Mưa dông ở miền Bắc kéo dài bao lâu?

Đợt không khí lạnh ngắn ngày khiến nền nhiệt miền Bắc giảm nhẹ, trời mát kèm theo mưa dông, nguy cơ cao sạt lở đất, ngập úng ở một số khu vực miền núi. Dự báo miền Bắc sẽ đón nắng sau đợt không khí lạnh này.

Sau đợt không khí lạnh, miền Bắc sẽ đón nắng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (22/9), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Ngày và đêm 22/9, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4-5.

Ngày 22-23/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời mát, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 20-23 độ, vùng núi có nơi dưới 19 độ.

Mưa dông ở miền Bắc kéo dài đến ngày 24/9.

Mưa dông ở miền Bắc kéo dài đến ngày 24/9.

Khu vực Hà Nội ngày 22-23/9, trời mát với nhiệt độ thấp nhất phổ biển 21-23 độ. Từ ngày 24/9 mưa chấm dứt ở khu vực Hà Nội và Bắc bộ, nắng xuất hiện.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục là trọng tâm đợt mưa lớn lần này. Dự báo từ sáng sớm 22/9 đến đêm 23/9, khu vực này có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ.

Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ đêm nay đến đêm mai (23/9) cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ. Dự báo từ 24/9, mưa lớn giảm dần ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế

Trên biển, từ sáng ngày 22/9, ở vịnh Bắc bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Từ ngày 22/9 đến đêm 23/9, ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ qua (từ 2 giờ đến 8 giờ ngày 22/9), khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình và Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to như: Lợi Bác 74mm, Tam Gia 68mm (Lạng Sơn); Thượng Tiến 46mm, An Bình 43mm (Hòa Bình); Thủy Điện Hủa Na 49mm, Thông Thu 42mm (Nghệ An);... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Lạng Sơn và Nghệ An tiếp tục có mưa với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; khu vực tỉnh Hòa Bình có mưa với lượng mưa từ 30-60mm, có nơi trên 80mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Hòa Bình: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, TP.Hòa Bình, Yên Thủy.

Lạng Sơn: Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình.

Nghệ An Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-dong-o-mien-bac-keo-dai-bao-lau-169240922102409348.htm