Mùa Đông thảm họa ở Texas và bài học đắt giá từ những lỗ hổng tồn đọng
Người dân tại bang Texas (Mỹ) tuần qua đã phải trải qua thảm họa trong thảm họa khi vừa phải hứng chịu một mùa Đông giá rét bất thường, vừa phải chịu đựng cảnh mất điện, nước, khiến cuộc sống nhiều người rơi vào cảnh hỗn loạn.
Trải dài vùng đồng bằng của miền Tây bang Texas, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của những giàn khoan và bơm dầu đang hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ. Nhiều người cho rằng, đây chính là hình ảnh biểu trưng cho bang có diện tích lớn thứ hai nước Mỹ, với những dải đất mênh mông và lượng trữ dầu khổng lồ.
Thật vậy, Texas đã được xây dựng và phát triển bằng việc kinh doanh dầu khí trong suốt 120 năm qua, kể từ khi phát hiện ra dầu trên Đồi Spindletop gần thành phố Beaumont vào năm 1901.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, Texas đứng đầu về khai thác dầu thô và khí tự nhiên. Tiểu bang này chiếm 41% sản lượng dầu và 25% sản lượng khí đốt bán ra nội địa Mỹ. Là bang sản xuất năng lượng hàng đầu của Mỹ, Texas dường như là nơi cuối cùng trên Trái Đất có thể rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng. Thế nhưng, tuần vừa qua, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Mùa lạnh bất thường
Trong hơn một tuần vừa qua, một khối không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống đã đẩy nhiệt độ ở bang Texas xuống mức thấp lịch sử. Khối không khí lạnh đã tạo thành một cơn bão tuyết lịch sử, khiến khu vực miền trung nước Mỹ, đặc biệt là Texas, vốn không quen với điều kiện khắc nghiệt, trải qua các hiện tượng thời tiết như ở Bắc Cực. Các cơn bão cũng khiến việc giao vaccine phòng Covid-19 tới một số bang, bao gồm cả Texas bị trì hoãn, cũng như gây ra tình trạng thiếu lương thực.
Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Đầu tiên là sự cố lưới điện, khiến hàng triệu người không có điện để sưởi ấm trong cơn giá lạnh. Được biết, trận bão tuyết kỷ lục khiến nhu cầu dùng điện năng ở Texas tăng vọt. Khác với những tiểu bang còn lại, Texas vốn là nơi dựa vào nguồn điện năng để sưởi ấm các ngôi nhà.
Sau đó, khi nguồn điện bắt đầu được khôi phục, hàng triệu người dân Texas khác phát hiện ra rằng họ không có nước sinh hoạt. Chưa dừng lại ở đó, tình trạng ô nhiễm không khí bất thường cũng khiến cuộc sống của người dân tại đây thêm phần khó khăn.
Trước tình hình này, ngày 20/2, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng tại bang Texas. Quyết định này sẽ giúp mở ra các gói tài trợ liên bang nhằm cung cấp cho các cá nhân trên toàn bang Texas, trong đó có hỗ trợ chỗ ở tạm thời, sửa chữa nhà cửa và các khoản vay chi phí thấp.
Theo ông Paul Beckwith, nhà khoa học hệ thống khí hậu ở Ottawa (Canada), hiện tượng nóng lên toàn cầu, cụ thể là sự nóng lên nhanh chóng của Bắc Cực, được xem như “thủ phạm” gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này. Rất có thể, việc Bắc Cực ấm lên nhanh chóng khiến các dòng tia (jet stream) quay quanh vùng cực chậm lại và uốn khúc, do đó nhiều không khí ấm hơn được đưa về vùng cực và không khí lạnh hơn được đưa về phía Nam. Đây được gọi là thuyết xoáy cực (polar vortex).
Texas thất thủ
Truyền thông Mỹ đưa tin, khối không khí lạnh khổng lồ từ Bắc Cực tràn xuống đã khiến 4 triệu người dân Texas không có điện để sử dụng trong giai đoạn đỉnh điểm. Ngay cả khi lưới điện đã được phục hồi, nhiều người dân vẫn phải vật lộn với tình trạng mất điện.
Theo New York Times, Texas có nhiệt độ trên mức trung bình toàn quốc. Điều này có nghĩa là cơ sở hạ tầng năng lượng của bang không được chuẩn bị cho nhiệt độ lạnh bất thường. Hệ thống nhà máy điện than, điện khí và thậm chí là điện hạt nhân cũng không thể hoạt động bình thường. Các cơ sở này cần nước để làm mát nhưng nhiệt độ lạnh 0 độ C đã khiến nước bị đóng băng.
Tuy nhiên, Thống đốc bang Texas Gregg Abbott đã lập luận đổ lỗi cho các tua bin gió và các tấm năng lượng Mặt Trời bị đóng băng dẫn tới thảm họa mất điện tại khu vực. Nhưng trong cuộc phỏng vấn mới nhất, tỷ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft cho rằng, những cái chết thương tâm do tình trạng mất điện ở Texas gây ra khi xảy ra bão tuyết có thể hoàn toàn tránh được.
“Sự cố này không phải xuất phát từ nguyên do phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo. Đây là do những nhà máy điện hoạt động bằng khí gas tự nhiên không chịu được thời tiết khắc nghiệt. Những nhà máy này tốn kém nhiều chi phí song không hiệu quả, và thật là bi kịch khi có người chết”, vị tỷ phú Mỹ nhận định.
Theo Reuters, Texas có thị trường năng lượng phi điều tiết đặc biệt cho phép người dân được lựa chọn giữa các nhà cung cấp điện với giá cạnh tranh theo thời điểm. Trong khi hầu hết các khách hàng của công ty dịch vụ công cộng của bang đang sử dụng các gói cước cố định, một số người dân lại đăng ký các gói cước có thể thay đổi, giúp tiết kiệm chi phí khi thời tiết tốt song lại tăng “phi mã” trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp.
Do đó, mặc dù điện lúc có lúc không, nhiều người đang phải nhận những hóa đơn lên tới 5.000 USD hoặc nhiều hơn chỉ cho năm ngày sử dụng. Mức giá “cắt cổ” này khiến nhiều người dân phải lên mạng xã hội để bày tỏ bức xúc.
Thời tiết băng giá cũng khiến các đường ống nước liên tục bị vỡ, đóng băng hoặc nhà máy xử lý nước gặp sự cố, khiến Texas rơi vào khủng hoảng nước sinh hoạt. Người dân không thể tắm, rửa tay hay sử dụng nhà vệ sinh.
Tại hạt Harris, nơi có thành phố Houston lớn thứ tư ở Mỹ, hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng đã được thông báo không có nước hoặc phải đun băng lấy nước. Cư dân ở Austin, thủ phủ bang Texas cũng nhận được thông báo tương tự do sự cố mất điện tại nhà máy nước lớn nhất thành phố.
Việc các cơ sở sản xuất điện phải ngưng hoạt động vô tình khiến cho không khí trở nên ô nhiễm nặng nề. Theo Reuters, sản xuất bị đóng băng khiến cho nhà máy lọc dầu phải đốt và thải khí gas nhằm ngăn cản các cơ sở chế xuất bị hư hại. Việc này khiến bầu trời phía đông Texas bị bao trùm trong làn khói kéo dài hàng km.
Theo dữ liệu sơ bộ được cung cấp cho Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas (TCEQ), 5 nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ đã xả ra 169 tấn khí thải ô nhiễm bao gồm benzen, CO, H2S và SO2. Dữ liệu của TCEQ còn cho thấy các công ty dầu khí ở Texas đã đệ trình 174 thông báo về việc phát thải ô nhiễm vượt mức cho phép trong khoảng thời gian từ ngày 11 - 18/2, gấp bốn lần so với tuần trước đó. Tổng mức ô nhiễm tại các cơ sở thuộc khu vực Houston trong thời tiết lạnh giá đã lên tới khoảng 350 tấn, chiếm khoảng 3% tổng ô nhiễm vượt mức cho phép.
Truyền thông Mỹ ngày 22/2 đưa tin, đợt lạnh kỷ lục đã khiến phần lớn nước Mỹ rơi vào tình trạng giá rét ngay cả ở những khu vực vốn ấm áp và khiến ít nhất 58 người thiệt mạng liên quan đến ngộ độc khí carbon monoxide (CO), tai nạn ô tô, cháy nhà và hạ thân nhiệt. Các nhân viên tuyến đầu ứng phó với giá rét cho biết, con số này có thể tiếp tục tăng lên trong tuần tới.
Những lỗ hổng tồn đọng
Đây không phải lần đầu tiên Texas phải chịu đựng một mùa đông lạnh giá bất thường. Hồi tháng 2/2011, một trận bão tuyết lớn đã gây mất điện toàn tiểu bang. Khi đó, chính quyền liên bang đã cảnh báo chính quyền tiểu bang Texas rằng cơ sở hạ tầng điện tại đây không thể hoạt động trong thời tiết giá lạnh.
Thế nhưng, 10 năm sau, các đường ống dẫn nước không được bảo vệ đầy đủ, khiến cho các nhà máy sản xuất điện phải ngưng hoạt động. Matthew Hoza, chuyên gia từ BTU Analytics, cho rằng vấn đề chính của Texas nằm ở chỗ phần lớn công ty năng lượng tại đây không đầu tư vào các biện pháp bảo vệ chống thời tiết lạnh.
Ngoài ra, hệ thống điện phi điều tiết của Texas cũng có những lỗ hổng nhất định. Không giống các tiểu bang khác, hệ thống điện năng của Texas không hòa chung vào lưới điện quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc Texas không thể bán điện cho các bang lân cận và cũng không thể mua điện từ các nơi khác trong khủng hoảng hiện nay. Vào mùa hè nắng nóng, các nhà máy điện phải làm việc liên tục để có thể theo kịp nhu cầu dùng điện tăng vọt của người dân.
Đã có nhiều tiếng nói yêu cầu bang Texas xem xét lại hệ thống cơ sở hạ tầng để đối phó với những diến biến bất ngờ của thời tiết. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ cho rằng: “Bang Texas đã xây dựng một hệ thống hạ tầng không tính tới biến đổi khí hậu nên không thể phản ứng linh hoạt. Và Texas đã phải trả giá. Tôi hy vọng họ rút ra bài học để khi xây dựng hệ thống điện hay bất cứ thứ gì, cũng cần tính tới yếu tố biến đổi khí hậu”.
QUANG ĐÀO
(theo NY Times, Reuters)