đã là sự cố gắng vượt bậc.

Cô giáo Lục Thị Dung mặc áo ấm cho học sinh.

Cô giáo Lục Thị Dung mặc áo ấm cho học sinh.

Thương con, thương cô giáo, các phụ huynh ở Nà Nheo đã thay nhau lấy củi mang đến phân hiệu, rồi phân chia nhau hằng ngày nấu cơm, đun nước nóng cho cô và trò. Anh Tráng A Sa, lưng địu con nhỏ đang ngủ say, tay thoăn thoắt vo gạo, thái thịt, nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm trưa cho 43 đứa trẻ. Do mưa rét những ngày qua, nên đống củi bị ẩm ướt, những thanh củi ướt tỏa ra mùi khói cay nồng, khiến đôi mắt anh Sa giàn giụa nước. Vất vả là vậy, nhưng anh Sa vẫn vui vẻ, miệt mài nấu xong bữa cơm nóng hổi cho 43 đứa trẻ. Lo xong bữa trưa, nhìn lũ trẻ ăn ngon lành, anh Sa mới thở phào nhẹ nhõm. “Tôi có 2 con đang theo học lớp 4 tuổi và 5 tuổi tại phân hiệu Nà Nheo. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng tuần tới, tôi sẽ xuống huyện mua cho mỗi đứa một chiếc áo rét. Trước mắt, hai đứa vẫn dùng áo khoác cũ từ những năm trước để không bị rét”, anh Sa tâm sự.

Anh Tráng A Sa chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.

Anh Tráng A Sa chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.

Trước khi trời trở rét, các cô giáo cũng đã giặt toàn bộ chăn, vỏ gối của các lớp học, tranh thủ phơi ra nắng để diệt khuẩn và thơm tho, giúp lũ trẻ ngủ ngon hơn. Những chiếc chăn bị chuột cắn, các cô đã bỏ thời gian để khâu lại, dù không đẹp, nhưng lũ trẻ vẫn có đủ chăn ấm trong mùa đông. Cùng với đó, các cô giáo đang nỗ lực kết nối với các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ áo ấm, bình nóng lạnh, xốp trải nền, chăn để lũ trẻ ấm hơn trong mùa đông này.

Sự nhiệt tình của bậc làm cha mẹ như anh Tráng A Sa, tình thương vô hạn của các cô giáo đã sưởi ấm cho lũ trẻ ở nơi đại ngàn Nà Nheo trong mùa đông khắc nghiệt. Chính họ đã và đang chung sức, đồng lòng để cái chữ “nảy mầm” trong băng giá.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362786-mua-dong-am-ap