Mùa EURO mang đầy kỳ vọng
Sau một năm buộc phải hoãn lại do đại dịch COVID-19, Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2020 cuối cùng cũng sắp diễn ra, nhờ vào nỗ lực và sự quyết tâm của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và các nước thành viên.
Chiều tối 11/6 (giờ Italy, rạng sáng 12/6 giờ Việt Nam), trái bóng Uniforia sẽ chính thức lăn trên sân vận động Olimpico của thủ đô Rome (Italy), khai màn bữa tiệc đặc biệt kỷ niệm 60 năm giải đấu được thành lập. Sự kiện này cũng được xem là một biểu tượng chiến thắng dịch bệnh, gắn kết các dân tộc và mang lại niềm vui bất tận của môn thể thao vua không chỉ tại “Lục địa già”, mà còn trên toàn thế giới.
Uniforia là từ ghép của “unity” (sự đoàn kết) và “euphoria” (niềm hạnh phúc). Mẫu thiết kế trái bóng do Adidas sản xuất này được UEFA thông báo từ ngày 6/11/2019, khi thế giới chưa hề hay biết về "bóng ma" COVID-19. Ngoài màu trắng chủ đạo và những đường nối nhau màu xanh – vàng – hồng, trái bóng còn có điểm nhấn là những nét màu đen cách điệu, tượng trưng cho đường biên giới giữa các quốc gia nhưng bị xóa nhòa nhờ tình yêu bóng đá. Trong bối cảnh hiện nay, những hình ảnh ấy càng thêm phần ý nghĩa khi người dân toàn cầu cùng đoàn kết, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch để có thể sớm cùng nhau tận hưởng trở lại toàn vẹn đam mê cuộc sống.
Kể từ khi ra đời năm 1960 đến nay, Vòng chung kết EURO thường chỉ do một nước đăng cai, hoặc nhiều nhất là 2 nước phối hợp tổ chức. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu sẽ được tổ chức tại 11 địa điểm ở 10 quốc gia: Anh, Italy, Đức, Nga, Azerbaijan, Hungary, Tây Ban Nha, Romania, Hà Lan, Đan Mạch và vùng Scotland (thuộc Vương quốc Anh). Việc tổ chức một giải đấu EURO dàn trải khắp châu lục là sáng kiến của huyền thoại bóng đá Pháp Michel Platini. Tháng 12/2012, ông Platini (khi đó giữ chức Chủ tịch UEFA) đã đưa ra ý tưởng độc đáo này nhằm mang đến sức sống mới nhân dịp kỷ niệm ngày giải đấu ra đời. Ông nhấn mạnh: "Đó sẽ là một giải đấu trong mơ để kỷ niệm sinh nhật thứ 60 của EURO".
Thực tế cho thấy, mong muốn của ông Platini phần nào đó đã trở thành hiện thực, nếu không muốn nói là giúp hiện thực hóa giải đấu này dễ dàng hơn. Dù đại dịch COVID-19 đã khiến bữa tiệc sinh nhật phải diễn ra trong những phập phồng lo lắng, nhưng theo nhận định của Giám đốc phụ trách công tác tổ chức EURO 2020 - ông Martin Kallen “chúng ta có một lợi thế lớn là chúng ta có rất nhiều đội chủ nhà”. Ông Kallen cho rằng chuyện hậu cần cho việc tổ chức giải đấu này ở duy nhất một nước chủ nhà “về nguyên tắc là không thể” khi đại dịch COVID- 19 bùng phát ở châu Âu. Trong khi đó, Tiến sĩ Daniel Koch - cố vấn y tế của UEFA về EURO 2020 cũng đã chỉ ra nhiều rủi ro khi người hâm mộ của 24 đội tuyển di chuyển khắp một quốc gia. Ông cho biết: “Sẽ là một tính toán sai lầm khi cho rằng dễ xoay chuyển hơn nhiều nếu EURO 2020 chỉ diễn ra ở một địa điểm”.
Với những diễn biến tích cực hiện nay tại châu Âu về tỷ lệ lây nhiễm cũng như mức độ bao phủ của vaccine ngừa COVID-19, UEFA tự tin rằng giải đấu kéo dài một tháng này có thể diễn ra an toàn mà vẫn tạo điều kiện cho khán giả tới sân theo dõi các trận đấu. Chủ tịch UEFA – ông Aleksander Ceferin lạc quan khẳng định: "Đó sẽ là cơ hội hoàn hảo để cho thế giới thấy rằng châu Âu đã thích nghi với tình hình mới. Người dân châu Âu đang sống và tận hưởng cuộc sống. Châu Âu đã trở lại guồng quay".
Chính quyền những thành phố đăng cai EURO 2020 đã xác nhận các sân vận động sẽ được lấp đầy từ 22% đến 100% chỗ ngồi. Dè dặt nhất có lẽ là Thị trưởng Munich (Đức) Dieter Reiter, khi ông thông báo ít nhất 14.500 người hâm mộ sẽ được tới sân Allianz Arena. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Budapest (Hungary) tuyên bố khán giả sẽ phủ kín toàn bộ 68.000 chỗ ngồi tại Puskas Arena, tất nhiên là với những yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Không chỉ ghi dấu ấn về quy mô tổ chức, EURO 2020 còn là sự hội tụ những lần đầu tiên trong lịch sử của giải đấu danh giá nhất châu Âu này, như diễn ra trong năm lẻ, không phân biệt đội chủ nhà hay đội khách, sử dụng công nghệ VAR, số lượng cầu thủ nhiều kỷ lục (26 người thay vì 23), mỗi đội được phép thay 5 - 6 người (trước đó chỉ là 3) trong một trận đấu hay “nhiệm kỳ ngôi vương” của Bồ Đào Nha được kéo dài tới 5 năm… Hầu hết những yếu tố đặc biệt trên là do sự điều chỉnh của UEFA để hạn chế tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Theo UEFA, việc xét nghiệm PCR đối với toàn bộ các thành viên của mỗi đội tuyển là yêu cầu bắt buộc thực hiện một ngày trước các trận đấu, với kết quả được công bố ít nhất 6 giờ trước khi bóng lăn. Các trận đấu có thể bị hoãn tới 48 giờ, nếu hơn 50% đội hình kiểm tra cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đối với người hâm mộ, kỳ EURO này chắc hẳn sẽ vắng đi những fanzone rộn tiếng hò reo, khi nhà chức trách hạn chế tụ tập đông người. Trên trang chủ, UEFA cung cấp đầy đủ mọi thông tin cần thiết từ địa điểm tổ chức, cách mua/hủy vé, quy định cách ly và phòng dịch ở mỗi nước... Điều này giúp người hâm mộ có cái nhìn cơ bản về những việc họ phải làm nếu muốn tới xem EURO 2020.
Do không phải địa điểm nào cũng đảm bảo cho 100% cổ động viên vào sân, nên số lượng vé theo đó cũng phải hạn chế. Theo Sky Sports, UEFA buộc phải hủy vé dựa trên lựa chọn ngẫu nhiên và hoàn tiền cho những cổ động viên kém may mắn. Trước đó, cơ quan này cũng đã hoàn tiền vé cho những khán giả đặt mua từ năm 2019, nhưng không thể chờ lịch thi đấu mới.
Ngay cả khi đã cầm vé trong tay, việc di chuyển và nhập cảnh đối với các cổ động viên quốc tế cũng khá phức tạp, khi hầu hết các quốc gia đăng cai EURO 2020 vẫn đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19 và phân loại theo các vùng hạn chế. Các nhà tổ chức nêu rõ sẽ không có miễn trừ nào được linh hoạt đối với những người đã mua vé EURO 2020. Theo đó, họ vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ kiểm dịch, cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, bị giới hạn thời gian lưu trú… Trong một số trường hợp, họ có thể không được phép nhập cảnh quốc gia đăng cai.
Vấn đề này đối với các cổ động viên châu Âu có phần “dễ thở” hơn khi nhiều nước đã bắt đầu triển khai chứng nhận kỹ thuật số về miễn dịch với COVID-19 và tất cả các quốc gia đăng cai đều có những quy định "nới lỏng" với các nước thuộc EU.
UEFA cho biết cổ động viên có vé sẽ được sắp xếp thời gian vào cửa 30 phút trước trận, để tránh việc tụ tập bên ngoài sân. Họ cũng sẽ phải đeo khẩu trang, được kiểm tra thân nhiệt hoặc xét nghiệm nhanh COVID-19 tùy vào quy định ở mỗi sân. Thậm chí, cơ quan này cũng yêu cầu mỗi quốc gia đăng cai phải chuẩn bị một “kế hoạch B”, đó là không cho khán giả vào sân, để ứng phó với tình trạng ca mắc COVID-19 gia tăng vào đêm trước mỗi trận đấu.
Có thể thấy, để được vào sân cổ vũ EURO 2020 không phải là hành trình đơn giản. Thế nhưng, chính trong áp lực ấy, người hâm mộ lại càng khát khao được trực tiếp hòa mình trong những niềm vui bất tận và những cảm xúc đặc trưng mà chỉ môn “thể thao Vua” mới có thể mang lại, như chính thông điệp của giải đấu năm nay - "Live It. For Real".
Với sự trở lại của Hà Lan và Đan Mạch, Vòng chung kết EURO 2020 hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn với sự hiện diện của 9/10 đội bóng từng được nâng cao chiếc cúp vô địch châu Âu trong quá khứ, gồm: Italy, Nga (được coi là thừa kế của Liên Xô - vô địch năm 1960), Tây Ban Nha, Pháp, CH Séc (được coi là thừa kế của Tiệp Khắc - vô địch năm 1976), Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch. Duy nhất nhà vô địch EURO 2004 là đội tuyển Hy Lạp đã vắng mặt tại giải lần này, do không vượt qua được vòng loại.
Bên cạnh những đội tuyển hàng đầu nêu trên, những đội thuộc tốp khá như Ba Lan, Thụy Sĩ, Croatia, Thụy Điển… cũng hứa hẹn gây bất ngờ. Ngay cả 2 “tân binh” là Phần Lan và Bắc Macedonia cũng có thể viết nên những câu chuyện cổ tích đầy thú vị. Dù buộc phải nảy theo nhịp đập “bình thường mới”, nhưng trái bóng luôn tròn và EURO chưa bao giờ thiếu kịch tính… Một tháng tới chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn bao giờ hết tại châu Âu.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-thao/mua-euro-mang-day-ky-vong-20210611124455248.htm