Mùa Giáng sinh xa cách
Hiện có rất nhiều trung tâm, tổ chức được thành lập để hỗ trợ về vật chất và đặc biệt là về tinh thần cho những người không có người thân bên cạnh trong mùa Giáng sinh năm nay
"Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai," câu nói thật đúng dành cho người dân và chính phủ Anh vào lúc này. Trong lúc Anh đang phải vất vả với những thương thảo thương mại còn dang dở với Liên minh châu Âu (EU) về việc rút khỏi khối này (tiến trình Brexit) thì việc phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 thật sự khiến nước này thêm lao đao.
Buồn bã, âu lo và tức giận
Dường như số phận trớ trêu đang đùa giỡn với người dân Anh. Những liều vắc-xin đầu tiên được xem là niềm hy vọng, bước ngoặt lớn trong tiến trình chống chọi với dịch Covid-19 để chính phủ có nhiều thời gian hơn cho việc thương lượng với EU về các vấn đề mậu dịch, thương mại sau khi hai bên "chia tay". Tuy nhiên, việc phát hiện biến thể mới đã dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách đối nội của Anh và đặc biệt là một Giáng sinh hoang mang và đôi lúc hoảng loạn đang dần bao phủ khắp nước.
Buồn bã là cảm giác đầu tiên của người dân khi đón nhận tin tức không vui gần đây. Người dân đã tin rằng họ có thể đoàn tụ với gia đình và bè bạn trong mùa Giáng sinh này dù vẫn còn bị hạn chế về số người có thể gặp nhau. Thế nhưng, tuyên bố đóng cửa toàn London và một số vùng Đông Nam cũng như giới hạn số người gặp nhau, kèm theo việc các chính khách của Anh lần lượt vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 khiến người dân cảm thấy âu lo và tức giận.
Giống đợt bùng phát hồi tháng 3 và tháng 9 vừa rồi, Tesco, một trong những siêu thị lớn nhất ở Anh, đã bắt đầu giới hạn số lượng mua đối với một số mặt hàng thiết yếu như: trứng, gạo, xà bông, giấy vệ sinh... Đây là hệ quả tất yếu của việc hơn 3.000 xe tải chở hàng hóa đang bị kẹt tại hạt Kent ở Anh sau khi Pháp áp đặt lệnh cấm vận chuyển trong vòng 48 giờ vào hôm 20-12 vì lo sợ lây lan của biến thể mới. Một số siêu thị lớn khác như Asda, Sainbury’s, Aldi, Waitrose... có thể sẽ sớm theo bước Tesco. Điều này lại làm dấy lên làn sóng dự trữ hàng hóa, thực phẩm trong các hộ gia đình ở Anh.
Mặc dù Pháp đã dỡ bỏ lệnh cấm hôm 23-12 để Anh có thể giao dịch thông thương bằng đường biển, bộ và hàng không với Pháp và cả EU nhưng tình hình vẫn đang tồi tệ. Hơn 50 nước vẫn tiếp tục "bế quan tỏa cảng" với Anh.
Một mùa Giáng sinh có lẽ không trọn vẹn đã đành nhưng điều lo ngại nhất là người dân hoang mang vì không biết bao nhiêu vùng, khu vực sẽ bị cô lập hoàn toàn, bao nhiêu người bị bắt buộc phải ở nhà và bao nhiêu trong số đó sẽ bị sa thải và tệ hơn là trường học có thể sẽ bị đóng cửa trở lại bất cứ lúc nào. Không có gì là chắc chắn cả khi dân Anh đã và đang chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt công ty, trong lúc một loạt ngân hàng và công ty tài chính lớn từng bước "ly thân" với Anh.
Không có gì chắc chắn
Các hướng dẫn để giúp người dân có được một Giáng sinh an toàn và trọn vẹn thật không nhất quán và liên tục thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, chính phủ cho phép những người thân (tối đa 2 gia đình) có thể gặp nhau 5 ngày trong dịp Giáng sinh. Nhưng nay, với những hướng dẫn mới, các gia đình sống ở London và một số vùng Đông Nam, nếu không ở cùng nhau, sẽ hoàn toàn không được gặp nhau. Gia đình ở các vùng khác nhau có thể sẽ được gặp nhau duy nhất vào ngày Giáng sinh (25-12) với tối đa chỉ hai gia đình. Chưa hết, chính phủ mới vừa tuyên bố rằng vào "Ngày tặng quà" 26-12, rất nhiều thành phố và khu vực khác sẽ bị áp đặt lệnh cấm giống như London hiện giờ.
Việc đóng cửa hoàn toàn đối với người dân sống ở London đã gây ra tình trạng hỗn loạn. Các nhà hàng, dịch vụ không biết phải xử lý lượng hàng đang tồn trữ như thế nào vì họ đã lên kế hoạch phục vụ trong dịp Giáng sinh. Chưa hết, hàng ngàn người đã đổ xô, tranh nhau mua vé xe để rời thủ đô trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 20-12. Các chuyến xe đã đầy ắp người và hệ quả là không còn duy trì giãn cách xã hội.
Ở khía cạnh khác, một số người gấp rút đặt cuộc hẹn để đến các cửa tiệm làm tóc và nail (móng tay chân), dẫn đến một số tiệm nail của người Việt ở London quá tải. Các chủ tiệm phải nhờ đến sự giúp đỡ của thợ làm nail từ các khu lân cận. Việc đông khách ngay trước ngày phong tỏa như là ngọn lửa lóe sáng trước khi lụi tàn bởi lẽ gần cả năm nay, các tiệm nail hoạt động một cách cầm chừng. Những thợ nail may mắn lắm mới có thể kiếm được 30%-50% thu nhập so với trước đây.
Hoảng sợ và hoang mang có lẽ cũng là cảm giác của họ lúc này vì nếu tình trạng như vậy cứ kéo dài thì họ sẽ đối chọi như thế nào? Số người Anh bản xứ thất nghiệp đang tăng lên từng ngày, nghĩa là cơ hội để các thợ nail đổi nghề hoặc chen chân vào các cửa hàng, công ty là điều không dễ. May thay, hiện có rất nhiểu trung tâm, tổ chức được thành lập để hỗ trợ về vật chất và đặc biệt là về tinh thần cho những người không có người thân bên cạnh trong mùa Giáng sinh 2020. Trong bối cảnh không ai biết được "ngày sau sẽ ra sao," chúng tôi vẫn tin rằng "sau cơn mưa trời lại sáng". Niềm tin này càng được củng cố khi các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trấn an rằng họ chưa thấy bằng chứng về việc biến thể mới ở Anh khiến người nhiễm mắc bệnh nặng hơn hoặc thậm chí dễ tử vong hơn so với các biến thể trước đó dù nó dễ lây hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mua-giang-sinh-xa-cach-20201224211517449.htm