Mùa đông lạnh giá, nhiều nước phương Tây đau đầu với bài toán năng lượng
Nhiều nước phương Tây đang đau đầu tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh thời tiết vào đông ngày càng giá lạnh.
Chính phủ Anh mới đây đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình nước này giảm tiêu thụ năng lượng trị giá 1 tỷ bảng Anh (tương đương gần 30 nghìn tỷ VNĐ). Kế hoạch sẽ được triển khai từ đầu năm tới và sẽ mở rộng đối tượng được hưởng chính sách này, thay vì chỉ tập trung vào các hộ gia đình khó khăn như trước đây.
Bà Ann và ông Keith Harley sống tại Barnley, thị trấn ở phía Bắc nước Anh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Giá điện và khí đốt tăng cao khiến ông bà gặp nhiều khó khăn.
Ông Keith Harley cho biết: "Lò hơi bị hỏng đúng lúc chúng tôi cần đến. Đây thực sự là một vấn đề vì chúng tôi không đủ tiền để chi trả".
Gia đình ông bà Keith Harley thuộc diện những hộ gia đình sẽ được hỗ trợ để giảm tiêu thụ năng lượng. Việc lắp đặt vật liệu cách nhiệt tốt hơn cho căn nhà sẽ giúp ông bà tiết kiệm được hàng nghìn bảng Anh mỗi năm. Khoản hỗ trợ này nằm trong ngân sách đầu tư cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả trị giá 12,6 tỷ bảng Anh được Bộ trưởng Tài chính Anh công bố mới đây và theo kế hoạch được giải ngân đến năm 2028.
Ông Jeremy Hunt - Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ cung cấp thêm khoản hỗ trợ 1 tỷ bảng Anh để cho phép gia hạn thêm 12 tháng cho Quỹ hỗ trợ các hộ gia đình, giúp chính quyền địa phương hỗ trợ những người có thể bị bỏ sót, không được hưởng chính sách".
Hiện nay, các khoản trợ cấp lắp đặt vật liệu cách nhiệt áp dụng với những người ở nhà ở xã hội hoặc những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo chính sách mới, khoảng 80% số tiền hỗ trợ trên sẽ cung cấp cho những người không đủ điều kiện được hưởng tính theo mức thu nhập, nhưng nhà của họ không đáp ứng mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả. Kế hoạch sẽ được triển khai từ đầu năm sau, hứa hẹn có thể giúp nước Anh đạt mục tiêu giảm 15% lượng năng lượng tiêu thụ vào năm 2030.
Kỳ vọng vào năng lượng hạt nhân
Bên cạnh việc giảm tiêu thụ năng lượng, một bài toán khác cần lời giải là việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đáp án mà Anh lựa chọn là năng lượng hạt nhân.
Nước này rất kỳ vọng vào tương lai của điện hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân mới đang trong quá trình xây dựng, bấp chất nhiều lo ngại về vấn đề an toàn cũng như chi phí đầu tư. Cùng tìm hiểu qua phóng sự sau đây.
Khu đất rộng 174 ha, nằm ở Hinkley - khu vực tây nam nước Anh, đây là nơi đang triển khai một dự án xây dựng lớn nhất châu Âu hiện nay: Dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong số 2 lò phản ứng hạt nhân thuộc nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của Vương quốc Anh. Hiện lò này đã đạt chiều cao hơn 32 mét.
Ông Nigel Cann - Giám đốc Dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân: "Ở đây tại Hinkley, mọi thứ đều có quy mô lớn. Đây là công trường xây dựng lớn nhất ở châu Âu, đây cũng sẽ là một trong những nhà máy điện lớn nhất nước Anh, nơi sản xuất ra 7% tổng sản lượng điện của đất nước và sẽ đóng góp 4 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế khu vực này. Tại đây, chúng tôi có dịch vụ xe bus lớn thứ ba trên thế giới. Chúng tôi cũng phục vụ nhiều trứng, xúc xích và thịt xông khói hơn bất kỳ nơi nào khác ở Vương quốc Anh""
Dự án Hinkley Point C là một phần không thể thiếu trong chiến lược giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Anh.
Ông Neil Hirst - Chuyên gia chính sách cấp cao về năng lượng, Đại học Hoàng gia London: "Năng lượng hạt nhân giúp đảm bảo an ninh năng lượng vào thời điểm nguồn cung cấp khí đốt đang gặp rủi ro. Cũng bởi vì nhiều quốc gia đã có cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, một mục tiêu khá khó hoặc thậm chí không thể đạt được nếu không có năng lượng hạt nhân".
Dự án Hinkley Point C ước tính sẽ tiêu tốn tới 26 tỷ bảng Anh và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dù nước Anh đặt nhiều kỳ vọng vào năng lượng hạt nhân, tuy nhiên vẫn tồn tại những lo ngại về chi phí cũng như thời gian cần phải bỏ ra để xây dựng các lò phản ứng hạt nhân lớn như dự án tại Hinkley.
Ông Paul Dorfman - Chuyên gia nghiên cứu Chính sách Khoa học, Đại học Sussex, Anh: "Phải mất tới 20 năm để xây dựng ra một lò phản ứng hạt nhân, tính từ khi lập kế hoạch đến khi đi vào hoạt động. Mọi thứ đều quá muộn. Về cơ bản, các nhà máy điện hạt nhân này không thể giúp chúng ta giải quyết khủng hoảng năng lượng cũng như giải quyết khủng hoảng khí hậu".
Năng lượng hạt nhân hiện đang cung cấp khoảng 16% điện năng cho Vương quốc Anh, tuy nhiên có một thực tế là phần lớn các lò phản ứng hạt nhân đều đang gần hết thời gian vận hành. Theo các chuyên gia, việc dự án Hinkley có thành công hay không sẽ giúp xác định liệu có thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân lớn như vậy được xây dựng ở Anh và các nước khác trong tương lai hay không.
Tuy nhiên cho đến nay, dự án Hinkley Point C đã vượt ngân sách khoảng 7 tỷ bảng Anh và bị chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu lao động.
Nguồn: VTV