Mùa gió chướng…

Tuy chưa ào ạt đến mức gọi là trào lưu, nhưng việc Công Phượng, Đặng Văn Lâm rồi đến lượt Hoàng Đức, Quốc Việt gia nhập các CLB hạng Nhất khiến giải đấu hạng 2 của Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên môn. Điều gì khiến bóng đá Việt Nam xuất hiện 'làn gió chướng' này?

Hoàng Đức (phải) đá cho Phù Đổng Ninh Bình có thể chưa là "cú sốc" cuối cùng?

Hoàng Đức (phải) đá cho Phù Đổng Ninh Bình có thể chưa là "cú sốc" cuối cùng?

Chuyện V.League 2 "rút ruột" V.League 1 khởi đầu từ việc CLB vừa lên hạng Nhất là Trẻ TPHCM cùng lúc chiêu mộ thành công Đặng Văn Lâm, Lê Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Thịnh, Văn Thành, Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận, Mạch Ngọc Hà, Nguyễn Đức Việt, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình… Và khi Trẻ TPHCM này "đổi ruột" sang Phù Đổng Ninh Bình, trong tay HLV Nguyễn Văn Đàn còn có thêm Nguyễn Hoàng Đức từ Thể Công Viettel. Khỏi phải nói, đây nhìn vào nhân sự của Phù Đổng Ninh Bình nhiều CLB V.League 1 cũng chỉ dám mơ. Về phần mình, để bù đắp lực lượng đáng kể đã "thay tên đổi họ", Trẻ TPHCM mượn thành công từ HAGL tiền đạo Nguyễn Quốc Việt, ngôi sao trẻ đang được HLV Kim Sang-sik gọi tập trung cho đợt FIFA Days tháng 10.

Ở Trường Tương Bình Phước, trước Công Phượng, đội bóng của HLV Nguyễn Anh Đức còn đưa về Huỳnh Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Hoàng Minh Tâm và Lê Thanh Bình. Chưa kể, giúp sức cho bộ đôi Nguyễn Anh Đức - Lê Tấn Tài trên băng ghế HLV còn có giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi, từng làm việc cho VFF trong giai đoạn 2020-2023.

Lẽ thường, việc các cầu thủ V.League 1 chấp nhận thi đấu ở hạng V.League 2 bị xem là bước lùi trong sự nghiệp, đặc biệt là các tuyển thủ như Văn Lâm, Hoàng Đức, Quốc Việt. Nhưng, chẳng ai thấu rõ mình hơn bằng chính các cầu thủ. Suy đoán giữa "tham tiền" hay "tham vọng" của người hâm mộ vô hình trung đặt các cầu thủ như Văn Lâm, Hoàng Đức vào vòng xoáy nghi vấn, tạo nên áp lực không đáng có. Nên chăng, hãy hướng sự lựa chọn này của các cầu thủ, tuyển thủ theo hướng tích cực. Đó là, Văn Lâm, Hoàng Đức hay Công Phượng, Quốc Việt chọn phương án "lùi 1 bước, tiến 3 bước" với những tham vọng của Phù Đổng Ninh Bình, Trường Tươi Bình Phước hay Trẻ TPHCM trong kế hoạch dài hạn của các CLB này. Chính Công Phượng, sau khi quyết định chọn Trường Tươi Bình Phước làm bến đỗ sau khi chia tay Yokohama đã lý giải, đó là có chung tầm nhìn trong cách làm bóng đá với lãnh đạo CLB này. Không phủ nhận tài chính là một phần lý do, song sự lựa chọn bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp cầu thủ của Công Phượng hay của Hoàng Đức, Văn Lâm còn vì chuyên môn, thậm chí là phần lớn.

Có thể, hiện tượng "chịu chơi", "chịu chi" như Trẻ TPHCM, Phù Đổng Ninh Bình hay Trường Tươi Bình Phước sẽ không tái diễn ở mùa giải sau và sau nữa, nhưng đây sẽ là tiền lệ mở ra cuộc chơi khó đoán trong làng bóng Việt, để lúc nào đó việc một tuyển thủ hoặc ngôi sao chọn bến đỗ nào sẽ không còn là "chuyện ầm ĩ". Nếu bóng đá cứ thuận chiều mà diễn ra, sức hấp dẫn dần bị bào mòn và trở nên nhàm chán. Như V.League 2, ngoài sức hút ở cuộc đua giành vé thăng hạng, không có nhiều người quan tâm đến các kết quả còn lại, có chăng sau khi biết kết cục, lại xuất hiện câu nói không thể thờ ơ hơn: Thế à?

Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra ở phía trước, nhưng ít nhất giải hạng Nhất đã "sôi" lên trước khi nó diễn ra, bởi sự xuất hiện của Văn Lâm, Công Phượng, Hoàng Đức. Chưa biết sẽ còn ai nữa gia nhập "hành trình ngược" này, nhưng V.League 2 "chiếm sóng" sân cỏ mùa giải 2024/25 thực sự nổ những phát pháo hiệu tích cực mang tính cạnh tranh nên có cho bóng đá Việt Nam, hơn cả câu chuyện của Sài Gòn Xuân Thành, HAGL và Công an Hà Nội trước đây...

T.S

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mua-gio-chuong-post302583.html