Mùa Đông phương Nam vừa đi qua
Đối với các thành phố phương Nam nắng gió, mùa Đông chỉ là cái lạnh nhẹ vừa choàng qua vai, không chút tái tê như cái rét đầu Đông ở phía Bắc.
Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S, tùy từng địa phương mà có tính chất địa lý và khí hậu khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sinh hoạt cư dân từng vùng tương ứng. Điều này thể hiện rất rõ qua biểu hiện của mức nhiệt, khí trời. Nếu phía Bắc có đầy đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, phía Nam lại không có biểu hiện rõ rệt đó, chỉ có mùa mưa dầm dề và mùa nắng hạn triền miên chia nhau gần đều luân phiên trong 6 tháng.
Đối với Nam bộ, mỗi năm tùy tình hình thời tiết khí hậu mưa nhiều mưa ít, mùa mưa mùa nắng có thể chênh nhau, không đều cho mỗi mùa 6 tháng rõ rệt. Điều này cũng không quá khó để giải thích. Ở miền Tây, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, mỗi mùa đều có lợi thế và bất lợi khác đan xen, để có thể giữ nước cho nội đồng hoặc thoát nước, xuôi ra biển Đông, giảm tải lượng nước quá nhiều vào mùa mưa sòng. Để rồi khi bấc non ngon ngót lạnh nhẹ chạm chân vào lòng phố, người ta mới vỡ òa lên: mùa Đông đã về!
Mùa Đông trong thành phố là chút tảo tần của người lao động nghèo tất tả ngược xuôi trong hiu hiu gió bấc; là chút thanh tao của lớp người trí thức dành khoảng trong veo đầu ngày bên ngụm trà để chiêm nghiệm những thứ đã qua, trước khi căng óc cho những bộn bề tiếp theo trong công việc; là chút âm thanh rộn ràng đan nhau trên vòm lá biếc của những chú chim non vừa tập hót… Tất cả như đang ẩn mình cho mùa xuân sắp gần kề. Để rồi lòng người như khắc khoải, như khao khát một vòng tay ôm, một làn hơi ấm, thậm chí là nụ hôn thanh khiết… Mùa Đông trong thành phố sao mà dịu dàng và xao xuyến biết bao!
Mùa Đông ở thành phố phương Nam, sẽ chẳng ai có thể nhận ra ngay nếu không có cái lạnh nhẹ len vào lòng người, lòng phố. Nhịp sống đời thường vẫn cứ hối hả và gấp gáp trôi đi. Những bà mẹ, người chị rời quê nghèo xóm nhỏ làm cuộc mưu sinh nơi thành đô, từng bước chân vẫn miệt mài nơi phố thị. Trong cái lạnh nhẹ đầu Đông của phương Nam nắng ấm, chút sắt se này vẫn chẳng là gì so với những nhịp bước nhọc nhằn và nhẫn nại ấy.
Với đức tính chịu thương chịu khó và cố gắng chắt chiu là đặc trưng vốn có của phụ nữ Việt, trong từng bước chân âm thầm của việc mưu sinh ấy, sẽ là chút tiết kiệm thảo thơm dành cho cha mẹ già, là chút tiền nhỏ cho chồng trà lá mỗi sớm mai, là những đồng tiền nhỏ rất dè sẻn dành cho con ăn xôi buổi đầu ngày đi học… Rồi trong chớm lạnh đầu đông như thế này, những bà mẹ, người chị ấy chỉ kịp khoác thêm manh áo mỏng gánh hàng đi trong màn sương giăng nhẹ nơi thành phố vừa quen vừa lạ…
Sinh ra và lớn lên ở miệt châu thổ sông Cửu Long, nhưng đôi chân thích rong ruổi của người tuổi Ngựa đã cho tôi được phép tự mình lãng du nhiều chuyến. Thật thú vị biết bao khi tôi đã có dịp tận hưởng mùa Đông lạnh dày của Hà Nội. Dẫu không trọn vẹn một mùa Đông dài, nhưng hơn mười ngày ngoài ấy, tôi cũng đã kịp hít thở “no nê” cái âm hưởng mùa Đông Hà thành. Đó là, trong cái rét tê người của Hà Nội mùa Đông, thích nhất là cảm giác buổi sáng làm nóng cơ thể bằng bát phở Bát Đàn trong không gian rất hẹp và luôn chật kín khách. Khi đã “ấm lòng” theo đúng nghĩa đen rồi, bàn chân bắt đầu rong ruổi: Nào là Hoàng thành Thăng Long, nào là Văn Miếu, nào là phố cổ, là đường Phan Đình Phùng rợp cây cổ thụ trải dài ôm cả lối đi…
Ở Hà Nội, mùa Đông “la cà” nhấn nhá khắp từng ngõ ngách nhỏ. Nhớ một chiều Đông Hà Nội, trong cái lạnh đằm sâu da diết, nhịp chân mình âm vọng khi viếng chùa Trấn Quốc có lịch sử gần 1.500 năm tuổi (tọa lạc tại quận Tây Hồ), tôi gần như đắm chìm trong không gian tĩnh lặng ở nơi đây và nghe lòng mình bình yên đến lạ. Phố cổ Hà Nội gợi cho tôi một liên tưởng thú vị: Tôi nghĩ ngay đến Hội An. Mỗi nơi đều có thanh âm cuộc sống riêng có mang tính vùng miền, nhưng nét thăng trầm và hoài cổ của hai địa danh này, về chủ quan tôi nghĩ sẽ rất phù hợp với những ai sống thiêng về phía niệm. Mà hoài niệm thì trùng điệp ký ức, có khi không chỉ là riêng phía ký ức đẹp, có thể còn đầy những nỗi niềm mơ hồ khó định dạng cụ thể.
Bây giờ, mùa Đông ở các thành phố phương Nam gần như đã trốn biệt. Bởi nơi này không phải là ngôi nhà cho gió bấc cư ngụ lâu dài như Hà thành rêu phong và cổ kính. Mùa Đông, đối với miền Nam cũng chỉ là một xáo trộn rất nhỏ trong đời sống thường nhật của mọi người. Có thể người già và trẻ nhỏ chỉ cần choàng thêm chiếc khăn len và tấm áo mỏng, là đã vừa vặn tránh được cơn bấc gió lùa. Những cô nàng điệu đàng chưa kịp diện cho mình những bộ trang phục mùa Đông, gió mùa Đông Bắc đã mang hơi lạnh đi mất, để những đôi má phơn phớt hồng tiếc ngẩn tiếc ngơ. Đâu đó ở các con phố, con hẻm nhỏ thưa vắng người qua lại, lau sậy hai bên đường bắt đầu trổ bông và xoay tít trong chiều gió lộng.
Nhìn lại mùa Đông vừa đi qua thành phố, chỉ thoáng chút ngỡ ngàng chưa kịp thích nghi rồi mọi thứ lại trở về với nếp sinh hoạt cũ, như gió mùa Đông Bắc chưa hề xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong thành phố. Tuy nhiên, dư âm của cơn gió cơn gió bấc vừa nhón chân khỏi nơi này cũng đủ để chúng ta nhận ra mùa Xuân đã gần kề bên cửa sổ.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/mua-dong-phuong-nam-vua-di-qua-86382.html