'Mùa đông tiền mã hóa' đã thổi bay 2.000 tỷ USD
Gần 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa trong vỏn vẹn một năm. Giá Bitcoin, Ether đều giảm hơn 70% từ mức đỉnh.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, ngày 10/11/2021, vốn hóa của thị trường tiền mã hóa lập đỉnh 2.813 tỷ USD, nhưng đến nay đã giảm còn 895 tỷ USD.
Giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - giảm 75,5% từ mức đỉnh 68.789 USD/đồng về 16.884 USD/đồng. Ether - đồng tiền lớn thứ 2 - chứng kiến mức giảm 74% sau gần một năm. Các đồng tiền như LUNA, FTT (đồng tiền số của sàn FTX) sụp đổ, lao dốc lần lượt 91% và 96,78% tính đến nay.
"Mùa đông ập đến"
"Mùa đông tiền mã hóa" đã thổi bay hàng nghìn tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường. Trong năm nay, sức ép từ kinh tế vĩ mô giáng đòn lên thị trường tiền mã hóa.
Kể từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Thêm vào đó, trong quý II, sự sụp đổ của stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) terraUSD và token LUNA đã tạo cơn địa chấn trên thị trường tiền mã hóa. Stablecoin là loại tiền mã hóa thường được neo theo một tài sản khác. Chẳng hạn, TerraUSD (UST) neo giá với đồng USD theo tỷ lệ 1 UST đổi 1 USD.
Khi thị trường tiền mã hóa suy yếu, hàng loạt công ty trượt tới bờ vực phá sản và vỡ nợ, trong đó có quỹ đầu cơ tiền mã hóa có tiếng Three Arrows Capital (3AC). Đáng nói, công ty còn làm ăn với nhiều sàn giao dịch và bên cho vay khác.
Voyager Digital đã nộp đơn bảo hộ phá sản sau khi 3AC vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD. Các công ty cho vay tiền mã hóa Genesis và BlockFi (Mỹ), nền tảng phái sinh tiền mã hóa BitMEX và sàn giao dịch FTX cũng thua lỗ vì làm ăn với 3AC.
Celsius - một trong những công ty cho vay tiền mã hóa lớn với 1,7 triệu khách hàng, từng quản lý khối tài sản 25 tỷ USD - tuyên bố nộp đơn phá sản. Cách đó không lâu, Celsius gây xôn xao dư luận sau khi đóng băng tài khoản của khách hàng. Người dùng Celsius không thể rút hay chuyển tiền.
Khi vết thương lan rộng, một loạt sàn giao dịch như CoinFlex, Zipmex dừng cho phép khách hàng rút tiền, nền tảng giao dịch và cho vay Vauld được bán lại cho đối thủ, công ty cho vay Babel Finance chuẩn bị cho quá trình tái cơ cấu.
Mùa đông chưa kết thúc?
Thời điểm đó, Sam Bankman-Fried - CEO FTX - được coi là tên tuổi hiếm hoi có thể vực dậy niềm tin vào thị trường. Theo Wall Street Journal, hồi tháng 8, Bankman-Fried tuyên bố bỏ 1 tỷ USD để giải cứu thị trường tiền mã hóa.
Hồi tháng 7, ngay sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ BlockFi, Bankman-Fried và các cộng sự lập tức lên kế hoạch thâu tóm. Thời điểm đó, BlockFi đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản nghiêm trọng và đang trượt tới bờ vực phá sản.
FTX sau đó cho BlockFi vay 400 triệu USD kèm đề nghị mua lại công ty với giá 240 triệu USD. BlockFi không phải công ty duy nhất được FTX giải cứu.
Bankman-Fried được coi là người hùng trong "mùa đông tiền mã hóa". Sau cú rơi của LUNA và TerraUSD, khoảng 15 công ty tiền mã hóa liên hệ với anh để vay tiền, trong đó có Celsius.
Giám đốc điều hành FTX cũng tham gia vào các hoạt động truyền thông để gây dựng niềm tin của thị trường. Anh khẳng định mục tiêu cuối cùng là giúp "tiền mã hóa được chấp nhận ở mọi nơi".
Nhưng đến tháng 11, tuyên bố phá sản của sàn FTX và lời xin lỗi của Bankman-Fried đã thiêu rụi niềm tin của thị trường. Ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO từ chức ngay sau đó. Sàn giao dịch tiền mã hóa rơi vào khủng hoảng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích. Khi người dùng rút tiền ồ ạt, sàn không còn tiền mặt và phải dừng giao dịch.
Tối 10/11, Sam Bankman-Fried đã lên tiếng xin lỗi người dùng FTX. Trước đó, công ty bị Binance từ chối mua lại vì "những báo cáo mới nhất liên quan tới việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng và các cuộc điều tra của giới chức Mỹ".
Thị trường tiền mã hóa một lần nữa chìm trong sắc đỏ sau khi phục hồi phần nào nhờ vào báo cáo lạm phát thấp hơn dự kiến của Mỹ. Tính đến 0h ngày 12/11, giá Bitcoin giảm 5,59% so với 24 giờ trước đó xuống 16.800 USD/đồng. Vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm gần 6% còn 845 tỷ USD. Riêng đồng FTT sụt giá 27,2% trong vỏn vẹn 24 giờ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-dong-tien-ma-hoa-da-thoi-bay-2000-ty-usd-post1374375.html